Tài khoản nhà đầu tư F0 tiếp tục đạt kỷ lục 86.107 tài khoản trong tháng 1/2021
Trong tuần vừa qua, thị trường chứng khoán đã ghi nhận sự hồi phục, nhưng VN-Index còn cách mốc 1.200 điểm khá xa, nhiều cổ phiếu cũng chưa lấy lại mức giá ở thời điểm trước khi thị trường điều chỉnh. Theo các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, dòng tiền có thể rút khỏi chứng khoán nhưng khó diễn ra hoạt động rút vốn ồ ạt.
Tháng 1/2021, VN-Index chạm mốc 1.200 điểm và tạo đỉnh ngắn hạn ở đây. Khoảng thời gian đầu tháng 1, giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục và có phiên lên đến hơn 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi điều chỉnh mạnh ở cuối tháng 1, thanh khoản những phiên đầu tháng 2 đã giảm đáng kể và chỉ loanh quanh mốc 15.000 tỷ đồng/phiên.
Trao đổi với báo chí, TS., Cấn Văn Lực phân tích, chứng khoán giảm là sự điều chỉnh cần thiết sau những đợt tăng rất mạnh để giảm sức nóng, cũng như giúp thị trường phát triển bền vững hơn.
Nhận định về xu hướng dịch chuyển dòng tiền đầu tư trong thời gian qua, TS., Cấn Văn Lực cho biết, khi bất động sản khó khăn, vàng kém sôi động, tỷ giá không tăng, trong bối cảnh đó, dòng tiền nhàn rỗi từ các nhà đầu tư F0 có thể quay trở lại kênh gửi tiết kiệm nhưng chỉ là một phần. Đối với thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây có biến động, nhưng khó diễn ra hoạt động rút vốn ồ ạt sang gửi tiết kiệm, bởi còn tùy vào tâm lý của từng nhà đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, về nguyên tắc những tài sản có độ rủi ro cao thì khả năng đem lại lợi nhuận cũng cao. Có thể nói, chứng khoán là kênh đầu tư có độ rủi ro nhất định khi mức sinh lợi cao hơn gửi tiết kiệm.
Phân tích rõ hơn, ông Nguyễn Thế Minh dẫn chứng, trong năm 2020, tăng trưởng GDP chỉ ở mức 2,91% nhưng dòng tiền vẫn đổ mạnh vào chứng khoán. Năm 2021, nền kinh tế đang được nhiều tổ chức kinh tế, tài chính lớn trong và ngoài nước kỳ vọng sẽ hồi phục mạnh, đạt mức 6%-7%.
Do đó, xu hướng nhà đầu tư chọn chứng khoán sẽ tiếp tục diễn ra, dòng tiền từ chứng khoán quay trở lại kênh tiết kiệm khó diễn ra. Tuy nhiên, ông Minh cũng nhận định, bất động sản có thể là đối thủ cạnh tranh với kênh chứng khoán khi thị trường này hồi phục trong năm 2021.
Điều này đã được minh chứng khi trong tháng 1/2021, số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới tiếp tục đạt kỷ lục 86.107 tài khoản, tăng 36,5% so với tháng 12/2020. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), đây cũng là tháng thứ 5 liên tiếp nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới trên 30.000 tài khoản/tháng.
Trong khi đó, tổ chức trong nước mở mới 162 tài khoản trong tháng 1, giảm so với mức 168 tài khoản ở tháng 12/2020. Tại thời điểm ngày 31/1, tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 2,8 triệu, tăng 86.269 tài khoản so với tháng trước.