Tăng lương: “Đòn bẩy” tăng năng suất lao động

Theo baodansinh.vn

Hầu hết các doanh nghiệp được khảo sát (59 doanh nghiệp) cho rằng tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, với những ngành có đông lao động như dệt may, tăng lương tối thiểu vùng sẽ khiến doanh nghiệp chịu tác động kép.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Các chuyên gia cho rằng, việc tăng lương tối thiểu chỉ cân bằng khi tính đến lợi ích của cả phía doanh nghiệp và người lao động.

Theo khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập và mức sống của người lao động năm 2016, được tiến hành tại 60 doanh nghiệp trên 9 tỉnh, thành phố (ở 4 vùng lương) trên cả nước cho thấy, đến hết tháng 4/2016, có 85- 90% số doanh nghiệp có công đoàn đã điều chỉnh lương tối thiểu.

Tỷ lệ tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 của người lao động là 12,4% so với năm trước, nhưng tỷ lệ tăng tiền lương thực tế do tăng lương tối thiểu trong các doanh nghiệp chỉ khoảng 10%, đáp ứng khoảng 85% mức sống tối thiểu. Hầu hết các doanh nghiệp cho rằng, việc tăng lương tối thiểu năm 2016 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất- kinh doanh và sẽ chấp hành tốt khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu năm 2017.

TS. Lê Huy Khôi, Trưởng ban Nghiên cứu và Dự báo thị trường, Viện nghiên cứu Thương mại cho biết, hiện ngành dệt may đã và đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho khoảng 2,5 triệu lao động trực tiếp và gần 2 triệu lao động gián tiếp, thuộc các ngành công nghiệp phụ trợ, kho bãi, vận chuyển… Mức lương công nhân trong ngành dệt may khá đa dạng, phụ thuộc vào từng khu vực, giờ làm thêm và nguồn đầu tư. 

Đánh giá về tác động của tăng lương tối thiểu đến ngành dệt may, ông Khôi cho rằng một mặt sẽ làm tăng chi phí, mặt khác sẽ kéo theo chi phí đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Cũng từ ngày 1/1/2016, Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 sửa đổi có hiệu lực, như vậy với cách tính đóng BHXH mới, chịu tác động lớn nhất là những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, sẽ tạo áp lực rất lớn đối với doanh nghiệp khi họ phải chịu tác động kép là tăng lương tối thiểu vùng và mức đóng BHXH.

Do vậy, nếu quá trình điều chỉnh không khéo sẽ không những không tăng thêm được lương cho người lao động, mà gián tiếp làm thu nhập của họ giảm đi, do bản thân người lao động phải đóng bảo hiểm cao hơn và do giá cả các mặt hàng tiêu dùng tăng theo lương tối thiểu.

Theo ông Khôi, tăng lương tối thiểu sẽ cân bằng và điều hòa các bên khi tính đến lợi ích của người lao động lẫn sự chịu đựng của doanh nghiệp. Do vậy, việc điều chỉnh tăng lương nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động cần phải có những chính sách quan tâm đặc biệt đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động để tăng năng suất lao động. Đây chính là đòn bẩy cho việc tăng thu nhập, tăng tiền lương cho người lao động.

Lương thấp cũng là nguyên nhân của hàng ngàn cuộc đình công và ngừng việc tập thể tự phát ở Việt Nam trong nhiều năm qua, khi đó năng suất lao động sẽ trở về số không. Theo bà Phạm Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nâng lương tối thiểu luôn là mong muốn của người lao động, đặc biệt là trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn và mức lương chưa đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.

Về phía doanh nghiệp, tâm lý chung là không muốn tăng lương vì sẽ làm tăng chi phí lao động và ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị. Trong nhiều lí do từ chối tăng lương của phía giới chủ có lập luận rằng, năng suất lao động Việt Nam thấp nên không thể tăng lương với mức tăng cao.

Về phía người lao động, yếu tố đóng góp cho tăng năng suất lao động cơ bản chỉ là kỷ luật lao động, vì đa số họ chỉ là lao động phổ thông chưa qua đào tạo nghề. Ngay cả yếu tố này cũng phụ thuộc rất nhiều vào kỹ năng quản trị nhân sự của doanh nghiệp. Trong khi đó, giới chủ luôn muốn tăng năng suất lao động mới có thể tăng lương và người lao động phải tự đào tạo để nâng cao trình độ. Tuy nhiên, lương thấp và không đủ sống, không đủ tái tạo sức lao động bền vững thì khó có thể nghĩ đến việc người lao động tự đào tạo để tăng năng suất.

“Khi chưa đảm bảo mức lương tối thiểu thì chưa thể nói đến tăng năng suất lao động. Ngược lại muốn tăng năng suất lao động, doanh nghiệp phải tăng lương cho người lao động, trước mắt phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động”, bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho rằng, mặc dù tăng lương tối thiểu trong ngắn hạn sẽ làm tăng chi phí lao động của doanh nghiệp, nhưng về lâu dài sẽ tốt cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế. Việc tăng chi phí trước mắt của doanh nghiệp có thể bù đắp đáng kể về lâu dài khi năng suất lao động tăng nhờ các biện pháp điều chỉnh tích cực của doanh nghiệp. Thực tế, Việt Nam mới quan tâm đến mức lương tối thiểu theo hướng đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu và mức lương tối thiểu còn xa mới đáp ứng mức lương đủ sống.

Theo đó, các chuyên gia đánh giá về lâu dài, vẫn phải tìm cách cải cách tiền lương một cách toàn diện để tiền lương đúng với ý nghĩa là “đòn bẩy” để tăng năng suất lao động.