Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững


Từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, nền kinh tế Việt Nam đã xuất hiện những dấu hiệu đáng quan ngại. Đà tăng trưởng suy giảm rõ rệt. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm giảm nhu cầu ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Bối cảnh nhiều thách thức yêu cầu doanh nghiệp tái định vị chính mình để nắm bắt cơ hội.

Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.
Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

Nhận diện thách thức chính

Năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện các Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Bên cạnh những thuận lợi từ đà phục hồi tăng trưởng của năm 2022, nền kinh tế được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Phát biểu tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức chiều ngày 23/3, TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, có 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo, cụ thể:

Thứ nhất, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn. Dù có nhận thức tốt hơn về các yêu cầu, tiêu chuẩn phát triển bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn nhìn nhận đây là một khó khăn không nhỏ để duy trì khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới.

Việc thay đổi tổ chức sản xuất, dây chuyền công nghệ sẽ đi kèm với gia tăng chi phí đầu tư. Ngay cả với dệt may và da giầy là những mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, thì các doanh nghiệp dệt may và giày dép Việt Nam vẫn cần nhiều nỗ lực nghiên cứu, đổi mới, thích ứng và đón đầu các xu hướng trong thời gian tới.

Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Khoảng 97-98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Các doanh nghiệp này gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức.

Những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này.

Trong khi đó, tiếp cận tín dụng của ngân hàng dù đã có những nỗ lực cân nhắc của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, song chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ tư, thách thức bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới (gắn với chuyển đổi số, phục hồi xanh,...).

“Khó khăn về năng suất, chất lượng lao động là vấn đề không mới, nhưng chúng ta chưa tạo được đột phá cả ở cấp độ nền kinh tế cũng như cấp độ doanh nghiệp. Hiện nay, theo thống kê, trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện, thể hiện qua việc thiếu lao động lành nghề, có trình độ chuyên môn kỹ thuật đáp ứng nhu cầu trong bối cảnh mới, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số như hiện nay”, TS. Trần Thị Hồng Minh nói.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong quá trình tiếp cận chuỗi cung ứng và mở rộng thị trường quốc tế. Theo ông Trịnh Minh Anh - Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, mặc dù là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới (độ mở của Việt Nam cao gấp 1,5 lần Thái Lan và gấp 5 lần Trung Quốc), nhưng mức độ tham gia của Việt Nam vào các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực vẫn còn hạn chế, thấp hơn nhiều so với các nước cùng khối ASEAN như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Philippines…

Không những vậy, Việt Nam hiện tập trung quá mức vào một số thị trường, sản phẩm, doanh nghiệp; trong đó, nhóm dệt may, điện tử, hóa chất và kim loại chiếm 2/3 kim ngạch thương mại; 4 thị trường lớn nhất là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ chiếm tới 60%; 4 tập đoàn hàng đầu Samsung, Foxconn, Intel, Panasonic chiếm 70% kim ngạch thương mại của Viêt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, tình hình trên có thể được cải thiện khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào mạng lưới FTA. Với 15 FTA đã ký kết và thực thi, thị trường cung ứng nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra được mở rộng hơn, các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ phong phú đa dạng hơn để đáp ứng nhu cầu của thị trường các nước đối tác FTA.

Tái định vị doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh để nắm bắt cơ hội

Dù bối cảnh có nhiều “gam màu xám” nhưng cũng cho thấy những cơ hội. Nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hoà nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ các động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Vì vậy, đây là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng để “bứt tốc” trong tương lai.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh, để nắm bắt các cơ hội phát triển trong những năm tiếp theo, tái định vị doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh là vấn đề mấu chốt.

Theo đó, tái định vị doanh nghiệp gắn liền với tư duy mới: phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững.

“Các giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, yêu cầu về đạo đức trong sản xuất kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường được đề cao, vừa tạo ra các chuẩn mực mới, vừa tạo hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển”, ông Phạm Tấn Công nói thêm.

Chỉ ra một số định hướng tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp trong thời gian tới, TS. Trần Thị Hồng Minh cho hay: cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới; Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững; tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp; phát động chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động cho cả doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong khi đó, đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tiếp cận chuỗi cung ứng mở rộng thị trường quốc tế, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh: “Để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, chủ động trang bị kiến thức; nắm rõ đặc điểm thị trường quốc tế; nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu”.

Còn ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp thì cho rằng, trước những biến động khôn lường xảy ra trong hệ thống tài chính toàn cầu gần đây, để nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam ổn định phát triển, cần phải đưa ra được những dự báo cho tình hình tình hình thế giới để có phương án ứng phó.

Bên cạnh đó, cũng cần phải đánh giá tình hình kinh tế vĩ mô trong nước, cung như đánh giá lại sức khoẻ doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, cơ quan quản lý, các bộ, ngành có trách nhiệm tạo cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo Quỳnh Lê/thitruogtaichinhtiente.vn