Tăng cường kiểm soát bình ổn giá cả thị trường
(Tài chính) Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm 2013 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ với mục tiêu giữ lạm phát thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội giao (khoảng 8%). Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay các địa phương, đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn.
Báo cáo tổng hợp mới đây của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong 4 tháng đầu năm, Sở Tài chính một số tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành tăng cường thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết... xử phạt vi phạm hành chính về giá hơn 1 tỷ đồng.
Cụ thể, công tác thanh tra, kiểm tra giá, chống gian lận thương mại, thực hiện bình ổn giá thị trường, kiềm chế lạm phát... tại các tỉnh Hậu Giang, Lạng Sơn, Nam Định, Bắc Giang, Sở Tài chính đã thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra về giá sữa tại 3 công ty, giá cước vận tải và thuốc chữa bệnh trên địa bàn.
Tại Đồng Tháp đã kiểm tra 3 cơ sở trông giữ xe, 4 cửa hàng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, 4 cửa hàng thuốc tân dược, ngoài ra còn kiểm tra các cửa hàng kinh doanh sữa và một số đơn vị vận tải.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Sơn La đã phối hợp với các ngành chức năng thực hiện kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, kiểm tra 342 vụ, xử lý 165 vụ với tổng số tiền thu phạt là 215,516 triệu đồng.
Trong 4 tháng đầu năm, Sở Tài chính Thái Bình phối hợp với các ban ngành có liên quan đã thực hiện kiểm tra việc thực hiện đăng ký giá, kê khai giá và niêm yết giá của 64 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, trong đó vi phạm 2 đơn vị kinh doanh mặt hàng thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và dầu ăn vì lỗi bán giá cao hơn giá niêm yết và đã phạt thu tiền nộp ngấn ách nhà nước.
Đà Nẵng trong dịp lễ 30/4, 1/5 kiểm tra 124 khách sạn và phạt 35 khách sạn không niêm yết giá, xử phạt 178,48 triệu đồng. Các tỉnh: Hà Giang (kiểm tra xử phạt 90 vụ, thu nộp ngân sách 243,7 triệu đồng), An Giang (135 vụ, phạt vi phạm 15 vụ, tổng số tiền xử phạt 219,10 triệu đồng).
Theo Cục Quản lý giá, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Tài chính, từ đầu năm đến nay các địa phương, đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát, tăng cường công tác quản lý và bình ổn giá trên địa bàn.
Đặc biệt, 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có kế hoạch triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2013 và Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, điểm mới của Chương trình bình ổn thị trường tại TP. Hồ Chí Minh năm 2013 và Tết Giáp Ngọ năm 2014 là ngoài các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh còn có sự tham gia của các tổ chức tín dụng trong quá trình thực hiện chương trình.
Qua đó, thành phố không thực hiện ứng vốn hoặc hỗ trợ lãi suất vay vốn cho doanh nghiệp như những năm trước đây mà thay vào đó thành phố thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng, giúp các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp. Giá các mặt hàng thuộc chương trình luôn được điều chỉnh sát với diễn biến giá thị trường theo cam kết của Chương trình...
Cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, công tác quản lý, điều hành giá các mặt hàng thiết yếu vẫn tiếp tục được Bộ Tài chính điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, có sự quản lý của Nhà nước.
Đối với giá hàng hoá, dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch, Bộ Tài chính đã cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các phương án giá, mức giá của hàng hóa dịch vụ do Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch thanh toán bằng nguồn ngân sách Nhà nước; hàng hóa được trợ cước, trợ giá; các mặt hàng thuộc chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn thị trường, giá cả.
Đồng thời, Bộ Tài chính thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước trong đầu tư, trong chi tiêu thường xuyên, kiên quyết loại trừ các khoản chi không đúng định mức, tiêu chuẩn, chi sai chế độ chính sách.