Tăng cường quản lý thuế đối với giao dịch xuyên biên giới
Để triển khai công tác phối hợp trong quản lý đối với các giao dịch xuyên biên giới, chiều ngày 17/3, Tổng cục Thuế đã có cuộc làm việc trực tuyến với Bộ Thông tin và Truyền thông thảo luận về công tác quản lý thuế đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông quảng cáo trên mạng, sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung thông tin số và các dịch vụ qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Với mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Tài chính và Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, Tổng cục Thuế đã tiến hành trao đổi kinh nghiệm, thảo luận về công tác phối hợp, chia sẻ thông tin để quản lý thuế đối với các chủ thể cung cấp dịch vụ viễn thông quảng cáo trên mạng, sản phẩm dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung thông tin số và các dịch vụ qua các nền tảng số trong nước và xuyên biên giới.
Tại cuộc làm việc, hai bên đã bàn thảo về khả năng hợp tác cung cấp danh sách thông tin thường xuyên phục vụ công tác quản lý thuế, những thông tin liên quan đến nhà cung cấp nước ngoài, phục vụ công tác thanh tra kiểm tra, đối chiếu thông tin thuế, hỗ trợ xây dựng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin về các giao dịch thương mại điện tử; phương thức giao nhận thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông; công tác phối hợp xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế đã chia sẻ các thông tin nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước, các giao dịch xuyên biên giới phục vụ công tác kiểm tra, đối chiếu thông tin đối với hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới cũng như các giải pháp chia sẻ, truyền nhận dữ liệu, lộ trình chia sẻ, kết nối thông tin.
Tổng cục Thuế cũng đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông trao đổi danh sách thông tin định danh, các thông tin tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng, các sản phẩm dịch vụ phần mềm, nội dung thông tin số.
Đồng thời, tiến hành rà soát và cung cấp danh sách hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong nước có hợp tác với tổ chức cá nhân nước ngoài kinh doanh các dịch vụ viễn thông, quảng cáo trên mạng, các sản phẩm dịch vụ phần mềm, nội dung thông tin số, dịch vụ thông qua nền tảng trong nước và xuyên biên giới. Phối hợp với Tổng cục Thuế rà soát, phát hiện các danh sách các thông tin tài khoản trong nước và nước ngoài trên hệ thống mạng xã hội, nền tảng số có hoạt động kinh doanh hàng hoá dịch vụ, tài khoản có số lượng truy cập, giao dịch lớn để phục vụ quản lý Nhà nước.
Hiện nay, Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) đã rà soát và đưa vào hướng dẫn kê khai nộp thuế đối với 64 nhà cung cấp nước ngoài. Do đó, Tổng cục Thuế đề nghị hai cơ quan cùng rà soát để đưa vào quản lý nhà cung cấp nước ngoài với mục tiêu hướng dẫn người nộp thuế (nhà cung cấp nước ngoài) kê khai, nộp thuế đúng quy định pháp luật.
Trước mắt, hai bên sẽ cùng thực hiện các quy định quản lý chuyên ngành về phối hợp thông tin như: Danh sách thông tin định danh và các thông tin khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài để phục vụ công tác quản lý thuế đối với các chủ thể thiết lập website trên mạng điện tử; các quy định quản lý chuyên ngành và phối hợp cung cấp thông tin quản lý thuế đối với thương mại điện tử trong lĩnh vực đặt cược, trò chơi có thưởng, phân phối, phát hành sản phẩm nội dung thông tin số và dịch vụ phát thanh truyền hình...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, dự kiến vào ngày 21/3 tới, Tổng cục Thuế sẽ chính thức công bố Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam đăng ký, khai, nộp thuế. Sau khi đi vào vận hành tất cả các giao dịch từ đăng ký, kê khai, nộp thuế… được thực hiện bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng Thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Các nhà cung cấp nước ngoài không phải nộp hồ sơ bản cứng đến cơ quan thuế Việt Nam. Đây là nỗ lực lớn của Tổng cục Thuế trong thực hiện quản lý hoạt động dịch vụ thông tin số xuyên biên giới.