Tăng giá điện đã được tính toán kỹ

NGUYỄN DƯƠNG

(Tài chính) Vấn đề đang thu hút sự quan tâm của dư luận là việc tăng giá điện chính thức áp dụng từ ngày 16/3. Nhiều câu hỏi xung quanh việc tăng giá điện đã được Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri giải đáp cụ thể.

Tăng giá điện đã được tính toán kỹ - Ảnh 1
Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)
Phóng viên: Vì sao việc tăng giá điện lại được lựa chọn vào tháng 3 này thưa ông?

Ông Đinh Quang Tri, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN): Các phương án tăng giá điện đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đề xuất với Bộ Công Thương xin ý kiến của Thủ tưởng Chính phủ từ trước Tết Nguyên đán Ất Mùi. Tuy nhiên, để tránh tác động đến tâm lý người dân trong dịp Tết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không được tăng giá điện trong dịp Tết. Ngày 05/3/2015, Chính phủ đồng ý tăng giá bán điện từ ngày 16/3/2015 với mức 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân
1.622,05 đồng/kWh.

Vậy căn cứ vào các yếu tố nào để EVN đề xuất tăng giá điện trong bối cảnh một số mặt hàng nguyên liệu có xu hướng giảm như hiện nay?

Việc tăng giá điện theo đề xuất của EVN đã được tính toán kỹ với các yếu tố cấu thành giá điện đã tăng giá từ lâu như: Giá than tăng tới 22%, trong khi lượng điện do sản xuất nhiệt điện chiếm 32,7%; Giá khí đã tăng rất nhiều lần trong năm 2014, rồi tỷ giá tăng; Thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4% giá mua điện tại một số nhà máy cũng tăng...

Ngoài các yêu tố cấu thành căn bản trên, EVN cũng tính toán đến các yếu tố tác động đến chi phí sản xuất điện như:

Yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện là 1.657,8 tỷ đồng: Do giá dầu trong nước bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm chi phí mua điện 219,2 tỷ đồng. Do giá dầu quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 giảm so với giá dầu ngày 1/8/2013 làm giảm chi phí mua điện của các nhà máy nhiệt điện khí giảm 1.366,6 tỷ đồng.

Yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện 10.491 tỷ đồng: Do giá than tăng từ ngày 22/7/2014 so với giá than ngày 1/8/2013 làm tăng chi phí phát điện 4.485 tỷ đồng; Điều chỉnh giá khí trên bao tiêu (tính theo cơ chế thị trường bằng 0,46 giá dầu quốc tế bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015) làm tăng chi phí phát điện 3.532,8 tỷ đồng; Tăng giá khí trong bao tiêu theo lộ trình làm tăng chi phí mua điện 557,1 tỷ đồng; Tỷ giá bình quân từ ngày 1/8/2013 đến 31/1/2015 tăng so với tỷ giá ngày 1/8/2013 làm chi phí mua điện tăng 105,6 tỷ đồng; Thuế tài nguyên nước tăng từ 2% tính trên giá bán lẻ điện bình quân lên 4% làm chi phí phát điện tăng 1.590 tỷ đồng; Giá chi phí tránh được năm 2015 tăng (áp dụng cho các nhà máy thủy điện từ 30MW trở xuống) làm chi phí mua điện tăng 148,5 tỷ đồng.

Như vậy, tổng cộng các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện là 8.833 tỷ đồng. Ngoài ra, một số khoản chi phí khác như: Chi phí tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn là 1.019,16 tỷ đồng; Chi phí lắp đặt tụ bù để nâng cao chất lượng điện áp; Bổ sung chi phí môi trường rừng năm 2011 và năm 2012 của các nhà máy đến 30MW là 166,52 tỷ đồng; Khoản chênh lệch tỷ giá tính đến 31/12/2013 còn chưa phân bổ là 8.811 tỷ đồng.

Do vậy, với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); giành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2% và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.

Với mức tăng trên, EVN đã tính đến mức độ tác động đến người dân và doanh nghiệp?

Đối với đời sống dân cư, giá điện tăng ở mức trên sẽ làm các hộ sử dụng điện dưới 100 kWh/tháng phải trả thêm tiền điện 6.000 đồng/ tháng; với các hộ sử dụng điện từ 100 - 300 kWh/tháng sẽ phải trả thêm khoảng 18.900 đồng/tháng và với các hộ sử dụng trên mức này sẽ phải trả tiền điện thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng.

Đối với các hộ kinh doanh, tùy theo mức tiêu thụ, giá thành điện trong sản xuất sẽ tăng tối đa 0,6%; giá thành sản xuất phôi thép tăng 0,75%; giá thành sản xuất xi măng tăng 2,25%... và tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng năm 2015 lên 0,369%.

Dư luận cho rằng, ngành điện liên tục lỗ nặng là do năng suất lao động thấp, bộ máy nhân sự cồng kềnh trong khi chất lượng phục vụ thấp. Ông giải thích sao về vấn đề này?

Trong những năm qua, EVN luôn đề cao năng suất, hiệu quả, an toàn lên hàng đầu. Kể cả không tăng giá điện, EVN vẫn chỉ đạo các đơn vị phải tăng năng suất lao động và chất lượng phục vụ cũng như trách nhiệm cung cấp điện cho các hộ sử dụng. Bản thân Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu EVN không tăng biên chế nếu không có thêm nhà máy mới, trạm mới, nên kiểm soát biên chế của EVN rất chặt chẽ. Năm 2013, năng suất lao động của EVN tăng 6,8%. Năm 2014, năng suất lao động tăng 9,2%. Năm 2015, tập đoàn đặt chỉ tiêu tăng năng suất lao động 9%. Còn tổn thất điện năng năm 2014 khoảng 8,46%, cao hơn mức Thủ tướng Chính phủ giao.

Chất lượng dịch vụ là điều mà EVN luôn quan tâm, không chỉ tăng giá điện mà EVN mới quan tâm mà trước đó EVN đã quan tâm đến chất lượng dịch vụ như tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 khi có sự cố, đổi mới công nghệ đảm bảo đủ điện 24/24, hạn chế mất điện, không mất điện trên diện rộng; nâng cao tinh thần, tháiđộ, trách nhiệm phục vụ…

Xin cảm ơn ông!

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số  3-2015