Tăng cường liên kết nông dân và doanh nghiệp để sản xuất lúa gạo bền vững


Phát triển bền vững vùng chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh ở ĐBSCL được xem là nhiệm vụ trọng tâm để triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, cũng như các chiến lược, quy hoạch của vùng và các tỉnh trong vùng. Liên quan vấn đề này, phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Văn Thòn - Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời.

Phóng viên: Ông có chia sẻ gì về việc sản xuất lúa gạo ở nước ta hiện nay trong bối cảnh canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính ?

Ông Huỳnh Văn Thòn: Có thể nói, hiện nay Việt Nam đang sản xuất theo diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế do 2 cơ quan lớn của Liên Hợp Quốc là Tổ chức Môi trường của Liên Hiệp Quốc và Viện lúa IRRI thành lập. Đây là một tổ chức đưa ra các giải pháp cũng như tập hợp các nhà khoa học, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, kể cả các nhà môi trường chuyên nghiệp để thực hiện việc canh tác lúa bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Và đối với Việt Nam thì đã đạt được đỉnh cao.

Trong 4 năm liền, chúng ta đạt mức tín chỉ 100%, tức là 100 điểm hoàn hảo, để xác nhận rằng trên phương pháp đó, trên cách canh tác đó, chúng ta hoàn toàn có được tín chỉ carbon. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có thị trường carbon. Và tất cả cái đó, mặc dù đã được các tổ chức quốc tế thẩm định và chứng nhận, nhưng hiện nay chúng ta còn phải làm bước tiếp nữa, trong quá trình làm bước tiếp đó, chúng ta đang tích lũy, nó không mất đi đâu cả.

Và khi chúng ta hình thành được tín chỉ carbon thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng cái này bán ra. Bây giờ chúng ta đang có cái mức 10 USD/tín chỉ carbon. Tuy nhiên, ở thế giới, người ta vẫn có cái mức 120-150 USD/tín chỉ carbon. Tôi hy vọng chúng ta sẽ ở mức cao chứ không phải như mức tối thiểu mà có một số tổ chức quốc tế đến đây nói với chúng ta. Điều quan trọng cuối cùng là sản xuất cây lúa chiếm gần 50% lượng khí thải carbon nhà kính mà hiện nay chúng ta đang phấn đấu để giải quyết bài toán đó.

Phóng viên: Như vậy, nông dân cần sản xuất như thế nào để tiến tới trung hòa, tích lũy tín chỉ carbon, thưa ông ?

Ông Huỳnh Văn Thòn: Nếu phương pháp canh tác của mình theo đúng các tiêu chí ở diễn đàn lúa gạo bền vững thì hoàn toàn chúng ta có tín chỉ carbon, đã tính sẵn, theo công thức rồi. Tất cả những cái đó, có sự thẩm định của các tổ chức quốc tế, họ thẩm định, xác nhận thì chúng ta mới có tín chỉ bán được. Tôi nghĩ rằng rất là sớm khi mà chúng ta hình thành phương pháp sản xuất cho 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao ở ĐBSCL thì sẽ thúc đẩy việc chúng ta tính tín chỉ carbon. Bởi vì nó sẽ sinh ra 2 điều kiện. Một là chúng ta phải chứng minh với các nhà đầu tư. Việc thứ 2 là chúng ta hoàn toàn có điều kiện để triển khai các phương pháp theo diễn đàn lúa gạo bền vững.

Chúng ta đang hình thành hệ sinh thái sản xuất lúa gạo bền vững. Ở đó, có các quy trình canh tác, người nông dân chỉ cần làm theo quy trình đó là chắc chắn được xác định theo tín chỉ carbon. Còn vấn đề đánh giá để bán được tín chỉ carbon thì chờ thị trường carbon, các nhà đánh giá. Khi chúng ta có số lượng lớn cần có tổ chức quốc tế đông đủ để đánh giá.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ về hành trình này, cũng như kế hoạch của Tập đoàn Lộc Trời ?

Ông Huỳnh Văn Thòn: Đơn vị chúng tôi đã làm cái này trong nhiều năm rồi, gần 8 năm. Trong 4 năm gần đây nhất thì chúng ta đạt mức tuyệt đối 100 điểm hoàn hảo, trên thế giới chưa có nước nào làm được. Trong năm nay, chúng ta sẽ mở rộng hơn 50.000ha theo phương pháp này. Tôi tin đây là sự khởi đầu suôn sẻ, khi chúng ta hình thành 1 triệu héc-ta sản xuất theo giảm phát thải khí nhà kính thì hoàn toàn có thể mở rộng và thúc đẩy cái này. Nông dân chúng ta rất cần cù, sáng tạo và các nhà khoa học, nhà quản lý cũng có cơ sở tập hợp tổ chức nông dân đi theo phương án này, đó là HTX. Tôi hy vọng đây là cái bài học để chúng ta sẽ làm, sẽ đóng góp nhiều kinh nghiệm cho thế giới về vấn đề giảm rác thải cho ruộng lúa.

Phóng viên: Sắp tới, Hậu Giang tổ chức Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, ở góc độ doanh nghiệp, ông có kỳ vọng như thế nào ?

Ông Huỳnh Văn Thòn: Trong xu thế bây giờ, chúng ta thấy thế giới đang quan tâm tới an ninh lương thực mà chúng ta là một quốc gia có khả năng sản xuất, đóng góp 7 triệu tấn gạo. Chúng ta đóng góp 7 triệu tấn đó một cách ổn định chứ không phải năm này có năm kia không. Có những quốc gia đóng góp nhiều hơn mình nhưng có năm họ đóng góp nhiều, có năm họ lại nhập khẩu.

Hơn nữa, Việt Nam là một quốc gia đặc biệt, giàu tiềm năng, giàu thế mạnh của thiên nhiên ưu đãi và nhờ vào sự sáng tạo của người nông dân, chúng ta có thể sản xuất lúa trong cả năm, vừa giải quyết được vấn đề lao động, về vốn, vừa đảm bảo an ninh lương thực. Lúa đó là lúa mới. Cơ sở để chúng ta có gạo ngon, giảm được tồn trữ, giảm chi phí bảo quản. Đấy chính là con đường đi rất sáng của bức tranh lúa gạo Việt Nam.

Tôi hy vọng Festival lúa gạo Hậu Giang sẽ chia sẻ được với mọi người để chúng ta có niềm tin, niềm phấn khởi. Đồng thời, chúng ta sẽ thu hút được nhiều đầu tư từ các quốc gia, kể cả các quốc gia không chỉ cần gạo.

Xin cảm ơn ông !

Theo Mộng Toàn/ Báo Hậu Giang