Tăng cường phát hiện vụ việc tham nhũng, lãng phí qua công tác kiểm toán (*)
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng. Tại các văn kiện của Đảng từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX, X, XI, công tác phòng chống tham nhũng thông qua kiểm tra, kiểm toán được ghi rõ.
Nâng cao trách nhiệm của Kiểm toán trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí
Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XII của Đảng (năm 2016) tiếp tục đề ra phương hướng, nhiệm vụ: “Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”.
Đối với Kiểm toán Nhà nước, Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung Điều 118 để hiến định địa vị pháp lý của Kiểm toán Nhà nước và Tổng Kiểm toán Nhà nước; đã nâng tầm Kiểm toán Nhà nước từ cơ quan được “Luật định” thành cơ quan được “Hiến định”, nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Triển khai quy định tại Điều 118 của Hiến pháp, Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 đã quy định cụ thể địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Kiểm toán Nhà nước cũng như nâng cao tính độc lập trong tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, làm rõ hơn trách nhiệm, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm toán nói chung và công tác phòng chống tham nhũng nói riêng.
Theo đó, Kiểm toán Nhà nước có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công (Điều 9); có nhiệm vụ chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan khác của Nhà nước có thẩm quyền xem xét, xử lý những vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán (Điều 10).
Ngoài ra, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán đã được quy định cụ thể trong Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí:
Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 và các luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật phòng chống tham nhũng năm 2005 quy định: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và phối hợp xử lý hành vi tham nhũng; trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý” (Điều 77).
Luật phòng chống tham nhũng cũng quy định trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phối hợp hoạt động với các cơ quan thanh tra, điều tra, Viện kiểm sát, Toà án theo các nội dung:
(i) Trao đổi thường xuyên thông tin, tài liệu, kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng;
(ii) Chuyển hồ sơ vụ việc tham nhũng cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý;
(iii) Tổng hợp, đánh giá, dự báo tình hình tham nhũng và kiến nghị chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng (Điều 80). Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013 quy định tại Điều 74 về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước: “Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm thực hiện kiểm toán nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí”; “Trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiến nghị kịp thời và chuyển hồ sơ tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý.”
Có thể thấy, từ quan điểm của Đảng đến hệ thống luật pháp của Nhà nước đều thể hiện nhất quán vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong phòng chống tham nhũng, lãng phí; coi Kiểm toán Nhà nước như là một công cụ sắc bén, tin cậy trong việc kiểm tra tài chính công, tài sản công.
Ban cán sự, Ban Thường vụ, Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm toán trong nhiều năm qua, mang lại kết quả lớn.
Tổng hợp kết quả kiểm toán trong 10 năm trở lại đây (2006-2015), Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 178.869 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 699 văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm nhiều tập thể, cá nhân sai phạm theo quy định của pháp luật.
Tổng hợp riêng giai đoạn 5 năm gần nhất, từ năm 2011 (bắt đầu triển khai Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020) đến năm 2015, số liệu kiến nghị xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước là 102.264 tỷ đồng, chiếm 57,2% tổng số kiến nghị xử lý tài chính của cả giai đoạn 2006-2015 (178.869 tỷ đồng); cũng trong thời gian trên, số văn bản sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn được Kiểm toán Nhà nước kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế là 432 văn bản, bằng 61,8% tổng số văn bản Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị của cả giai đoạn 2006-2014 (699 văn bản).
Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện và chuyển 09 hồ sơ về 11 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự được phát hiện qua hoạt động kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh tăng cường hoạt động kiểm toán, công tác kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng đã được Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; tăng cường công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán để nâng cao chất lượng kiểm toán; nâng cao hiệu quả phối hợp các cơ quan hữu quan trong quá trình thực hiện kiến nghị kiểm toán, phối hợp xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán.
Công tác phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan trong công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả , Kiểm toán Nhà nước đã ký quy chế phối hợp và thoả thuận hợp tác với 14 Bộ, cơ quan Trung ương và 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó một số Quy chế có nội dung phối hợp đấu tranh phòng chống tham nhũng, như: Quy chế phối hợp trong công tác phòng chống tham nhũng giữa Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Quy chế phối hợp giữa Ủy ban Kiểm tra Trung ương với Ban Cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng; Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương với Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng; Quy chế phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm toán, xử lý trùng lắp trong công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị thanh tra, kiểm toán đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán vẫn còn một số mặt hạn chế:
Một là, công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước chủ yếu mới phát huy hiệu quả phòng ngừa, việc phát hiện tham nhũng còn hạn chế.
Thực tiễn kết quả kiểm toán những năm qua cho thấy tình hình sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công vẫn còn diễn ra tại nhiều đơn vị được kiểm toán, trong nhiều lĩnh vực kiểm toán, tuy nhiên số vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng Kiểm toán Nhà nước chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý theo pháp luật hình sự còn ít.
Hai là, việc phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán trong thời gian qua vẫn còn hạn chế, chưa chủ động, thường xuyên.
Ba là, hiệu lực thực hiện kết luận kiểm toán chưa cao, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, nhất là việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời và nghiêm minh.
Bốn là, tinh thần, thái độ, trách nhiệm của kiểm toán viên trong việc phát hiện các hành vi có dấu hiệu tham nhũng, lãng phí còn nhiều hạn chế.
Một số nhiệm vụ trọng tâm
Để khắc phục nội dung tồn tại, hạn chế trên, trong thời gian tới, toàn ngành Kiểm toán Nhà nước cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng Kiểm toán Nhà nước một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt sâu sắc Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/5/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X), Chỉ thị 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ Chính trị đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống tham nhũng, lãng phí, về vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán được quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí.
Quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/BCS ngày 14/10/2015 của Ban cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước về “Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần III của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí của Kiểm toán Nhà nước”; Đề án “Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước” ban hành kèm theo Nghị quyết số 65/NQ-ĐU ngày 08/4/2016 của Đảng ủy Kiểm toán Nhà nước; Chỉ thị số 769/CT-Kiểm toán Nhà nước ngày 29/4/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; Chỉ thị số 873/CT-Kiểm toán Nhà nước ngày 27/5/2016 của Tổng Kiểm toán Nhà nước về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán.
Hai là, phát huy vai trò người đứng đầu, chịu trách nhiệm toàn diện trong việc quản lý, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi nhiệm vụ của công chức, viên chức và người lao động thuộc quyền quản lý, đặc biệt là việc thực hiện chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, quy trình nghiệp vụ.
Xử lý nghiêm những cá nhân vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, các Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán nếu xảy ra sai phạm hoặc cấp dưới để xảy ra sai phạm trong phạm vi trách nhiệm quản lý được giao.
Trường hợp không phải do đơn vị, Đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán tự phát hiện thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật. Trường hợp nếu xảy ra tham nhũng nhưng tự phát hiện, xử lý ngăn chặn chưa xảy ra hậu quả thì được biểu dương.
Trong quá trình kiểm toán, khi phát hiện các vụ việc, hành vi có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng, Trưởng Đoàn kiểm toán phải kịp thời báo cáo thủ trưởng đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán để đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước xem xét chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra, Ủy ban kiểm tra , Viện kiểm sát nhân dân và cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét xử lý theo quy định; trường hợp cố tình che dấu thì phải chịu trách nhiệm trước Tổng Kiểm toán Nhà nước và trước pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn của kiểm toán viên.
Ba là, chủ động hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán, tập trung kiểm toán các lĩnh vực, đối tượng kiểm toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ tham nhũng, lãng phí; đẩy mạnh kiểm toán hoạt động theo các chuyên đề độc lập, thiết thực, nổi cộm được Quốc hội, Chính phủ và dư luận xã hội quan tâm.
Nghiên cứu triển khai kiểm toán trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong nhiệm kỳ công tác, trước mắt có thể quy định lồng ghép đánh giá trách nhiệm kinh tế của cán bộ lãnh đạo trong các báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động, tập trung vào nhóm cán bộ được giao trách nhiệm đại diện vốn chủ sở hữu, quản lý vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp.
Bốn là, tăng cường công khai kết quả kiểm toán theo các hình thức phù hợp minh bạch, kịp thời: Báo cáo kiểm toán được gửi tới đơn vị được kiểm toán để công khai và tổ chức thực hiện kiến nghị kiểm toán theo quy định; những vấn đề quan trọng trong kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước thông báo trực tiếp bằng văn bản tới người đứng đầu các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương để chỉ đạo, đôn đốc.
Đồng thời, báo cáo kiểm toán cũng được gửi tới các cơ quan liên quan như: Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Bộ Tài chính, HĐND các tỉnh thành phố và các cơ quan liên quan khác để cùng phối hợp theo dõi, giám sát, kiểm tra, đôn đốc, xử lý. Kết quả kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công bố qua họp báo, công khai trên Website, Báo Kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Tập trung công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước theo quy định của pháp luật; theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, báo cáo công khai, kịp thời tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán đối với các đơn vị được kiểm toán và các cơ quan khác có liên quan; chú trọng kết quả thực hiện kiến nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan đến sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán; theo dõi và có giải pháp xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý, đôn đốc thực hiện dứt điểm các kiến nghị qua kiểm tra nhiều năm chưa thực hiện.
Năm là, tăng cường phối hợp giữa Kiểm toán Nhà nước với với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có hành vi tham nhũng do Kiểm toán Nhà nước phát hiện và kiến nghị xử lý thông qua hoạt động kiểm toán.
Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cấp ủy và chính quyền địa phương nhằm giúp các đơn vị được kiểm toán nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát, điều hành tài chính công, tài sản công.
Chủ động chuyển, cung cấp kịp thời, đầy đủ hồ sơ kết quả, bằng chứng kiểm toán cho cơ quan điều tra, thanh tra, Viện kiểm sát xem xét, xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự hoặc khi có yêu cầu của cơ quan chức năng có thẩm quyền để điều tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Sáu là, hoàn thiện hành lang pháp lý đồng bộ cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước: Xây dựng, ban hành kịp thời các quy định, quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015; tiếp tục hoàn thiện hệ thống chuẩn mực Kiểm toán Nhà nước phù hợp với thực tiễn phát triển hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, đáp ứng các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.
(*) Tít bài, tít phụ do Tạp chí Tài chính biên tập lại.