Ngành Hải quan:
Tăng cường hợp tác đi đôi với đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát để cải thiện môi trường kinh doanh
Tăng cường hợp tác đi đôi với đẩy mạnh thanh tra, kiểm soát để cải thiện môi trường kinh doanh là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của toàn ngành Hải quan để thực hiện thành công Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.
Theo Tổng cục Hải quan, nhằm củng cố an ninh chuỗi cung ứng và tăng cường lợi ích chung, tạo thuận lợi thương mại của các bên tham gia, ngày 14/02/2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam và Lãnh đạo Hải quan các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN đã ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) theo hình thức trực tuyến về Chương trình doanh nghiệp ưu tiên (AEO).
Thông qua việc công nhận lẫn nhau, các doanh nghiệp ưu tiên sẽ được hưởng nhiều lợi ích cụ thể như: tăng lợi ích kinh tế do giảm tỷ lệ kiểm tra; giảm thời gian thông quan và chi phí liên quan (chi phí lưu kho bãi, chi phí nhân công); đảm bảo giao hàng đúng thời hạn, nâng cao lợi thế cạnh tranh; tăng cường an ninh chuỗi cung ứng hàng hóa khi xuất nhập khẩu hàng hóa giữa các quốc gia ký kết thỏa thuận...
Tổng cục Hải quan tích cực phối hợp với đơn vị chức năng để xây dựng bộ chỉ số chính đánh giá, đo lường hoạt động các TTHC thực hiện qua Cơ chế một cửa quốc gia.
Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội nghị đối thoại doanh nghiệp vùng năm 2023 với mục tiêu thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời, tổ chức buổi tọa đàm “Phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa” để nhận diện thực trạng, đặc biệt là những hạn chế, “điểm nghẽn”, cũng như tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Duy trì tích cực công tác hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời vướng mắc của các hiệp hội, doanh nghiệp.
Cùng với đó, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ quản lý chuyên ngành để rà soát, chuẩn hóa Danh mục hàng hóa thuộc đối tượng quản lý chuyên ngành có mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư số 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 của Bộ Tài chính.
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan chủ động trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các quy định pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; hướng dẫn cục Hải quan các tỉnh, thành phố và cộng đồng doanh nghiệp thực hiện thống nhất, đúng quy định.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là hoạt động kiểm soát hải quan, toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 8.068 vụ việc vi phạm pháp luật hải quan, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 2.674,8 tỷ đồng, giảm 29,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Cơ quan Hải quan đã khởi tố 18 vụ, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022 và kiến nghị khởi tố 59 vụ, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2022. Số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là 314,8 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ năm 2022. Các hoạt động thanh tra, kiểm soát của ngành Hải quan đã góp phần quan trọng trong việc bảo đảm chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật hải quan, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh.
Trước tình hình doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố chưa thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch đối với các cuộc kiểm tra chưa cần thiết; tập trung nghiên cứu, lựa chọn các doanh nghiệp, mặt hàng để kiểm tra có trọng tâm trọng điểm hoặc có dấu hiệu vi phạm.