Tân Tổng thống Pháp: Ưu tiên cởi trói thị trường lao động
Chương trình cải tổ guồng máy kinh tế Pháp do tân Tổng thống Emmanuel Macron chủ xướng bao gồm nhiều lĩnh vực, từ hệ thống bảo hiểm thất nghiệp đến quy chế hưu bổng, từ các khoản đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội của giới chủ đến việc giảm thuế doanh nghiệp. Tuy nhiên, hồ sơ khẩn cấp nhất vẫn là đẩy lui nạn thất nghiệp với việc cải tổ Luật Lao động - ý tưởng mà chính ông từng là kiến trúc sư khi còn làm Bộ trưởng Tài chính.
Vấn đề cấp bách
Cải tổ Luật Lao động nhằm đem lại công việc cho hơn 3,5 triệu người thất nghiệp trên đất Pháp. Để đạt được mục tiêu này, tân Tổng thống Pháp cho rằng “cởi trói” thị trường lao động là chìa khóa dẫn tới thành công. Theo logic đó, ông Macron chủ trương nới lỏng các quy định về thời gian làm việc, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên.
Rút kinh nghiệm từ người tiền nhiệm Francois Hollande - vị Tổng thống đã mất 2 năm để thông qua các biện pháp cải tổ Luật Doanh nghiệp nhưng thành quả lại đến quá trễ để có thể giúp có thêm một nhiệm kỳ thứ hai - ông Macron đã ngay lập tức bắt tay vào việc. Chưa đầy 10 ngày sau khi nhậm chức, Tổng thống Macron đã tiếp các tổ chức công đoàn và lãnh đạo hiệp hội giới chủ để “nhanh chóng xúc tiến cải tổ”.
Dự án cải tổ được ông Macron đề xuất bao gồm 3 biện pháp chính. Thứ nhất, trong một giới hạn nhất định, mỗi doanh nghiệp sẽ có quyền hạn rộng rãi hơn trong việc thương lượng với nhân viên về các điều kiện lao động, giờ làm việc hay mức lương. Tuy nhiên, mức lương tối thiểu hay số giờ làm việc là 35 giờ một tuần… vẫn được duy trì. Thứ hai là ấn định mức bồi thường tối đa trong trường hợp chủ và nhân viên kiện nhau trước tòa trong trường hợp một người lao động bị sa thải mà không có lý do chính đáng. Và cuối cùng là sáp nhập 3 định chế đại diện cho người lao động thành một định chế trong một cơ quan.
Luật Lao động có phải là chìa khóa?
Việc cải tổ Luật Lao động có phải là chìa khóa giúp nước Pháp giải quyết việc làm cho hơn 3,5 triệu người dân đang bị “gạt” ra ngoài thị trường lao động cũng là vấn đề gây tranh cãi. Chuyên gia Eric Heyer, Giám đốc Đài Quan sát Tình hình Kinh tế Pháp (OFCE) nhận định, không đơn giản quy chụp tình trạng nạn thất nghiệp ở Pháp hiện tại là do lỗi của Luật Lao động quá gò bó.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này, và hầu hết đều cho thấy không có mối liên hệ rõ ràng nào trong việc Luật Lao động ở Pháp quá khắt khe đến mức khiến các công ty ngại tuyển dụng nhân viên. Bởi vì trên thực tế, nếu một hãng cần tuyển dụng họ vẫn có thể thực hiện được.
Ngược lại, Luật Lao động có tạo điều kiện thuận lợi cho giới chủ nhiều thế nào đi chăng nữa mà không có tăng trưởng, tức là hàng sản xuất ra không có người mua, hay không có ai yêu cầu được cung cấp một dịch vụ nào đó, thì giới chủ doanh nghiệp cũng không thể tuyển dụng thêm người. Không có ngõ thoát cho nạn dư thừa lao động.
Trong chương trình cải tổ, Tổng thống Macron quan niệm rằng, nếu như “luật chơi” được quy định rõ ràng, cả về phương diện pháp lý lẫn mức bồi thường thiệt hại, thì các doanh nghiệp sẽ yên tâm hơn khi tuyển thêm người. Một khía cạnh cải tổ khác chính là việc ông Macron muốn thay đổi thứ tự ưu tiên theo hướng tiếng nói của mỗi doanh nghiệp quan trọng hơn hết.
Pháp hiện đã có Luật Lao động chung cho tất cả mọi ngành nghề và tất cả mọi người. Nhưng do mỗi ngành nghề, chẳng hạn như công nghiệp luyện kim hay giáo dục, lại có những đòi hỏi khác nhau, do vậy, bên cạnh Luật Lao động chung, Tổng thống Pháp muốn có những thỏa thuận riêng cho từng ngành. Và ở cấp thấp hơn nữa là thỏa thuận của từng công ty, giữa chủ và nhân viên cũng là điều cần thiết.
Trong thứ tự này, thỏa thuận nội bộ của một doanh nghiệp phải có lợi cho nhân viên hơn là những quy định cơ bản của Luật Lao động được áp dụng trên toàn quốc.
Điều đó có nghĩa là tân Tổng thống Pháp muốn đạt được 3 mục tiêu cùng lúc khi sửa đổi Luật Lao động: “Cởi trói” cho thị trường lao động để khuyến khích các doanh nghiệp dễ dàng tuyển dụng nhân viên; bảo vệ người lao động và giảm chi tiêu công cộng.
Tuy nhiên, đạt được cả 3 mục tiêu này là nhiệm vụ khó khả thi. Lý do là bởi nếu muốn bảo vệ giới làm công, bắt buộc Chính phủ phải tăng ngân sách. Trong khi đó, ông Macron lại chủ trương giảm chi tiêu.
Năm ngoái, tăng trưởng kinh tế của Pháp mới chỉ đạt hơn 1% nhưng lại tạo được thêm 200.000 việc làm mới. Ông Heyer chỉ ra rằng, đó là bằng chứng cụ thể nhất cho thấy thị trường lao động Pháp đang khởi sắc trở lại. Chìa khóa giải quyết thất nghiệp là tăng trưởng, chứ không phải do hợp đồng lao động có mang tính rằng buộc hay không.
Ngoài tính hiệu quả, trước mắt để cải tổ Luật Lao động Pháp, Tổng thống Macron cần nhận được sự đồng thuận của các công đoàn và sau đó, dự luật còn phải được Quốc hội và Hội đồng Bảo hiến thông qua trước khi có hiệu lực. Tham vọng để một bộ luật mới được ra đời và áp dụng kể từ mùa thu năm nay, gần như chắc chắn là nhiệm vụ bất khả thi.