Tăng cường thu hút và sử dụng vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam
ASEAN đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với việc ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) cũng như các hiệp định được ký kết như Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN - ACIA, Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - ATIGA và Hiệp định khung ASEAN về dịch vụ - AFAS. Những hiệp định này đã làm tăng sức hấp dẫn của khu vực trong thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đồng thời, AEC cũng mở ra những cánh cửa thu hút vốn FDI mới cho Việt Nam.
Tình hình thu hút và sử dụng vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam
Trong tháng 1/1996, Việt Nam gia nhập Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã mở ra nhiều cơ hội thu hút vốn FDI từ các nước nội khối. Tuy nhiên, giai đoạn 1997 - 2006, vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam có tăng nhưng không như kỳ vọng bởi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997. Đến năm 2007, khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các chính sách về thu hút đầu tư của Việt Nam được ban hành đã tạo nền móng cho dòng vốn FDI tăng nhanh. Năm 2008, vốn FDI từ ASEAN vào Việt Nam đạt hơn 2,7 tỷ USD. Giai đoạn 2009 - 2016 dòng vốn này đã tăng gấp hơn 3 lần so với giai đoạn 1997 - 2006.
Tính luỹ kế qua các năm, Singapore dẫn đầu trong khu vực ASEAN đầu tư vào Việt Nam với số dự án và vốn đăng ký luôn chiếm tỷ trọng cao nhất. Đến tháng 8/2016, Singapore có tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,675 tỷ USD (đến cuối năm 2016 là 2,05 tỷ USD), chiếm 60,5% tổng vốn đầu tư; tiếp theo là Thái Lan với 414 triệu USD, chiếm 14,9%; Malaysia với 376,7 triệu USD, chiếm 13,6%; Brunei với 275 triệu USD, chiếm 9,9%. Một số ít dự án còn lại là của Indonesia, Lào và Campuchia.
Các nhà đầu tư ASEAN đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, chủ yếu tập trung vào các ngành như công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm khoảng 50% tổng vốn đầu tư đăng ký); Hoạt động kinh doanh bất động sản (chiếm 20%); các lĩnh vực cấp nước và xử lý chất thải và nghệ thuật (chiếm 10%); vui chơi, giải trí (chiếm 8%)...
Hầu hết các địa phương trong cả nước đều thu hút được vốn FDI từ ASEAN, tuy nhiên, vốn FDI vẫn tập trung ở các thành phố lớn có điều kiện cơ sở hạ tầng thuận lợi và phát triển kinh tế năng động như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nội. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh đứng thứ nhất với số vốn đăng ký đầu tư chiếm gần 20%, tiếp theo là Hà Nội (12%), Bình Dương (10%), Bà Rịa - Vũng Tàu (gần 10%), còn lại là các địa phương khác.
Nhìn lại kết quả thu hút FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam thời gian qua cho thấy nhiều điểm sáng, như:
- ASEAN là khu vực để Việt Nam thu hút và bổ sung vốn đầu tư toàn xã hội. Lượng vốn FDI từ ASEAN luôn tăng qua các năm, điều này phản ánh môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng thông thoáng, thuận lợi.
- Giải quyết được việc làm cho người lao động và nâng cao trình độ lao động. Với số lượng dự án ngày càng nhiều, các doanh nghiệp FDI từ ASEAN giúp người lao động Việt Nam có việc làm và tăng thu nhập, ngoài ra, họ cũng được đào tạo, được tiếp cận với môi trường làm việc mới nên học hỏi và tích lũy nhiều kinh nghiệm làm việc.
- Thúc đẩy cải cách, đổi mới quản trị và công nghệ sản xuất của doanh nghiệp trong nước. Để nâng cao khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI thì các doanh nghiệp trong nước phải tích cực đổi mới phương thức quản trị cũng như công nghệ sản xuất.
- Tăng cường hợp tác quốc tế và mở rộng hội nhập kinh tế.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tăng cường thu hút và sử dụng vốn FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam thời gian qua vẫn còn tồn tại một số hạn chế sau:
- Hầu hết các doanh nghiệp FDI từ ASEAN chỉ khai thác vào lợi thế nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên sẵn có, thị trường tiêu thụ lớn để gia công lắp ráp tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu. Điều này có thể gây cạn kiệt tài nguyên, hủy hoại môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của con người.
- Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế so với khu vực thông qua các chỉ tiêu về chất lượng nguồn nhân lực; lao động có trình độ, tay nghề cao còn thiếu; cơ sở vật chất, hạ tầng chưa đồng đều.
- Dòng vốn FDI vào Việt Nam mất cân đối về phát triển ngành và vùng lãnh thổ. Các nhà đầu tư ASEAN chủ yếu lựa chọn những ngành có tỷ suất lợi nhuận cao và địa phương có sơ sở hạ tầng thuận lợi.
- Năng suất lao động Việt Nam dù liên tục tăng trong thời gian qua nhưng còn thấp, ở mức trung bình của khối ASEAN, mới tiệm cận các nước Indonesia và Philippines; chỉ bằng 1/18 năng suất lao động của Singapore, bằng 1/6 của Malaysia và bằng 1/3 của Thái Lan.
Một số đề xuất, kiến nghị
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại trong thu hút FDI từ các nước ASEAN vào Việt Nam, cần tiếp tục hoàn thiện chính sách thuế và hải quan trong môi trường AEC, nhằm đảm bảo tự do hóa thương mại hàng hóa, tự do di chuyển vốn đầu tư trong khối ASEAN. Để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý thuế đối với hoạt động chuyển giá. Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần xây dựng chế tài xử phạt đủ mạnh, đảm bảo tính răn đe đối với trường hợp cố tình vi phạm.
Nhà nước cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, không cho phép các dự án lạc hậu, không khả thi tác động xấu đến môi trường được triển khai. Thẩm tra lại các dự án sử dụng nhiều đất, giao đất theo tiến độ và có điều kiện đính kèm…
Các cơ quan chức năng cần định hướng và khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới nhằm tăng sức cạnh tranh với các đối thủ trong khối ASEAN. Khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, đầu tư vào các vùng trồng nguyên liệu nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp từ nước ngoài; Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư; Tiếp tục xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư...
Doanh nghiệp trong nước cần nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp nhận dòng vốn FDI, đồng thời, tạo sự gắn kết để học hỏi, tận dụng cơ hội từ các nước này; Tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, sản phẩm Việt, từ đó, nâng cao khả năng thu hút sự hợp tác, liên kết kinh doanh từ các doanh nghiệp trong và ngoài khối ASEAN...
Tài liệu tham khảo:
1. Động thái và thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam 5 năm (2011-2015);
2. Nguyễn Thị Minh Phương (2014), “Tự do hóa đầu tư trong AEC và sự tham gia của Việt Nam”, Đại học Quốc gia Hà Nội;
3. Cục Đầu tư nước ngoài: Báo cáo tình hình thu hút đầu tư nước ngoài năm 2016.