Tăng cường thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Trong những năm qua, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động, cơ sở khám, chữa bệnh và đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh tình trạng trốn đóng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, trục lợi Quỹ Bảo hiểm y tế. Để phát huy hiệu quả tích cực của công tác này cần triển khai các giải pháp đồng bộ trong thời gian tới.
Kết quả thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Trong những năm qua, tình trạng nợ đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp diễn ra phổ biến với nhiều hình thức, thủ đoạn trốn đóng của các đơn vị, doanh nghiệp ngày càng tinh vi hơn. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; chế tài xử phạt còn chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe với các hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi còn lỏng lẻo…
Mặt khác, từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, tuy cơ quan bảo hiểm xã hội và tổ chức công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa có hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội nào được tòa án tiếp nhận và đưa ra xét xử; nguyên nhân do nhiều văn bản pháp luật còn chồng chéo, khiến việc khởi kiện không thực hiện được.
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, từ năm 2016, ngành Bảo hiểm Xã hội được giao và triển khai chức năng thanh tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, để thực hiện tốt công tác thu, giảm nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra kết hợp giữa phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống và phương pháp điện tử.
Việc linh hoạt trong thanh tra, kiểm tra đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt trong công tác thu, phát triển đối tượng, giảm nợ đọng, nhất là giảm thiểu tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Qua áp dụng thanh tra, kiểm tra điện tử, cơ quan bảo hiểm xã hội đã đánh giá, khoanh vùng, lựa chọn mẫu cần kiểm tra thực tế; nâng cao khả năng phát hiện, nhận diện dấu hiệu sai sót, vi phạm một cách toàn diện, từ đó giúp nâng cao chất lượng và kết quả thanh tra, kiểm tra.
Nhờ đó, trong hai năm (2020 và 2021), ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 24.104 đơn vị (thanh tra chuyên ngành tại 11.739 đơn vị, kiểm tra tại 8.139 đơn vị sử dụng lao động, 709 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; thanh tra, kiểm tra liên ngành tại 3.517 đơn vị).
Đặc biệt, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan bảo hiểm xã hội đã phát hiện gần 77.221 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 276 tỷ đồng; các đơn vị khắc phục ngay số tiền 1.523 tỷ đồng trên tổng số 4.508 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; yêu cầu thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội gần 14,8 tỷ đồng, về Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp 3,3 tỷ đồng, về Quỹ bảo hiểm y tế là 142,2 tỷ đồng.
Năm 2022, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ trì và phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 36.065 đơn vị; phát hiện 74.000 trường hợp truy thu về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu gần 200 tỷ đồng; yêu cầu thu hồi về Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp gần 90 tỷ đồng, bằng 160% so với năm 2021. Nhờ các giải pháp quyết liệt của cơ quan bảo hiểm xã hội, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp phải tính lãi là trên 13 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,91% số phải thu.
Riêng 6 tháng đầu năm 2023, ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 9.013 đơn vị (bằng 90,4% so với cùng kỳ năm 2022). Số tiền các đơn vị chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 648,5 tỷ đồng; số tiền đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng trong thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp là 425,4 tỷ đồng (đạt 65,6%, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2022). Cơ quan bảo hiểm xã hội đã ban hành, tham mưu ban hành 448 quyết định xử phạt vi phạm hành chính (bằng 476% so với cùng kỳ năm 2022) với số tiền xử phạt 15 tỷ đồng (bằng 140,2% so với cùng kỳ năm 2022).
Nhìn chung, qua thanh tra, kiểm tra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã góp phần tích cực vào việc hạn chế tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội, lạm dụng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trục lợi các Quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật của người sử dụng lao động trong thực hiện chính sách.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn gặp không ít những khó khăn, vướng mắc về mặt cơ chế, chính sách cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện công tác này đạt hiệu quả cao hơn nhằm đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội thiết thực cho người dân, người lao động. Bên cạnh đó, tình trạng đơn vị, doanh nghiệp nợ đóng tiền bảo hiểm xã hội vẫn còn phổ biến, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nên việc thu hồi số nợ đọng của cơ quan bảo hiểm xã hội gặp không ít khó khăn.
Ngoài ra, chế tài xử lý vi phạm đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp chưa đủ sức răn đe trong tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra chưa nghiêm túc, chưa kiên quyết dẫn đến một số đơn vị sử dụng lao động không chấp hành việc xử phạt, vẫn cố tình chậm đóng kéo dài qua nhiều năm hoặc trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp...
Để nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế
Để công tác thanh tra, kiểm tra lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt hiệu quả, thời gian tới, cơ quan bảo hiểm xã hội cần phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai thực hiện các giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế để nâng cao nhận thức cho các đơn vị, doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, từ đó thực hiện đúng quy định của pháp luật, góp phần giảm thiếu tối đa các vi phạm.
Hai là, nghiên cứu có chế tài tăng nặng hình phạt đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm quy đinh pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.
Ba là, tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, làm công tác thanh tra, kiểm tra của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; tăng cường áp dụng khoa học, công nghệ, thiết bị hiện đại vào phục vụ công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các quyết định sau thanh tra, kiểm tra bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội.
Bốn là, tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, xử lý chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự; qua đó góp phần giảm thiểu tình trạng vi phạm pháp luật của các đơn vị, doanh nghiêp.
Năm là, tiếp tục rà soát, bổ sung hoàn thiện các quy định hướng dẫn thực hiện hoạt động thanh tra chuyên ngành và kiểm tra trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời, hoàn thiện các phương pháp thực hiện thanh tra, kiểm tra; thường xuyên ứng dụng phần mềm hỗ trợ hoạt động thanh tra, kiểm tra để rút ngắn thời gian thanh tra, kiểm tra trực tiếp.
Sáu là, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại địa bàn. Để thực hiện thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả, cơ quan bảo hiểm xã hội cần tăng cường phối hợp với các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương về hoạt động thanh tra, kiểm tra tại các đơn vị sử dụng lao động theo hướng tập trung, hiệu quả trong quản lý đối tượng tham gia và thụ hưởng. Việc phối hợp thanh tra, kiểm tra phải được cụ thể hóa từ khâu chia sẻ thông tin, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đến tổ chức thực hiện, đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.