Tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý sai phạm giá sữa

PV.

(Tài chính) Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra giá sữa, kiên quyết xử lý nếu sai phạm.

Khi chưa có quyết định cho phép của cơ quan chức năng thì đương nhiên DN không được phép tăng giá. Nguồn: internet
Khi chưa có quyết định cho phép của cơ quan chức năng thì đương nhiên DN không được phép tăng giá. Nguồn: internet

Ngày 4/3, sau cuộc họp Liên Bộ Tài chính - Công Thương và các Bộ, ngành liên quan về quản lý giá sữa bột công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi (gọi chung là giá sữa), thông điệp “mạnh” đã được đưa ra, làm dịu bớt nỗi lo của người tiêu dùng sau gần một tháng “bị sốc”.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp yêu cầu, chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan thực hiện ngay công tác thanh tra, kiểm tra giá sữa, kiên quyết xử lý nếu sai phạm. Ngoài việc cử 5 đoàn thanh tra tới làm việc cùng lúc tại năm doanh nghiệp (DN), Liên Bộ Tài chính - Công Thương đã đưa ra giải pháp “mạnh” để bình ổn giá sữa, điều hành giá cả thị trường: có thể thực hiện áp giá trần.

Thực tế công tác quản lý giá cho thấy, không phải chỉ khi truyền thông và dư luận xã hội lên tiếng thì cơ quan quản lý giá mới bắt đầu vào cuộc quyết liệt nhằm quản lý giá sữa. Năm 2013, có giai đoạn giá sữa bị tách ra khỏi danh sách bình ổn giá bởi theo quy định của Luật Giá, khi Bộ Y tế đã thay đổi tên gọi mặt hàng này thành sản phẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em thì sản phẩm sữa không còn thuộc danh mục bình ổn giá, do đó, không phải là mặt hàng phải quản lý về giá. “Đây là một cách giúp DN có thể lách luật để tự tung tự tác trên thị trường mà không bị quản lý bởi cơ quan nào, vì Bộ Y tế thì không có chức năng quản lý giá” - một chuyên gia kinh tế bình luận.

Đến tháng 11/2013, sau khi có chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ, với việc ban hành Thông tư số 30/2013/TT-BYT ngày 04/10/2013 của Bộ Y tế về việc ban hành danh mục sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi thuộc hàng hoá thực hiện bình ổn giá, việc quản lý giá sữa lại mới được tiếp tục sau một thời gian “tự do” trên thị trường. Kể từ thời điểm tháng 10/2013 tới nay, trải qua 4 tháng quay trở lại đầu mối quản lý cũ, các DN sữa mới gửi đăng ký, kê khai giá tới Bộ Tài chính, đề nghị tăng giá một số mặt hàng sữa với mức tăng từ 5-7%.

Ngay sau khi nhận được đăng ký, kê khai của các DN, cơ quan quản lý giá đã nhanh chóng xử lý, bóc tách từng yếu tố hình thành giá, đánh giá tác động của từng yếu tố này đến cơ chế hình thành giá mới, từ đó đưa ra nhận định quản lý.

“Trong thời gian rất ngắn, bên cạnh việc trao đổi ngay với DN và các cơ quan liên quan khác về vấn đề này, chúng tôi đã nỗ lực tập trung nghiên cứu, và đưa ra nhận định: trong các nguyên nhân dẫn tới đề xuất tăng giá, có những nguyên nhân chưa có sức thuyết phục. Từ đó, theo quy định của Luật Giá, chúng tôi phải gửi văn bản yêu cầu DN giải trình thêm” - Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Phải tôn trọng quyết định quản lý nhà nước

Về việc DN tự ý tăng giá khi chưa được cho phép, ông Lê Văn Hinh - chuyên gia kinh tế cho biết: theo quy định của pháp luật về giá ở Việt Nam hiện hành, khi chưa có quyết định cho phép của cơ quan chức năng thì đương nhiên DN không được phép tăng giá, điều này hiển nhiên phải được tuân thủ. Chính vì vậy, việc cả bốn DN sữa lớn trong nước và nước ngoài, trong đó có cả Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cùng tăng giá sữa cho trẻ dưới sáu tuổi khi chưa được cho phép trước hết là  “nhờn luật” từ phía DN - một hành động cần được xử lý nghiêm minh để giữ gìn trật tự kinh doanh, trật tự xã hội.

“Dù muốn hay không thì khi muốn tăng giá đến mấy nhưng cơ quan quản lý chưa cho phép, anh cũng không được tự ý tăng, bởi đó là quy định của pháp luật nói chung chứ không riêng gì pháp luật về giá. Thêm vào đó, cơ quan quản lý giá chuyên ngành được tổ chức bộ máy ở cấp Bộ, cấp Cục, tức là các cơ quan quản lý nhà nước có con dấu riêng, tài khoản riêng, có nhiệm vụ giúp cấp trên trực tiếp trong lĩnh vực quản lý giá. Văn bản do cơ quan này ban hành mang ý chí quản lý của nhà nước, không phải là văn bản trao đổi thông thường để mà thích thì tuân thủ, không thì phớt lờ, tự ý tăng như mấy DN sữa vừa rồi được” - ông Lê Văn Hinh phân tích thêm.

Trao đổi về phương pháp quản lý nhà nước đối với giá sữa, ông Lê Văn Hinh cũng cho biết, qua theo dõi của ông, đề xuất quản lý giá sữa phải giống như cơ chế quản lý xăng, dầu là vừa không khả thi, vừa không đúng. “Ở đây cần có sự phân biệt rõ ràng. Tuy đều là mặt hàng nằm trong danh mục mặt hàng bình ổn, chịu điều tiết chung, thực hiện theo quy định chung của Luật Giá, nhưng do tính chất phục vụ của hai loại hàng này rất khác nhau, một loại hàng là nguyên nhiên liệu đầu vào của nền kinh tế, một loại hàng thuộc nhóm tiêu dùng xã hội, nên cách quản lý, điều hành khác nhau” - ông Hinh nói. Đối với quản lý giá mặt hàng xăng, dầu, nhà nước phải ban hành một văn bản có giá trị pháp lý cao là Nghị định số 84, và việc quản lý riêng mặt hàng này phải tuân thủ quy định của nghị định đó.

Còn đối với giá sữa, nhà nước tôn trọng quyền tự do về giá, quyền cạnh tranh về giá của DN, kể cả DN trong nước hay nước ngoài. Nhà nước chỉ điều tiết trong bối cảnh nếu như DN độc quyền, vi phạm Luật Cạnh tranh, hoặc khi có yếu tố bất thường, ảnh hưởng đến đời sống thì sẽ áp dụng các biện pháp bình ổn giá. Đấy cũng chính là tình trạng hiện nay, có nghi vấn vi phạm luật cạnh tranh trong giá sữa thì cơ quan Quản lý Nhà nước phải xử lý. Cũng theo luật Giá, nhiệm vụ quan trọng nhất của cơ quan quản lý giá là theo dõi diễn biến yếu tố đầu vào, yếu tố hình thành giá… theo cơ chế hậu kiểm, tức là điều hành giá theo quy luật của thị trường, có điều tiết của nhà nước nhưng không hành chính hóa trong điều hành.

Căn cứ vào các quy định hiện hành, cơ quan tài chính thực hiện kiểm tra, rà soát các hồ sơ đăng ký, kê khai, nếu chưa rõ thì đề nghị các DN giải thích rõ nguyên nhân. “Trong quy định của pháp luật hiện nay, các DN đã được (và phải được) dỡ bỏ nhiều thể thức rườm rà, không hiệu quả. Họ có thể trao đổi, gửi hồ sơ đăng ký, kê khai với cơ quan quản lý bằng thư điện tử, bằng các hình thức thông tin liên lạc khác như gửi công văn, gọi điện trao đổi. Và đây là các hình thức giao dịch, trao đổi rất được nhà nước khuyến khích để vừa tiết kiệm được chi phí không đáng có, vừa tránh được việc cán bộ nhà nước phải tới DN nhiều, có thể nảy sinh tiêu cực” - chuyên gia Lê Văn Hinh phân tích.

Cần quyết liệt hơn, chặt chẽ, đồng bộ hơn

Giá sữa tăng trong khi thị trường tương đối bình ổn là một thực tế trên thị trường hàng hóa nội địa. Tuy nhiên, với mức tăng không lớn, và theo như giải trình của các DN sữa thì giá sữa đã không điều chỉnh tăng trong vòng 7-8 tháng. Thêm vào đó, mức tăng không nhiều, chỉ từ 5-7%, là biên độ tăng thấp.

Tuy nhiên, điều khiến cho người tiêu dùng và cơ quan Quản lý Nhà nước bất bình chính là thái độ tuân thủ pháp luật về giá của DN khi tự ý tăng giá bán khi chưa được nhà nước cho phép, và sự thiếu minh bạch về tương quan so sánh giá thành sản phẩm của thị trường trong nước và nước ngoài.

Về vấn đề này, một chuyên gia trong lĩnh vực nhập khẩu mặt hàng sữa cho biết, nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của thị trường Việt Nam, hầu hết các công ty mẹ đã sản xuất riêng cho từng thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam các dòng sản phẩm chuyên biệt. Do đó, mặc dù cùng tên gọi nhưng khó có thể tìm được sản phẩm đồng loại, đồng cấp (cùng chất lượng, tỷ lệ, thành phần…) để so sánh giá bán. Chính vì vậy, nhiều người tiêu dùng vẫn ưa chuộng các loại sữa xách tay từ nước ngoài. Thêm vào đó, chính vì đặc tính tiêu dùng của trẻ em là đã dùng loại sữa nào thì chỉ dùng loại sữa đó nên đây cũng là một trong những “áp lực” về nguồn cung trên thị trường mà các DN sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tạo ra cho chính người tiêu dùng - chuyên gia này cho biết.

Ở góc độ pháp lý, lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) cho biết, công tác quản lý giá sữa của Bộ Tài chính trước đây và hiện nay đều tuân theo sự phân công, phân cấp, phân quyền, theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo sự phân cấp quản lý thì Bộ Tài chính quản lý về giá sữa bán buôn của các DN, còn các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm về quản lý thị trường, quản lý giá bán lẻ hàng hóa, trong đó có mặt hàng sữa trên địa bàn. Vai trò quản lý giá của các cơ quan địa phương là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định vì các cửa hàng, đại lý bán lẻ tại địa phương mới là đầu mối bán sản phẩm đến người tiêu dùng.

“Ngay trong cơ quan Bộ, các đơn vị đều được giao các chức năng, nhiệm vụ khác nhau, cụ thể, rõ ràng. Từ đó, việc các DN tự ý tăng giá bán không chờ ý kiến từ cơ quan quản lý là sai Luật, nhưng sai như thế nào, mức độ đến đâu thì là nhiệm vụ của cơ quan thanh tra tài chính, cơ quan quản lý giá không chủ trì được, để tránh trường hợp vừa đá bóng, vừa thổi còi, hay thiếu khách quan trong quy trình, quyết định quản lý. Vì vậy, việc ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường quản lý giá sữa như vừa rồi của cơ quan chức năng là đã làm đúng chức trách, nhiệm vụ được giao” - lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết.

Theo thông tin từ cuộc họp Liên Bộ Tài chính - Công Thương - Ngoại giao - Tư pháp vừa qua, sau khi bàn bạc, thảo luận, liên bộ đã cùng các Bộ, ngành chức năng thống nhất thành lập 5 đoàn thanh tra gồm có đại diện các đơn vị chức năng Liên Bộ, ngành làm việc đồng thời với 5 DN vừa tăng giá sữa. Các đoàn thanh tra có nhiệm vụ thu thập các số liệu có liên quan, các yếu tố cấu thành giá, xác minh làm rõ có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh hoặc vi phạm các quy định về giá hay không; đề xuất các giải pháp xử lý báo cáo Chính phủ. Bộ Tài chính cam kết sẽ công bố công khai kết quả thanh tra, kiểm tra, thực hiện cơ chế nhà nước, nhân dân, cơ quan thông tin đại chúng cùng quản lý, giám sát giá sữa.

Đặc biệt, cơ quan quản lý phát đi thông điệp rõ ràng: trong quá trình thanh tra, kiểm tra, Liên Bộ Tài chính - Công Thương tiếp tục bám sát tình hình thị trường, tham khảo tài liệu và các thông tin liên quan. Trong trường hợp cần thiết, Liên Bộ sẽ báo cáo các cấp có thẩm quyền công bố các biện pháp bình ổn giá theo quy định của Luật Giá. Theo đó, nếu tình hình giá sữa tiếp tục có diễn biến gây sốc, các cơ quan chức năng sẽ biện pháp áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa.

Còn về dài hạn, vấn đề quan trọng đặt ra cho công tác quản lý giá sữa là phải phối hợp như thế nào, thực hiện chế độ công khai cách tính toán cấu thành giá bán, xem yếu tố nào là hợp lý, yếu tố nào bất hợp lý. Chỉ có quản lý chặt, có sự giám sát chặt chẽ của cả người tiêu dùng… thì mới minh bạch được giá sữa tiêu dùng. Có nghĩa là cơ quan Quản lý Nhà nước nói chung, trong đó có cơ quan quản lý giá, cơ quan quản lý DN, quản lý thị trường phải kiểm soát được từ khâu nguyên liệu đầu vào cho đến khi đưa ra được giá thành sản phẩm. Cơ quan quản lý thị trường, quản lý DN cũng phải siết chặt công tác quản lý của mình, phối hợp với quản lý giá một cách đồng bộ thì mới khẳng định được giá trị đúng của mặt hàng sữa - chuyên gia kinh tế Lê Văn Hinh phân tích thêm.

Cũng theo ý kiến của cơ quan quản lý, trong cuộc chiến đấu chống chuyển giá tại Việt Nam hiện nay, có nghi vấn về chuyển giá của các DN sữa khi có DN tạo ra lỗ giả để tránh thuế thu nhập DN, đẩy giá xuống là để tránh thuế nhập khẩu. Bộ Tài chính đã yêu cầu Tổng cục Hải quan phối hợp với cơ quan thuế điều tra về dấu hiệu này. Khi cơ quan chức năng, người tiêu dùng và cả các phương tiện truyền thông cùng lên tiếng thì sẽ đảm bảo được sự kiểm soát giá tốt đối với mặt hàng tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn đối với tâm lý và thị trường - mặt hàng sữa bột công thức dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.