Tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán từ báo cáo tài chính

PV.

Báo cáo tài chính có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc cung cấp thông tin đối với nhà đầu tư, các tổ chức quản lý, điều hành thị trường, là điều kiện thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh. Để tăng sức hấp dẫn cho thị trường chứng khoán Việt Nam, yêu cầu đặt ra cần phải nâng cao chất lượng báo cáo tài chính từ trung thực, minh bạch…

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

 Từ những tồn tại trong báo cáo tài chính

Để nâng cao chất lượng báo cáo tài chính (BCTC), mấu chốt là ở ý thức của doanh nghiệp (DN). Chỉ khi DN mong muốn trình bày BCTC trung thực, minh bạch, không phục vụ mục đích riêng mà hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn tài chính, bảo toàn vốn thì chất lượng BCTC mới được cải thiện căn bản.

Với ý nghĩa, vai trò quan trọng như vậy nhưng không phải DN nào cũng coi trọng, đặt vấn đề này lên hàng đầu.

Thực tiễn, BCTC kiểm toán của một số công ty vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như: BCTC kiểm toán được lập và công bố chưa tuân thủ đúng thời hạn quy định (chậm so với quy định); BCTC kiểm toán có sự chênh lệch lớn về số liệu với BCTC trước kiểm toán.

Đặc biệt, một số công ty chưa thực hiện nghiêm túc việc kiểm kê tiền mặt tại quỹ, hàng tồn kho, tài sản cố định, xây dựng cơ bản dở dang; BCTC kiểm toán có ý kiến kiểm toán chưa phù hợp...

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh – Giám đốc Kiểm toán, Deloitte Việt Nam cho rằng: Việc lập BCTC theo đúng quy định bao gồm cả việc thuyết minh đầy đủ các nội dung trên BCTC là rất cần thiết để cho cổ đông, nhà đầu tư, cơ quan quản lý có một cái nhìn đầy đủ về hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của DN.

Những lỗi sai sót này có thể do khách quan – năng lực của người lập báo cáo tài chính, hay chủ quan – sai sót có chủ đích theo mục đích “làm đẹp” báo cáo tài chính của các DN...

Có thể nói, những lỗi về lập và trình bày BCTC trước hết thuộc về trách nhiệm của công ty đại chúng nếu công ty kiểm toán đã thực hiện đầy đủ các thủ tục kiểm toán theo quy định. Khi phát hiện việc lập và trình bày BCTC của công ty đại chúng chưa tuân thủ quy định thì công ty kiểm toán có ý kiến để công ty đại chúng điều chỉnh BCTC theo quy định. 

Đến giải pháp xử lý

Trong năm 2016, Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 59 trường hợp là vi phạm của tổ chức phát hành, công ty đại chúng, tổ chức niêm yết.

Trong đó, có công ty chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin BCTC theo quy định; đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho các tổ chức có lợi ích công chúng trong lĩnh vực chứng khoán đối với một công ty kiểm toán và 16 kiểm toán viên.

Theo quy định tại Khoản 4 Điều 11 Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK, khi có sự chênh lệch số liệu vượt quá 5% trước và sau kiểm toán, công ty niêm yết và công ty đại chúng quy mô lớn phải giải trình ngay nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch số liệu đồng thời với công bố BCTC.

Trên cơ sở giải trình của DN, nếu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có cơ sở để khẳng định số liệu chênh lệch có nguyên nhân chủ quan từ phía DN, hành vi này sẽ bị coi là công bố thông tin không chính xác, khi đó Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ xem xét và xử lý theo quy định.

Trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu gian lận báo cáo tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ tổ chức đoàn kiểm tra hoặc thanh tra đột xuất để làm rõ. Một số trường hợp có dấu hiệu phạm tội, thì Ủy ban chứng khoán Nhà nước sẽ chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định.

Đặc biệt, các cổ đông của công ty đại chúng với vai trò là chủ sở hữu DN, cần nâng cao vai trò giám sát DN, quyết định các vấn đề quan trọng của công ty theo thẩm quyền quy định tại Luật DN và Điều lệ công ty để đảm bảo tính hiệu quả cho đồng vốn đầu tư của mình, cũng như giúp công ty đại chúng hoạt động lành mạnh, hiệu quả, đặc biệt là trong huy động vốn và sử dụng vốn.

Để nâng cao chất lượng kiểm toán BCTC của công ty đại chúng, việc tăng cường công tác giám sát chất lượng công bố thông tin BCTC được kiểm toán đóng một vai trò rất quan trọng.

Thời gian tới, Ủy ban chứng khoán Nhà nước tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc công bố BCTC đã được kiểm toán, thực hiện công tác kiểm tra định kỳ và bất thường các công ty đại chúng, công ty kiểm toán và sẽ tiếp tục xem xét, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định để nâng cao tính minh bạch trong công bố BCTC của các công ty đại chúng trên thị TTCK.