Tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Còn không ít băn khoăn
Theo quy định mới, từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tối thiểu đã được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi, việc này khiến nhiều người đang có ý định tham gia BHXH tự nguyện không khỏi băn khoăn...
Lao động tự do than khó
Không nguồn thu nhập ổn định, gặp nhiều bất trắc về sức khỏe… là những rủi ro của người lao động tự do khi về già. Hiểu được điều đó, ngày càng có nhiều người dân khi biết đến chính sách BHXH tự nguyện đã đăng ký tham gia BHXH tự nguyện cho mình và người thân.
Anh Phạm Văn Chiến 46 tuổi, thường trú tại phường Khương Mai, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cho biết, nghỉ việc ở công ty ra làm ngoài, những tưởng chấm dứt không được đóng bảo hiểm, nhưng khi được nhân viên đại lý thu BHXH đến tư vấn chính sách BHXH tự nguyện trực tiếp tại nhà, anh đã quyết định tiếp tục đăng ký tham gia BHXH tự nguyện.
“Từ 20 năm nay, tôi bớt ăn, bớt tiêu dành dụm một khoản tiền nhỏ để tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn khi về già có lương hưu, không phải nhờ vả tới con cháu, lại có thêm tấm thẻ BHYT khi nghỉ hưu để yên tâm vì được chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già”.
Dẫu vậy, anh Chiến cũng băn khoăn khi tăng mức đóng BHXH tự nguyện từ ngày 1.1.2022. “Với người lao động tự do như chúng tôi, trong điều kiện bình thường thì thu nhập không ổn định, lúc có lúc không, tôi phải rất cố gắng mới dành dụm đủ khoản tiền đóng BHXH tự nguyện, nhưng nay trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, mức đóng lại tăng thêm, tôi đang lo lắng không biết lấy tiền đâu để đóng và có tham gia được đến lúc lĩnh lương hưu hay không nữa” - anh Chiến chia sẻ.
Cũng như anh Chiến, nhiều người dân làm nghề lao động tự do như buôn bán nhỏ lẻ, làm nghề nông, làm thuê… đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện nhằm tích lũy cho tương lai, song cũng bày tỏ sự lo lắng không biết có theo được không nếu giờ tăng mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Hinh, 41 tuổi ở xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, cả hai vợ chồng anh chị đều là lao động tự do, ai thuê việc gì thì làm việc đó, thu nhập không ổn định. Nhờ được tuyên truyền lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện nên vợ chồng anh đã quyết định tham gia từ hơn 3 năm nay.
Tuy vậy, anh Hinh cũng tâm sự: “Tôi rất mong tham gia đóng bảo hiểm đến cùng để đến khi tuổi già có đồng lương hưu, không phải nhờ đến con cháu, nhưng nay dịch bùng phát, công việc của vợ chồng tôi không đều, nếu tăng số tiền đóng thì không biết chúng tôi có thể tiếp tục tham gia nữa hay không nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước".
Nên tăng thêm mức hỗ trợ
Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức lương cơ sở hiện hành, do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn, thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, theo quy định của Nhà nước là 154.000 đồng/tháng và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu nhân dân về việc tăng mức đóng tối thiểu BHXH tự nguyện từ ngày 1.1.2022, nguyên ĐBQH Bùi Ngọc Chương cho biết, người dân cần hiểu đúng việc điều chỉnh mức đóng tăng là bởi do quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 quy định mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng, nên mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu cũng phải tăng theo. Và, đi liền với việc tăng đóng này là Chính phủ cũng tăng mức hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 lên tương ứng. Vì thế tính ra khoản tiền túi người dân bỏ ra đóng BHXH tự nguyện không thay đổi so với trước, chẳng hạn với hộ nghèo được hỗ trợ 99.000 đồng thì mức đóng hàng tháng còn hơn 200.000 đồng.
Với hộ nghèo, gia đình khó khăn thì mức đóng hàng tháng như vậy cũng là mức phải lo lắng và phải khéo thu xếp mới đáp ứng được, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công việc của người lao động tự do cũng bị ảnh hưởng nhiều.
Ông Bùi Ngọc Chương nhấn mạnh: "Việc tăng mức đóng là cần thiết, việc này nhằm bảo đảm cho người lao động khi về già có mức lương hưu cao hơn, đáp ứng yêu cầu cuộc sống". Tuy vậy, để người lao động yên tâm, cần tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng, rõ ràng quy định mới này; mặt khác kiến nghị các địa phương nắm bắt tình hình, có biện pháp hỗ trợ thêm với những đối tượng thực sự khó khăn trong điều kiện ảnh hưởng do dịch COVID - 19...”.
Cũng theo nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: "Do 2 năm liên tục bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, người lao động gặp khó khăn về việc làm, thu nhập lại phải giãn cách xã hội nên từ ngày 1/1/2022 tăng mức đóng lên gấp đôi thì rõ ràng càng thêm khó khăn cho người lao động, dẫn đến một số người rút khỏi hệ thống, không tham gia tiếp và số người mới không tăng thêm, chắc chắn ảnh hưởng đến mục tiêu mở rộng đối tượng tham gia BHXH toàn dân".
Do đó, để duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH, Chính phủ nên tăng thêm mức hỗ trợ đóng góp vào quỹ, "có thể bằng 2 lần hỗ trợ hiện tại để người lao động có điều kiện khôi phục và phát triển việc làm tăng thu nhập coi đây như là gói an sinh xã hội trực tiếp để bảo toàn và tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện"- ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh.