Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi:
Tăng cường vai trò của truyền thông để ổn định tâm lý xã hội và người tiêu dùng
Trả lời câu hỏi phóng viên liên quan đến vấn đề quản lý giá tại buổi Họp báo thường kỳ quý II/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 16/6/2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, một trong những giải pháp quan trọng là cần làm tốt, phát huy vai trò của truyền thông để giúp xã hội và người tiêu dùng ổn định tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở 1/7 đã cận kề.
Tham dự buổi họp báo có đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan thông tấn, báo chí. Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chủ trì cuộc họp.
Bày tỏ cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí trong thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, Bộ Tài chính có đủ điều kiện để thực hiện và đạt nhiều kết quả khả quan trong triển khai nhiệm vụ của ngành Tài chính 6 tháng đầu năm 2023.
“Nhân dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Ban Cán sự đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn ngành Tài chính, tôi xin gửi tới các phóng viên, biên tập viên, các cơ quan thông tấn, báo chí lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Hy vọng thời gian tới, các phóng viên, biên tập viên sẽ tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Tài chính, phản ánh kịp thời, chính xác các thông tin, có nhiều bài báo, tác phẩm báo chí chất lượng về Ngành”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi chia sẻ.
Phát huy vai trò quan trọng của truyền thông trong quản lý điều hành giá
Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến giải pháp kiểm soát, điều hành giá khi thời điểm tăng lương cơ sở đã cận kề, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, công tác điều hành quản lý giá là hoạt động được thực hiện thường xuyên và liên tục.
Giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ trong công tác này là Ban Chỉ đạo điều hành giá được thành lập tại Quyết định số 690/QĐ-TTg để nghiên cứu, giúp Thủ tướng Chính phủ quyết định những chủ trương, định hướng lớn về quản lý điều hành giá, trong đó Bộ Tài chính là cơ quan thường trực. Ban Chỉ đạo đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản điều hành giá ngay từ đầu năm đến nay. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng các báo về điều hành giá, đưa ra những kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.
Theo đại diện Cục Quản lý giá, một số giải pháp điều hành giá trong thời gian tới, đặc biệt trong bối cảnh tăng lương cơ sở là tập trung bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu... Đối với một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá sẽ tiếp tục điều hành thận trọng, phù hợp từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng sẽ theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý; Chú trọng thông tin truyền thông, công khai minh bạch trong quản lý giá, để làm sao đạt được các mục tiêu đã đề ra.
Làm rõ thêm vấn đề quản lý giá, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá và hướng tới mục tiêu kiểm soát tốt hơn mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra trong năm 2023 là xuyên suốt cả năm, trong đó tính tới cả nhiệm vụ, chính sách khi từ 1/7 tăng lương cơ sở.
Đáng chú ý, Thứ trưởng nhấn mạnh, một trong những giải pháp quan trọng là cần làm tốt, phát huy vai trò của truyền thông để giúp xã hội và người tiêu dùng ổn định tâm lý khi thời điểm tăng lương cơ sở 1/7 đã cận kề.
“Tâm lý của người dân bị ảnh hưởng càng nhỏ càng tốt, nếu không bị ảnh hưởng thì các giải pháp về kiểm soát giá nêu trên sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra”, Thứ trưởng bày tỏ.
Đôn đốc các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đến cùng
Giải đáp các câu hỏi liên quan đến tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho biết, trước tình hình khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP nhằm giải quyết khó khăn trước mắt và khôi phục niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Từ khi ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP, nhiều doanh nghiệp đã phát hành được trái phiếu và có căn cứ pháp lý để thực hiện tái cơ cấu lại, gia hạn thanh toán trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tăng cường khả năng trả nợ của các doanh nghiệp, Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ và Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp như: ổn định thanh khoản thị trường, giải quyết khó khăn về vốn cho nền kinh tế... Ngoài ra, các chính sách liên quan đến thị trường bất động sản cũng được tổ công tác của Bộ Xây dựng chủ trì triển khai, trong đó bao gồm các giải pháp giải quyết thủ tục vướng mắc pháp lý để các dự án của doanh nghiệp bất động sản khẩn trương hoàn thành và đưa ra bán sản phẩm để thu hồi tiền thanh toán trái phiếu...
Phó Vụ trưởng Nguyễn Hoàng Dương khẳng định, Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm và thường xuyên có những văn bản đôn đốc doanh nghiệp có nghĩa vụ thanh toán trái phiếu phải có trách nhiệm đến cùng. Trường hợp có khó khăn trong việc thanh toán phải cân đối nguồn tiền trả nợ và chủ động đàm phán với trái chủ để cơ cấu lại khoản nợ. Bộ Tài chính đã khuyến nghị các doanh nghiệp phải chủ động công bố, minh bạch thông tin để nhà đầu tư nắm được tình hình doanh nghiệp, từ đó có căn cứ đưa ra các quyết định đầu tư, khôi phục niềm tin với thị trường.
“Bộ Tài chính cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an để chủ động tuyên truyền phổ biến chính sách về trái phiếu, tăng niềm tin với các nhà đầu tư, đồng thời, xử lý các vụ việc tung thông tin thất thiệt ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường”, ông Nguyễn Hoàng Dương.
Làm rõ thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, khó khăn hiện nay xuất phát cả từ thực trạng kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, trong đó bao gồm cả doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Do đó, để khắc phục được những khó khăn này phải có giải pháp đồng bộ ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất, tăng trưởng kinh tế.
“Thời gian qua khó khăn là vậy, nhưng với giải pháp quyết liệt của Chính phủ, ổn định kinh tế vĩ mô được giữ vững, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Doanh nghiệp phải có nghĩa vụ thanh toán đến cùng với nhà đầu tư theo quy định của pháp luật. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã nhanh chóng có những chỉ đạo để các doanh nghiệp phải có trách nhiệm với những gì đã cam kết. Với giải pháp kịp thời và sát thực tiễn cùng các chính sách vĩ mô chính là điểm tựa vững chắc để tiếp tục đưa nền kinh tế quay trở lại quỹ đạo sản xuất kinh doanh, khôi phục thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, tháng 7 tới sẽ khai trương sàn giao dịch trái phiếu doanh nghiệp, từ đó tạo ra cơ sở để trái chủ thực hiện thanh khoản trên thị trường thận lợi hơn, tạo dựng lại niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ghi nhận gần 7 tỷ hóa đơn điện tử có mã
Liên quan đến vấn đề hóa đơn điện tử được nhiều phóng viên quan tâm, tại buổi họp báo, ông Vũ Chí Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, đến nay hệ thống của cơ quan thuế đã ghi nhận gần 7 tỷ hóa đơn điện tử có mã. Đây là bước tiến quan trọng trong thực hiện chiến lược cải cách ngành Thuế mà Chính phủ và Bộ Tài chính giao, nhằm mục đích nâng cao cải cách hành chính, giảm thiểu chi phí, vướng mắc của người nộp thuế đối với sử dụng hóa đơn.
Phó Tổng cục trưởng cho biết thêm, hiện tượng liên quan đến mua bán hóa đơn trên mạng cũng chính là vấn đề mà ngành Thuế đã nhận định khi triển khai hệ thống hóa đơn điện tử và đã có nhiều báo cáo với Bộ Tài chính để nâng cao công tác phát hiện, xử lý rủi ro. Trong đó, Tổng cục Thuế chú trọng nâng cao trình độ cán bộ ngành Thuế, tăng cường tuyên truyền đến người nộp thuế và người sử dụng hóa đơn điện tử để nâng cao nhận thức...
Ông Vũ Chí Hùng khẳng định, trong thời gian tới, cơ quan thuế sẽ tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm và xử lý nghiêm; tiếp tục phân tích, đánh giá, nâng cao công tác quản lý, phát hiện rủi ro liên quan đến hóa đơn điện tử...
Làm rõ thêm về vấn đề mua bán hóa đơn, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, đối với hóa đơn điện tử, Bộ Tài chính đã triển khai xây dựng trung tâm dữ liệu lớn để cùng phối hợp với các công cụ trí tuệ nhân tạo để phát hiện những nguy cơ, những rủi ro, thực hiện giám sát thực tiễn các hoạt động của doanh nghiệp.
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi và đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ đã trực tiếp trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.