Tăng cho vay tín chấp: “Cởi trói” cho cả hai
(Tài chính) “Đồng tiền đi liền khúc ruột, khi đã không tin nhau thì chẳng ai dại gì “cấu ruột” của mình cho người khác vay để ôm nợ xấu. Do vậy, cần đến một chính sách toàn diện, một chiến lược quốc gia với cả 3 thành phần chính: Chính phủ, các ngân hàng thương mại và DN”, chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu - người Việt Nam đầu tiên kinh doanh ngân hàng trên đất Mỹ nêu quan điểm.
“Cởi trói” cho cả hai.
“Đó là nguyện vọng mà cộng đồng doanh nghiệp (DN) nêu ra, khi luận bàn tới câu chuyện làm sao để DN tiếp cận được tới nguồn vốn mà không cần tới tài sản thế chấp?”, đề cập tới vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, hiện nay số đông doanh nghiệp đang vật vã với việc tiếp cận vốn do vướng nợ xấu và không còn tài sản thế chấp; khối DN nhỏ và vừa thì không còn gì để thế chấp nữa cả, nên bị các nhà băng “đóng cửa”. Phía ngân hàng cũng vì vướng nợ xấu nên không dám mạnh tay hạ tiếp lãi suất và cho vay tín chấp…
Thực tế đã mình chứng điều này, lãi suất hiện vẫn còn cao, trừ một vài DN ưu đãi là được vay dưới 10%, còn lại hầu hết vẫn là trên 10%/năm. Với mức lãi suất này, sau khi trừ mọi chi phí, DN phải có lãi ít nhất khoảng 20%. Số này sau khi trả cho ngân hàng 10%, DN còn 1/2 để trả thuế, phí… Tuy nhiên, số DN kinh doanh thu lợi nhuận 20% chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng số DN còn khả năng hoạt động, số này hầu hết lại là các DN tốt, họ thậm chí không cần vay vốn, mà nếu vay, thì họ cũng sẽ “nắn” được mức dưới 10%. Điều này đồng nghĩa là 90% số DN còn lại sẽ không thể “tải” nối mức lãi suất cao hơn 10%. Đây chính là lý do khiến nhiều DN “chết” lâm sàng.
Còn về hình thức cho vay tín chấp, do chưa quen với hình thức cho vay này, nên nhiều ngân hàng vẫn không dám mạnh tay thực hiện. Bởi để có thể “xuống tiền” cho vay tín chấp, ngân hàng yêu cầu DN đó phải là những DN tốt, với vốn lưu động, vốn tự có phải dồi dào, quản trị tài chính tốt, kiểm toán tốt, thị phần tốt, lịch sử hoạt động kinh doanh tốt… “Cho vay tín chấp, giống như cho vay anh trọc đầu, nếu xảy ra chuyện, không có tóc để mà nắm. Tuy nhiên, thế giới đã chứng minh cho vay tín chấp ít rủi ro hơn cho vay thế chấp. Rất nhiều nhà băng trên thế giới thậm chí còn “khoái” cho vay tín chấp hơn thế chấp. Bởi, thế chấp thực chất là nguồn tài hoàn trả sản thứ 2, tài sản dự phòng, sau khi nguồn 1 là vốn vay không ổn định. DN đã buộc phải có tài sản thế chấp mới được vay vốn, tức là những DN vốn đã không chứng minh được các ưu điểm cũng như cơ hội phát triển của mình. Những DN này, thường thì khả năng trả nợ được đặt ra kiểu 50-50 và khi phải dùng tài sản thế chấp để trả nợ, tức là họ đã làm ăn không tốt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.
Làm sao xác định doanh nghiệp tốt?
Câu chuyện này đặt ra yêu cầu phải tạo dựng được niềm tin giữa ngân hàng với các DN. Để xây dựng niềm tin thì phải có cơ sở và cơ sở quan trọng nhất là báo cáo tài chính phải thực sự minh bạch. Hiện rất nhiều nhà băng đang mắc kẹt vì sự sụt giảm thê thảm của tài sản thế chấp. Cho nên, tuy DN dù đã có tài sản thế chấp nhưng ngân hàng vẫn “chùn tay” cho vay, buộc DN phải biện tới cả bảo lãnh thì mới được giải ngân. “Đồng tiền đi liền khúc ruột, khi đã không tin nhau, thì chẳng ai dại gì “cấu ruột” của mình cho người khác vay để ôm nợ xấu. Do vậy, cần đến một chính sách toàn diện, một chiến lược quốc gia với cả 3 thành phần chính: Chính phủ, các ngân hàng thương mại và DN. Chính phủ, trong đó có Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách tiền tệ, cung ứng vốn vào lưu thông đầy đủ; chính sách tài khóa phải thích hợp để tạo cơ hội cho DN phát triển. Các ngân hàng thương mại phải mở rộng cho vay tín chấp, giảm chi phí hoạt động, giảm nợ xấu, giảm chi phí dự phòng, giúp doanh nghiệp vững tài chính, ổn định sản xuất kinh doanh.