Tài trợ hàng tồn kho của doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19

Phạm Quốc Việt, Phạm Đức Huy, Lương Quảng Đức - Trường Đại học Tài chính – Marketing

Nghiên cứu này phân tích, đánh giá, nhận định liệu trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, khi các nguồn tài trợ từ các tổ chức tín dụng sụt giảm, các doanh nghiệp có thay thế nguồn tài trợ hàng tồn kho bằng tín dụng thương mại hay không. Kết quả nghiên cứu ủng hộ mạnh mẽ giả thuyết cho rằng, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các doanh nghiệp tài trợ cho tích lũy hàng tồn kho bằng tín dụng thương mại. Điều này giúp hiểu được quyết định tài trợ ngắn hạn của các doanh nghiệp trong thời kỳ hạn chế tín dụng.

Giới thiệu

Tín dụng thương mại (TDTM) được các công ty sử dụng vì có những ưu điểm nhất định so với tín dụng ngân hàng. Theo Ferris (1981), TDTM làm giảm chi phí giao dịch cho bên mua hàng và làm gia tăng khả năng giám sát cho bên bán hàng. Bên cạnh đó, TDTM cho phép bên bán hàng dễ dàng xử lý nợ bằng cách thu hồi tài sản khi người mua suy giảm khả năng thanh toán (Mian và Smith Jr, 1992).

Chính vì vậy, Meltzer (1960) đưa ra giả thuyết thay thế của TDTM cho tín dụng ngân hàng từ mẫu nghiên cứu các công ty tại Mỹ vào những năm đầu thập kỷ 1950. Kết quả cho thấy, TDTM thay thế cho tín dụng ngân hàng tại các công ty nhỏ và các công ty lớn, nhưng có sự hạn chế về tiếp cận tín dụng. Theo Luo và Shang (2019), TDTM là một công cụ tài trợ quan trọng để tài trợ cho việc lưu kho của các doanh nghiệp (DN). Đặc biệt đối với các DN nhỏ hoặc mới thành lập, thường phải đối mặt với các khoản vay ngân hàng đắt đỏ, tài trợ thương mại là phao cứu sinh cho hoạt động kinh doanh của họ (Klonowski, 2014). Đặc biệt, trong cuộc khủng hoảng tài chính, các công ty thường gặp khó khăn trong việc đảm bảo đủ tiền mặt để đáp ứng các hoạt động ngắn hạn của họ.

Dưới sự ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, các DN trở nên khó đáp ứng các tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, gia tăng hạn chế tiếp cận tín dụng ngân hàng. Trong bối cảnh đó, bài viết này phân tích nguồn tài trợ tồn kho của DN dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 và cung cấp bằng chứng thực nghiệm về cách các DN phản ứng với thực trạng hạn chế tín dụng dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 bằng cách tổ chức lại các chính sách tài trợ ngắn hạn đối với hàng tồn kho, sử dụng đến việc thay thế nguồn tín dụng ngân hàng bằng nguồn tín dụng thương mại và bản chất tạm thời hoặc lâu dài của hoạt động này.

Cơ sở lý thuyết

Giả thuyết thay thế của Meltzer (1960) cho rằng, TDTM và tín dụng ngân hàng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và TDTM có thể được sử dụng để thay thế tín dụng ngân hàng trong một số trường hợp, nhất là đối với các DN nhỏ và vừa. Sau đó, nhiều nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã cung cấp bằng chứng hỗ trợ cho giả thuyết thay thế ở các thị trường khác nhau.

Nilsen (2002) cho rằng, các DN lớn và nhỏ đã thay thế TDTM cho tín dụng ngân hàng để giải quyết vấn đề hạn chế tín dụng trong điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt ở Hoa Kỳ; tại Ấn Độ (Bhat và Patel, 2022); tại 11 quốc gia thuộc châu Âu (Casey và O’Toole, 2014). Ngược với giả thuyết thay thế, Biais và Gollier (1997) cho rằng, TDTM và tín dụng ngân hàng là hai nguồn tài trợ có thể bổ sung cho nhau.

Thậm chí, theo Alphonse và cộng sự (2006), TDTM giúp cải thiện danh tiếng DN, phản ánh chất lượng của DN và là cơ sở để DN tiếp cận với tín dụng ngân hàng. Ngoài ra, nhiều nghiên cứu khác cho thấy rằng TDTM đóng vai trò thay thế trong thời kỳ thắt chặt tiền tệ, kinh tế bùng nổ và đóng vai trò nguồn tài trợ bổ sung cho thời kỳ ngược lại (Afrifa và cộng sự, 2021; Bhat và Patel, 2022; Lau và Schaede, 2020; Lin và Chou, 2015; Luo và Shang, 2019; Mateut và cộng sự, 2015).

Tóm lại, TDTM cũng giống như tín dụng ngân hàng là rất quan trọng đối với việc quản trị vốn lưu động của DN. Kết quả các nghiên cứu trước không đồng nhất về việc TDTM và tín dụng ngân hàng là bổ sung hay thay thế hoặc vừa bổ sung vừa thay thế. Nghiên cứu của chúng tôi dựa trên tích lũy hàng tồn kho, là phần tài sản tương đối linh hoạt và cung cấp thanh khoản tiềm năng để bù đắp cho các cú sốc về tài chính bên ngoài (Bhat và Patel, 2022; Carpenter và cộng sự, 1994).

Do đó trong thời kỳ hạn chế tín dụng, người ta kỳ vọng hàng tồn kho được điều chỉnh với chi phí thấp, để đáp ứng nhu cầu về thanh khoản hay sinh lời của DN. Theo nghiên cứu của chúng tôi, khoản vay ngân hàng và các khoản phải trả có tương quan ngược chiều, ngụ ý hiệu ứng thay thế. Phân tích dẫn đến giả thuyết sau: Trong giai đoạn khủng hoảng, TDTM thay thế tín dụng ngân hàng trong việc tài trợ hàng tồn kho.

Mô hình nghiên cứu

Kashyap và cộng sự (1994) lập luận về việc sử dụng tỷ lệ thay đổi tồn kho để đo lường tác động của hạn chế tín dụng lên DN thông qua hiện tượng tích trữ tồn kho. Khi tiếp cận tín dụng ngân hàng bị hạn chế, chi phí tài chính trở nên đắt đỏ, DN giảm dự trữ tồn kho của mình. Nghiên cứu này kế thừa nghiên cứu của Kashyap và cộng sự (1994), Bhat và Patel (2022) bằng cách sử dụng thay đổi tồn kho làm biến số phụ thuộc và biến COVID làm biến tương tác để xem xét mối quan hệ giữa TDTM và tín dụng ngân hàng trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19. Nghiên cứu đề xuất mô hình thực nghiệm như sau:

Δln(INV)i,t =a + b1*Δln(INV)i,t-1 + b2*(INV/S)i,t-1 + b3*Δln(S)i,t + b4*LIQi,t-1 + b5*TCRi,t-1 + b6*ln(TA)i,t-1 + b7*COVIDt*TCRi,t-1 + b8*COVIDt*LIQi,t-1 + e

Trong đó:

Biến phụ thuộc Δln(INV) là thay đổi hàng tồn kho so với kỳ trước.

Biến độc lập TCR là tỷ trọng TDTM trong nguồn tài trợ ngắn hạn, được đo bằng tỷ lệ nợ phải trả so với tổng nợ phải trả và đi vay ngắn hạn trong kỳ trước đó.

Các biến kiểm soát (INV/S) là tỷ lệ tồn kho so với doanh thu thuần kỳ trước đó; Δln(S) là thay đổi doanh thu so với kỳ trước; lnTA là logarit của tổng tài sản kỳ trước; LIQ là tỷ lệ thanh khoản của năm trước đó được đo bằng tỷ lệ tiền mặt, tiền gửi ngân hàng và đầu tư tài chính ngắn hạn so với tổng tài sản.

Để kiểm tra giả thuyết về sự thay thế của TDTM cho tín dụng ngân hàng dưới ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nghiên cứu thêm COVID*TCR và COVID*LIQ là hai biến tương tác để đo lường tác động của ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Biến tương tác này cho phép đánh giá trực tiếp giả thuyết thay thế.

Bhat và Patel (2022), Carpenter và cộng sự (1994) cho rằng, sử dụng biến trễ của biến phụ thuộc có khả năng xảy ra hiện tượng nội sinh dẫn đến kết quả ước lượng bị sai lệch. Do đó, nghiên cứu này sử dụng phương pháp ước lượng mô men tổng quát (GMM) để khắc phục vấn đề trên.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Nghiên cứu này sử dụng thông tin thứ cấp từ báo cáo tài chính hàng năm có kiểm toán của các DN niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM trong giai đoạn 2009 – 2021 để thu thập dữ liệu. Đồng thời, nhóm các công ty tài chính có đặc thù riêng trong hoạt động kinh doanh và hệ thống kế toán được loại ra khỏi mẫu của nghiên cứu này. Ngoài ra, những công ty không có đầy đủ dữ liệu cần thiết cho nghiên cứu sẽ bị loại ra khỏi mẫu nghiên cứu. Mẫu tổng thể dữ liệu nghiên cứu sau khi sàng lọc có tổng cộng 398 công ty trong 13 năm, với 5.174 quan sát.

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến trong mô hình

Biến sử dụng trong mô hình

Số quan sát

Trung bình

Trung vị

Giá trị lớn nhất

Giá trị nhỏ nhất

Độ lệch chuẩn

DlnINV

5.174

0,072

0,057

4,125

-4,247

0,524

INVS

5.174

0,222

0,158

3,277

0,000

0,261

DlnS

5.174

0,069

0,077

3,275

-2,576

0,326

LIQ

5.174

0,150

0,098

0,944

0,000

0,152

TCR

5.174

0,503

0,432

1,000

0,000

0,319

lnTA

5.174

27,007

26,924

32,510

21,154

1,495

DlnINV là thay đổi hàng tồn kho. INVS là tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh thu thuần; DLnS là thay đổi doanh thu thuần; LIQ là tỷ trọng tài sản thanh khoản; TCR là tỷ trọng tín dụng thương mại so với nguồn tài trợ ngắn hạn; LnTA là tổng tài sản.

Theo số liệu thống kê mô tả trong Bảng 1, tăng trưởng hàng tồn kho của các công ty trong giai đoạn 2009-2021 trung bình đạt 7,2%, trong khi tăng trưởng doanh thu cùng kỳ đạt bình quân 6,9%; tỷ trọng TDTM chiếm bình quân 50,3% tổng nguồn tài trợ ngắn hạn; còn tài sản thanh khoản chiếm tỷ trọng 15% tổng tài sản.

Bảng 2: Kết quả hồi quy GMM với biến phụ thuộc là thay đổi tồn kho

Biến sử dụng trong mô hình

Hệ số hồi quy

Sai số

L.DlnINV

-0.157***

-0.053

INVS

-0.219***

-0.062

DLnS

0.632***

-0.072

LnTA

-0.037***

-0.014

LIQ

0.743**

-0.34

TCR

-0.421***

-0.104

COV*LIQ

-0.684

-0.529

COV*TCR

0.441**

-0.175

Hằng số

1.152***

-0.396

Thống kê F

264.48***

 

Kiểm định AR2

0.22

 

Kiểm định Hansen

0.276

 

Số quan sát

4,776

 

Ghi chú: mức ý nghĩa thống kê với *** nếu p<0.01, ** nếu p<0.05, * nếu p<0.1

Nguồn: Nghiên cứu của nhóm tác giả

Kết quả nghiên cứu cho thấy, hệ số hồi quy của biến TCR âm và có ý nghĩa thống kê, có nghĩa tài trợ bằng tín dụng thương mại làm giảm lượng hàng tồn kho; nói một cách khác, hàng tồn kho được tài trợ bằng nguồn vốn ngắn hạn khác với TDTM, tức là nguồn tín dụng ngân hàng. Mặt khác, hệ số hồi quy của biến LIQ dương và có ý nghĩa thống kê mức 10% và 5% lần lượt ở mô hình 1 và mô hình 2. Như vậy, tăng trưởng tồn kho đi đôi với khả năng thanh khoản cao của kỳ trước đó. Điều này cho thấy có xảy ra hành vi đầu tư vào hàng tồn kho từ việc đánh đổi tài sản thanh khoản cao, tương tự những gì Bhat & Patel (2022) hay Carpenter và cộng sự (1994) đã phát hiện.

Hệ số hồi quy của biến tương tác COV*TCR mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê chứng tỏ rằng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra, các DN sử dụng TDTM tài trợ cho hàng tồn kho của DN. Kết quả này cung cấp bằng chứng mạnh mẽ ủng hộ giả thuyết thay thế của TDTM cho tín dụng ngân hàng. Biến tương tác COV*LIQ có hệ số hồi quy âm và không có ý nghĩa thống kê cho thấy, trong giai đoạn COVID-19, các DN không có hành vi đánh đổi tài sản thanh khoản với hàng tồn kho, mà ưu tiên cho duy trì tài sản thanh khoản.

Kết luận

Sự tồn tại của hiệu ứng thay thế giữa tín dụng ngân hàng và TDTM đã được xác nhận bởi các nghiên cứu trước. Nghiên cứu này cho thấy, các DN sẽ thay thế tín dụng ngân hàng bằng TDTM để tài trợ hàng tồn kho trong thời kỳ hạn chế tín dụng. Kết quả cho thấy các DN đã thay thế TDTM cho tín dụng ngân hàng nhằm gia tăng dự trữ tồn kho trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19.

Các kết quả của nghiên cứu đưa ra một số hàm ý cho các nhà đầu tư, DN và nhà lãnh đạo chính sách. Sự thay thế của TDTM cho tín dụng ngân hàng là một tín hiệu tích cực về tính năng động của các DN và nền kinh tế. Nghiên cứu cho rằng các DN trong cùng chuỗi cung ứng nên mở rộng tín dụng cho các đối tác thương mại của họ, đặc biệt trong những thời điểm khó khăn của kinh tế vĩ mô. Thêm vào đó, kết quả này ủng hộ giả thuyết thay thế giúp chúng ta hiểu được hành vi tài chính ngắn hạn của các DN trong giai đoạn hạn chế tín dụng.

Tài liệu tham khảo:

  1. Afrifa, G. A., Alshehabi, A., Tingbani, I., & Halabi, H. (2021). Abnormal inventory and performance in manufacturing companies: evidence from the trade credit channel. In Review of Quantitative Finance and Accounting (Vol. 56, Issue 2). Springer US;
  2. Alphonse, P., Ducret, J., & Séverin, E. (2006). When trade credit facilitates access to bank finance: evidence from US small business data. MFS (Istanbul) Meetings Paper, 1–34;
  3. Bhat, R., & Patel, S. (2022). Trade Credit and Bank Credit Impact of Macroeconomic Policy Interventions. Economic and Political Weekly, LVII(31), 45–51;
  4. Biais, B., & Gollier, C. (1997). Trade credit and credit rationing. The Review of Financial Studies, 10(4), 903–937.