Tăng cải cách hành chính, đa dạng dịch vụ để nâng cao tiếp cận tín dụng

Theo Thùy Linh/congthuong.vn

Chỉ số “Tiếp cận tín dụng” của Việt Nam trong những năm qua được đánh giá cao, đặc biệt trong năm 2018 đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Kết quả này có được do Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC), các ngân hàng thương mại tích cực triển khai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng theo xu hướng mới, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%). Nguồn: Internet
Ngân hàng Nhà nước đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%). Nguồn: Internet

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ quan này đã cắt giảm, đơn giản hóa 80 trên tổng số 257 điều kiện (đạt 31%), trong đó đề xuất cắt giảm hơn 49 điều kiện (đạt trên 50% tổng số phương án đề xuất). Đây cũng thể hiện kết quả rất tích cực của NHNN trong việc triển khai các giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh trong các lĩnh vực hoạt động ngân hàng.

Hàng năm các đơn vị thuộc NHNN phải chủ động rà soát để tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính hiện hành. Ngoài ra, toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính được quản lý và thực hiện thống nhất theo tiêu chuẩn ISO và cơ chế một cửa từ khâu nhận hồ sơ đến khi trả kết quả.

Hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực chuyển đổi mô hình tổ chức với định hướng thu gọn các bộ phận hỗ trợ, lấy khách hàng làm trung tâm, tập trung tối đa nguồn lực nhân sự cho bộ phận kinh doanh, giảm thiểu chi phí hoạt động. Đồng thời tập trung đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ.

Nhiều ngân hàng đã đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin để phát triển các sản phẩm online, đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại và tiện dụng cung cấp cho nhiều đối tượng phân khúc khách hàng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, các ngân hàng đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới trên nền tảng Internet Banking và Mobile Banking, như áp dụng xác thực vân tay, nhận diện khuôn mặt, sinh trắc, sử dụng mã QR Code, Tokenization, thanh toán phi tiếp xúc, công nghệ mPOS...

Hầu hết các ngân hàng đã cải tiến theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, quy trình dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ và thời gian chờ đợi của khách hàng đến giao dịch. Đồng thời, thường xuyên rà soát các định mức phí đối với từng loại dịch vụ, để có lộ trình giảm phí tương ứng với giảm chi phí hoạt động và giảm chi phí cung cấp dịch vụ trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, loại bỏ các loại phí không hợp lý nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ các quy định của NHNN.

Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục lành mạnh hóa và nâng cao năng lực tài chính, tập trung vào tăng vốn và cải thiện chất lượng nguồn vốn tự có, đáp ứng đầy đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật và chuẩn mực quốc tế; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp kiểm soát chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản.

Các TCTD cũng sẽ chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh theo hướng đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng phi tín dụng; Nâng cao tính chuyên môn, chuyên nghiệp trong cung ứng dịch vụ ngân hàng điện tử; tiếp tục tiến hành rà soát, củng cố các hoạt động kinh doanh chính; Ưu tiên cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực quan trọng, then chốt của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế. Hoàn thiện, áp dụng hệ thống quản trị rủi ro phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực và lộ trình áp dụng Basel II tại Việt Nam; Hoàn thiện, áp dụng các chuẩn mực quản trị phù hợp với thông lệ quốc tế.