Tăng cường phòng, chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng

PV.

(Tài chính) Trong xu thế hội nhập, hoạt động ngân hàng không những chịu áp lực về kinh tế mà còn chịu áp lực ngày càng gia tăng của các tội phạm liên quan đến hoạt động ngân hàng, trong đó có tội phạm rửa tiền. Từ thực tiễn khảo sát cơ sở pháp lý và thực tiễn, bài viết đề xuất những giải pháp để nâng cao hoạt động phòng, chống rửa tiền trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Thực tiễn phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam

Việc nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với các nền kinh tế trên thế giới, đã mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành ngân hàng. Bên cạnh những cơ hội thì hệ thống ngân hàng cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như: Công nghệ còn tương đối lạc hậu, hiệu quả điều hành thấp, năng lực cạnh ở các ngân hàng còn yếu, tạo nhiều kẽ hở cho bọn tội phạm tấn công vào hệ thống tài chính ngân hàng còn non yếu để thực hiện hành vi rửa tiền thông qua: Hoạt động đầu tư nước ngoài, thanh toán bằng hình thức thư tín dụng, kiều hối... Ứng phó với tình hình này, thời gian qua, Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng cường từ năng lực cho các thể chế tham gia đấu tranh phòng, chống rửa tiền (PCRT) cho đến thu thập, phân tích và chuyển giao thông tin liên quan đến rửa tiền… Luật PCRT được Quốc hội Việt Nam thông qua ngày 18/6/2012 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013) là bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động PCRT ở Việt Nam, góp phần minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.

Cùng với quá trình kiện toàn về khuôn khổ pháp lý, hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) cũng đã triển khai mạnh mẽ công tác PCRT trong hệ thống. Nhiều ngân hàng đã ban hành các quy định riêng liên quan đến công tác PCRT và tổ chức các khóa đào tạo cho các cán bộ nhằm nâng cao ý thức về PCRT như: Tuân thủ và xử lý vi phạm một cách nghiêm minh; tăng cường nhận biết đối tượng khách hàng; có những báo cáo thường xuyên về các giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, chuyển tiền điện tử; yêu cầu hệ thống công nghệ thông tin báo cáo lưu trữ thông tin khách hàng để phục vụ tốt hơn công tác quản lý…. Cho đến nay, đã có một số trường hợp nghi ngờ rửa tiền được phát hiện, ý thức của các NHTM trong thực hiện công tác này đã có nhiều tiến bộ rõ rệt.

Tuy nhiên, đặc thù giao dịch tài chính ở Việt Nam chủ yếu là giao dịch bằng tiền mặt, khiến cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động rửa tiền đang ngày càng trở nên phức tạp và Việt Nam vẫn là địa chỉ dễ bị bọn tội phạm rửa tiền tìm đến. Hình thức rửa tiền của bọn tội phạm ngày càng tinh vi và khó nhận diện hơn, điển hình có thể kể tới một số hành vi như: Các công ty tại các nước ngoài dùng tiền bất hợp pháp sau một thời gian phân chia lòng vòng để xóa dấu vết, sau đó dùng chính số tiền này để mua cổ phiếu của các NHTM tại Việt Nam; Lợi dụng chính sách kiểm soát kiều hối nới lỏng của nhà nước, để chuyển tiền về Việt Nam phục vụ các hoạt động phạm pháp, cũng như là thực hiện các hoạt động rửa tiền; Qua mặt hệ thống kiểm soát của các ngân hàng bằng cách chia nhỏ tiền sau đó chuyển dần ra nước ngoài…

Giải pháp tăng cường phòng, chống rửa tiền

Luật phòng, chống rửa tiền đã đi vào hoạt động, trong khi thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng, chống rửa tiền tại các ngân hàng ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng đủ yêu cầu. Nhận diện được những thách thức trên, NHNN và hệ thống NHTM đã chủ động phối hợp với Cơ quan Công an cùng ban, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp PCRT. Mới đây nhất, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 31/2014/TT-NHNN ngày 11/11/2014 có hiệu lực từ ngày 26/12/2014 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 35/2013/TT-NHNN ngày 31/12/2013 hướng dẫn thực hiện một số quy định về PCRT nhằm hướng dẫn đầy đủ và cụ thể hơn nữa các biện pháp PCRT. Ngoài sửa đổi một số quy định về biện pháp đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao; Danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; Báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử… Thông tư 31/2014/TT-NHNN còn bổ sung các quy định liên quan đến: Phân công, kiểm toán và đào tạo, bồi dưỡng về PCRT và phòng, chống tài trợ khủng bố. Qua đó, giúp hệ thống ngân hàng nhận diện và kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực ngân hàng hiệu quả hơn. Cụ thể như:

Đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro cao

Đối với khách hàng cá nhân có rủi ro cao, Thông tư 31/2014/TT-NHNN yêu cầu các tổ chức tài chính thu thập bổ sung thông tin về mức thu nhập trung bình hàng tháng trong vòng ít nhất 3 tháng gần nhất (theo Thông tư số 35/2013/TT-NHNN là 6 tháng gần nhất) của khách hàng. Đồng thời, bổ sung thêm thông tin về tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc của cơ quan, tổ chức hoặc chủ cơ sở nơi làm việc hoặc có thu nhập chính của khách hàng.

Đối với khách hàng là tổ chức, Thông tư 31/2014/TT-NHNN yêu cầu bổ sung thông tin về tổng doanh thu trong 2 năm gần nhất; Tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của công ty mẹ (nếu khách hàng là công ty con) hoặc danh sách tên, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền của chi nhánh, công ty con, văn phòng đại diện (nếu khách hàng là công ty mẹ)…

Báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử

Tổ chức tài chính được phép thực hiện dịch vụ thanh toán trong nước, quốc tế phải báo cáo Cục PCRT từng giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước có mức giá trị từ 500.000.000 (năm trăm triệu) đồng trở lên hoặc ngoại tệ có giá trị tương đương và giao dịch chuyển tiền điện tử quốc tế ra vào Việt Nam có mức giá trị từ 1.000 USD (một nghìn USD) trở lên hoặc bằng ngoại tệ khác có giá trị tương đương. Tuy nhiên, ngoại trừ 2 giao dịch chuyển tiền điện tử sau không phải báo cáo:

Một là, giao dịch chuyển tiền bắt nguồn từ giao dịch sử dụng thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng hoặc thẻ trả trước để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ;

Hai là, giao dịch chuyển tiền và thanh toán giữa các tổ chức tài chính mà người khởi tạo và người thụ hưởng đều là các tổ chức tài chính.

Đối với các giao dịch chuyển tiền điện tử trong nước, thì tổ chức tài chính phát lệnh chuyển tiền phải báo cáo và có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức phát lệnh chuyển tiền. Tổ chức tài chính phục vụ người thụ hưởng có trách nhiệm thu thập đầy đủ thông tin về cá nhân, tổ chức thụ hưởng theo quy định và báo cáo Cục PCRT khi được yêu cầu.

Phân công cán bộ, bộ phận chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền

Tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải phân công một thành viên Ban lãnh đạo hoặc người được Ban lãnh đạo ủy quyền chịu trách nhiệm về tổ chức, chỉ đạo, kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại đơn vị và đăng ký với Cục PCRT kèm các thông tin chi tiết như họ tên, địa chỉ nơi làm việc, số điện thoại, số fax, địa chỉ hòm thư điện tử để liên lạc khi cần thiết…

Kiểm toán nội bộ về phòng, chống rửa tiền

Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải tiến hành kiểm toán nội bộ về PCRT. Nội dung kiểm toán nội bộ bao gồm: Kiểm tra, rà soát, đánh giá một cách độc lập, khách quan hệ thống kiểm soát nội bộ, việc tuân thủ quy chế nội bộ và kiến nghị, đề xuất các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực của công tác PCRT. Theo đó, mọi vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm toán nội bộ phải được báo cáo cho người phụ trách PCRT và người đứng đầu của đối tượng báo cáo để xử lý…

Đào tạo, bồi dưỡng về PCRT

Hàng năm, tổ chức tài chính, tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan phải đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên chuyên trách hoặc bán chuyên trách PCRT và cán bộ, nhân viên được giao nhiệm vụ liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng về nghiệp vụ PCRT.

Bên cạnh đó, nhân viên mới tuyển dụng dự kiến đảm trách nhiệm vụ PCRT và các nhiệm vụ khác liên quan đến giao dịch tiền, tài sản với khách hàng phải được đào tạo kiến thức, nghiệp vụ PCRT trong vòng 6 tháng kể từ ngày được tuyển dụng. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ PCRT tối thiểu phải bao gồm: Quy định của pháp luật và quy định nội bộ về PCRT; trách nhiệm pháp lý khi không thực hiện các quy định của pháp luật về PCRT; phương thức, thủ đoạn rửa tiền; rủi ro rửa tiền liên quan đến sản phẩm, dịch vụ, nhiệm vụ mà cán bộ, nhân viên được giao thực hiện.