Tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia giải ngân vốn đầu tư công


Bài viết đánh giá một số kết quả đạt được trong hoạt động giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua, đồng thời nhận diện một số tồn tại, bất cập và nguyên nhân.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất giải pháp nhằm tăng cường vai trò giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình giải ngân vốn đầu tư công trong các tháng cuối năm, góp phần thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế trong thời gian tới.

Thực trạng hoạt động giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong giải ngân vốn đầu tư công

Với ý chí và quyết tâm cao nhất, trên cơ sở các nghị quyết về phát triển về kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2021 của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gắn trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình này là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cụ thể: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, trong đó yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các bộ, ngành quyết liệt thực hiện các giải pháp về đẩy mạnh giải ngân, gắn với nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công ngay từ đầu năm; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân; kiên quyết cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước của các bộ, ngành, địa phương và các dự án chậm giải ngân sang các bộ, ngành, địa phương và các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn.

Đặc biệt, tại Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong từng bộ, cơ quan, địa phương do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND các cấp đứng đầu để thường xuyên lãnh đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân đầu tư công.

Lập kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án có vốn lớn; phân công lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương trực tiếp phụ trách từng dự án; tổ chức giao ban định kỳ với các cơ quan, đơn vị liên quan để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân.

Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng đã được thành lập theo Quyết định số 1242/QĐ-TTg thực hiện chức năng tham mưu cho Thủ tướng để giải quyết nhanh nhất có thể các khó khăn của bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai dự án đầu tư, dựa trên 3 nội dung: (i) Đối với nội dung thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành và đã được quy định rõ, Tổ công tác giải thích ngay trong các cuộc làm việc và triển khai, áp dụng thống nhất trên cả nước, tránh các cách hiểu khác nhau; (ii) Tổ công tác có tiếng nói độc lập, giao cho các bộ, ngành phải sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các bộ, ngành, đồng thời, tham mưu cho Chính phủ sửa các nội dung liên quan đến thẩm quyền của Chính phủ; (iii) Nếu vướng ở các luật, Tổ công tác sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu Chính phủ đề xuất sửa.

Ngay sau khi được thành lập, trong tháng 9/2021, Tổ công tác đặc biệt đã liên tiếp có các buổi làm việc trực tuyến với một số địa phương, như: Hà Nội, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai dự án đầu tư. Dự kiến trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục làm việc với Đà Nẵng, Quảng Nam trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đồng thời, các tổ công tác tương tự đã được thành lập tại một số bộ, ngành như: Toà án Nhân dân tối cao, Bộ Giao thông vận tải và các địa phương như Đắk Nông, Cao Bằng, Vĩnh  Phúc, Quảng Trị, Nghệ An… Thậm chí, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các tổ công tác đặc biệt ở cấp tỉnh và cấp huyện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Với sự quyết tâm cao độ và chỉ đạo sát sao, dứt khoát, thống nhất và xuyên suốt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quyết liệt thực hiện những giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát và đôn đốc, cùng với việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân đầu tư công. Theo đó, giải ngân vốn đầu tư công cả nước tính đến ngày 30/9/2021 là 218.550,92 tỷ đồng, đạt 47,38% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (56,33%), trong đó vốn trong nước đạt 51,71% (cùng kỳ năm 2020 là 60,9%), vốn nước ngoài đạt 12,69% (cùng kỳ năm 2020 đạt 24,7%). Nếu tính cả kế hoạch vốn địa phương giao tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao thì dự kiến tỷ lệ giải ngân đến 30/9/2021 đạt 41,6%, trong đó vốn trong nước đạt 44,7%, vốn nước ngoài đạt 12,7%.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hoạt động giám sát đầu tư công nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng từ đầu năm đến nay đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập làm cho động lực quan trọng này của nền kinh tế chưa phát huy hết vai trò, cụ thể như:

(i) Vai trò người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ, công tác lập kế hoạch vốn chưa với sát thực tế và khả năng giải ngân; công tác thiết kế thi công, đấu thầu lựa chọn nhà thầu chậm, giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; quy trình, thủ tục thanh quyết toán vốn đầu tư công còn bất cập…

(ii) Vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trong việc giám sát chặt chẽ các dự án đầu tư công, đặc biệt là các dự án trọng điểm lớn chưa được thể hiện rõ nét để một mặt, bảo đảm tránh xảy ra các hệ lụy tiêu cực, những rủi ro về mặt đạo đức, mặt khác bảo đảm việc thực hiện đúng tiến độ như đã được phê duyệt, thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thực tế cho thấy, Quốc hội thông qua các cơ quan chuyên môn của mình mới chỉ giám sát đầu tư công ở cấp độ vĩ mô, chưa vào sâu được tới việc thực hiện các dự án, công trình cụ thể. Công tác giám sát đầu tư công cũng như chấp hành dự toán NSNN ở các bộ, ngành trung ương và địa phương được Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, các đoàn đại biểu và các đại biểu Quốc hội, nhưng việc tiến hành giám sát còn chưa được thường xuyên, phạm vi giám sát rộng, đội ngũ cán bộ giúp việc chưa đáp ứng yêu cầu nên chất lượng giám sát chưa cao.

(iii) Tình trạng khép kín trong đầu tư công đã kéo dài nhiều năm và chậm được khắc phục. Vốn đầu tư công được phân giao cho các bộ, ngành, địa phương và các bộ, ngành, địa phương hầu như khép kín trong việc xây dựng, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện đầu tư, thiếu sự tham gia góp ý, phản biện, giám sát của bên ngoài. Điều này dẫn tới việc phối hợp cao nhất giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương chưa tốt; chưa tạo được liên kết vùng để nâng cao hiệu quả đầu tư.

(iv) Thiếu chế tài kiểm tra, giám sát và ràng buộc trách nhiệm liên quan đến hiệu quả sử dụng vốn đầu tư khi thực hiện phân cấp mạnh để tạo sự chủ động cho các địa phương, các DNNN trong công tác đầu tư nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của địa phương, của doanh nghiệp. Điều này dẫn tới tình trạng quyết định đầu tư, điều chỉnh quy mô đầu không thực sự dựa trên nhu cầu, không tính đến khả năng cân đối vốn nên đầu tư bị phân tán, dàn trải, kéo dài thời gian thi công gây lãng phí, thất thoát nguồn lực tài chính của Nhà nước.

(v) Bộ máy quản lý đầu tư công còn cồng kềnh; năng lực quản lý, điều hành, tham mưu của đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng quy hoạch, triển khai, giám sát thực hiện đầu tư ở Trung ương và địa phương còn hạn chế.

(vi) Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và các tổ công tác của các bộ, ngành và địa phương chưa có cơ chế phối hợp và cơ chế giám sát, phát hiện và cảnh báo về công trình chậm tiến độ, cả trong giải ngân vốn để từ đó có ngay được giải pháp giải quyết, phát hiện kịp thời các sai sót nhằm đảm bảo dự án công trình thực hiện đúng, hiệu quả chứ không chỉ dừng lại ở giám sát, đôn đốc, thực hiện kỷ luật hành chính. Bên cạnh đó, việc thành lập và hoạt động của tổ công tác ở địa phương, bộ, ngành vẫn chưa thực sự bám sát thực tiễn địa phương, cơ cấu thành phần, cơ chế hoạt động và nhiệm vụ ưu tiên còn có chỗ chưa phù hợp, thiếu sự tham gia của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và cả chủ đầu tư, nhà thầu và cán bộ có chuyên môn tốt, có phẩm chất và đạo đức vững vàng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu do các nguyên nhân sau:

- Ý thức chấp hành pháp luật, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa cao, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả... Tư duy phát triển trong đầu tư công có lúc, có nơi chậm được đổi mới, vẫn tồn tại “tư duy nhiệm kỳ”, “lợi ích nhóm”, “cơ chế xin - cho”, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, sáng tạo, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định dự án còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm đến lợi ích ngắn hạn.

- Năng lực, vai trò, trách nhiệm, phẩm chất của người đứng đầu, người quyết định, quản lý, thực hiện, giám sát đầu tư công chưa được thể hiện rõ, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả, chưa sâu sát, thiếu đôn đốc, kiểm tra; trách nhiệm trong phối hợp xử lý công việc và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách còn chưa chặt chẽ, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; buông lỏng quản lý dẫn tới tình trạng “trên nóng dưới lạnh”, có nơi còn yếu kém, cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt, việc giải ngân vốn đầu tư công còn bình quân, thiếu trọng tâm, trọng điểm nên còn để xảy ra tham nhũng, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước.

- Năng lực lập kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là năng lực về thẩm định, kiểm tra, giám sát dẫn tới tình trạng nhiều dự án chậm tiến độ, chậm giải ngân, chậm quyết toán, năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa quyết liệt và hiệu quả. Công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm chưa thường xuyên, kịp thời, chưa nghiêm nên chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa, hạn chế các vi phạm trong việc sử dụng vốn đầu tư công nói chúng và giải ngân đầu tư công nói riêng.

- Công tác tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân và toàn xã hội về đầu tư công, giải ngân đầu tư công, chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn thiếu sự thống nhất, chưa đầy đủ...

Tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào giải ngân vốn đầu tư công

Từ thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm diễn ra trong nhiều năm qua, để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công có hiệu quả cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất là tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế và tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình giải ngân vốn đầu tư công, với một số giải pháp như sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tạo đột phá trong cải cách hành chính.

Hai là, tăng cường triển khai quyết liệt hơn nữa Luật Đầu tư công, đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư, nhất là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm. Rà soát hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng, trong đó tập trung rà soát, tiếp tục sửa đổi, hoàn chỉnh quy định pháp luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và đúng pháp luật. Tiếp tục đơn giản hóa cao nhất về trình tự, thủ tục, tăng cường giám sát, hậu kiểm, chống thất thoát, lãng phí.

Ba là, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ việc thành lập các Tổ công tác đặc biệt về giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương. Phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm theo dõi tiến độ từng dự án, lập kế hoạch giải ngân từng dự án, đôn đốc thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho từng dự án. Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể, cá nhân liên quan.

Bốn là, kiên quyết siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát, hậu kiểm việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương trong quản lý đầu tư công, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm trong đầu tư công. Kiên quyết cắt giảm số lượng, kiểm soát chặt chẽ số dự án và thời gian bố trí vốn, bảo đảm hiệu quả, mục tiêu, tính liên tục trong đầu tư công.

Năm là, nâng cao vai trò và thẩm quyền của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong giám sát đầu tư công để sử dụng có hiệu quả, công bằng nguồn vốn đầu tư công, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của Chính phủ trong việc sử dụng tài chính công. Đổi mới quy trình giám sát của Quốc hội, đổi mới cơ chế cung cấp thông tin để cơ quan giám sát được cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời, chứ không chỉ dựa vào báo cáo của các bộ, ngành, địa phương như hiện nay. Tăng cường về số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ chuyên gia giúp việc cho Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát đầu tư công; có chế tài cụ thể để yêu cầu các đơn vị được giám sát thực hiện các kết luận sau giám sát.

Sáu là, các bộ, ngành và địa phương tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm, bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong điều hành kế hoạch, gắn chỉ đạo với kiểm tra, đôn đốc và đánh giá; khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan tham mưu xây dựng, thẩm định, phân bổ vốn đầu tư công. Tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp hữu hiệu để xử lý các điểm nghẽn, nút thắt về đất đai, thủ tục hành chính, thể chế để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là dự án trọng điểm, quy mô lớn, có sức lan tỏa, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế. Khẩn trương xử lý ngay những nội dung liên quan đến dự án thuộc lĩnh vực ngành mình phụ trách, cập nhật số liệu giải ngân để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền. chủ động tham mưu điều chuyển nguồn vốn từ những dự án giải ngân thấp sang những dự án cần vốn thanh toán khối lượng hoàn thành.

Bảy là, đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án: Tăng cường đào tạo, tăng cường năng lực, trách nhiệm và đạo đức công vụ của cán bộ làm công tác quản lý dự án, quản lý đầu tư. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức thực hiện dự án đầu tư công, bảo đảm phù hợp với thực tế, hạn chế phải điều chỉnh trong quá trình triển khai; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực và quy định pháp luật. Chủ động rà soát báo cáo tiến độ và đôn đốc các đơn vị tư vấn, thi công triển khai theo kế hoạch đề ra. Phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng; lên kế hoạch giải ngân định kỳ 15 ngày, hàng tháng, quý. Xây dựng quy định trình tự, thủ tục, thời gian xử lý hồ sơ thanh toán nội bộ tại đơn vị, đảm bảo rút ngắn thời gian xử lý và phù hợp với các quy định của pháp luật. Ban hành, công khai quy trình thực hiện-giải ngân tới các nhà thầu, tư vấn tham gia thực hiện dự án. Bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng cho các dự án ODA.

Tám là, thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ theo quy định pháp luật về giám sát, đánh giá đầu tư. Cập nhật đầy đủ, chính xác các báo cáo, số liệu trên Hệ thống thông tin. Kiện toàn bộ máy và quy trình thực hiện công tác giám sát, đánh giá đầu tư trong phạm vi quản lý của mình. Tăng cường công tác theo dõi, giám sát đầu tư để chủ động phát hiện các dự án phát sinh các vấn đề thuộc tiêu chí dự án quan trọng quốc gia báo cáo cấp có thẩm quyền, đồng thời cập nhật ngay trên Hệ thống thông tin theo quy định.   

Tài liệu tham khảo:

1.Báo cáo số 5482/BC-BKHĐT, ngày 20/8/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

2.Báo cáo số 5876/BC-BKHĐT, ngày 01/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

3.Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030;

4.Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021;

5.Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022;

6.Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 12/8/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ trực tuyến toàn quốc với các địa phương về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2021;

7.Quyết định số 1242/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương;

8.Công điện số 1082/CĐ-TTg ngày 16/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021;

9.Quyết định số 84/QĐ-TCTĐB ngày 09/9/2021 của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư về ban hành quy chế hoạt động của Tổ.

(*) ThS. Nguyễn Quốc Điển - Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.