Tận dụng thời cơ vàng để gỡ “thẻ phạt” của EC
Để chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với Đoàn của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5 vào tháng 9/2025, các địa phương cần tránh các lỗi đã được Đoàn thanh tra EC phát hiện trong lần kiểm tra thứ 4 về tàu 3 “không”.

Nhiều chuyển biến rõ nét
Phát biểu tại Hội nghị về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) và chuẩn bị nội dung, kế hoạch làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu (EC), Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, nhìn nhận tổng quan kết quả thực hiện IUU những năm qua, thấy rằng các địa phương đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo, xây dựng nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Ban Bí thư, của Chính phủ.
Thời gian đầu triển khai công tác IUU nhận thấy thực trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị xử lý do vi phạm vùng biển nước ngoài khá phổ biến, nhất là giai đoạn 2015 – 2020 với số lượng bình quân trên 120 tàu/năm.
Đây cũng là vấn đề hết sức nan giải, đồng thời là lực cản trong tháo gỡ “thẻ phạt” của EC. Để giải quyết được vấn đề này, các địa phương đã xây dựng kế hoạch phù hợp với nhu cầu thực tiễn, cùng lúc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời áp dụng chế tài nghiêm khắc nhằm tạo bước ngoặt lớn. Nhờ đó, từ năm 2021 đến nay số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài đã giảm rõ rệt so với trước, tính riêng từ mốc 2018 đã chấm dứt việc đánh bắt bất hợp pháp tại các nước, quốc đảo Thái Bình Dương.
Là địa phương có số lượng tàu lớn với 3.006 tàu khai thác, trong đó có 1.046 tàu từ 15m trở lên, công suất lớn, theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ ngư dân thực hiện các khuyến nghị của EC (như lắp máy giám sát hành trình, cước thuê bao, hỗ trợ kinh phí nhiên liệu chuyến biển khai thác vùng khơi).
Công tác quản lý tàu cá ngày càng khoa học, chặt chẽ hơn, nhờ đó đã hoàn thành đăng ký tàu cá đạt 100%; đăng kiểm còn hạn đạt 94%; cấp Giấy phép khai thác thuỷ sản còn hạn đạt 93%; cấp Giấy an toàn thực phẩm còn hạn đạt 94%; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt trên 99%...
Phấn đấu 100% tàu cá được cấp giấy phép khai thác
Xác định, đây là cơ hội vàng để gỡ “thẻ phạt” IUU, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, 4 nội dung mà EC khuyến nghị đã rất rõ ràng, đặc biệt là quản lý, giám sát đội tàu và xử lý vi phạm hành chính.
“Do vậy từ nay đến tháng 9/2025 là thời cơ, là cơ hội vàng để gỡ thẻ, nếu chúng ta không tận dụng được thì sau đó sẽ rất khó khăn. Thời gian trước mắt không còn nhiều, chúng ta phải xác định mở một đợt cao điểm, yêu cầu các địa phương cùng các bên liên quan bám sát tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện nghiêm. Đề nghị các tỉnh phấn đấu đạt 100% tỷ lệ tàu cá được cấp giấy phép khai thác; chú trọng đăng kiểm và giấy chứng nhận an toàn thực phẩm để đảm bảo đủ điều kiện hoạt động...” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tích cực tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành một Chỉ thị mới nhằm củng cố thêm cơ sở pháp lý và tạo sức mạnh tổng hợp để Việt Nam đón và làm việc với Đoàn thanh tra EC - bước then chốt để tiến tới mục tiêu gỡ “thẻ Vàng” trong năm 2025 một cách thực chất và bền vững.
Về phía Cục Thủy sản và Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), đại diện Cục cho biết, đã trao đổi về kế hoạch làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần 5, trong đó lưu ý các địa phương cần phải tránh các lỗi đã được Đoàn thanh tra EC phát hiện trong lần kiểm tra thứ 4 về tàu 3 “không”, tàu chưa đăng kiểm, đăng ký, không có Giấy phép khai thác, chưa lắp thiết bị VMS đi khai thác. Đồng thời đề nghị các địa phương quan tâm, thực hiện tốt việc kiểm soát thủy sản, sản phẩm thủy sản nhập khẩu bằng container…
Cuối năm 2017, EC đã rút "thẻ Vàng" đối với thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào EU với lý do những nỗ lực của Việt Nam vẫn chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp. Ngay sau đó, một loạt các biện pháp gỡ "thẻ Vàng" đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, đến nay "thẻ Vàng" vẫn chưa được gỡ. Điều này gây khó nhiều mặt cho thủy sản Việt Nam khi vào EU, làm sụt giảm kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU.