Giải pháp phát triển bền vững ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam
Ngày 13/5/1991, Bộ trưởng Bộ Tài chính ký quyết định thành lập 2 Công ty kiểm toán đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính, đánh dấu sự hình thành ngành Kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Sau hơn 25 năm hình thành và phát triển, ngành Kiểm toán độc lập của Việt Nam đã thực sự phát triển, lớn mạnh tương đồng với các nước trong khu vực và được quốc tế thừa nhận. Tuy nhiên, do Việt Nam đang là nền kinh tế thị trường chuyển đổi, môi trường kinh doanh còn có hạn chế nhất định nên dịch vụ kiểm toán sẽ có bất cập hơn các nước phát triển khác trong khu vực, từ đó đòi hỏi lĩnh vực kiểm toán nói chung, kiểm toán độc lập nói riêng vẫn còn nhiều việc phải làm để thay đổi và hoàn thiện hơn nhằm đáp ứng xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.
Thực trạng lĩnh vực kiểm toán độc lập tại Việt Nam
Cách đây hơn 25 năm, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký quyết định thành lập 2 Công ty kiểm toán đầu tiên trực thuộc Bộ Tài chính, gồm VACO (nay là Deloitte) và Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC, đánh dấu sự hình thành ngành Kiểm toán độc lập ở Việt Nam. Thực ra, trước đó hoạt động kiểm toán độc lập đã xuất hiện ở Việt Nam khi các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động tại Việt Nam theo Luật Đầu tư nước ngoài đầu tiên do Quốc hội ban hành vào tháng 12/1987.
Theo đó, Việt Nam cho phép thành lập văn phòng đại diện của Công ty Ernst & Young Việt Nam vào giữa năm 1989 và sau đó cho phép các DN kiểm toán 100% vốn nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Công ty Ernst & Young Việt Nam, Công ty KPMG...) nhằm thúc đẩy nhanh công cuộc cải cách kế toán và kiểm toán ở Việt Nam, đáp ứng yêu cầu mở cửa, thu hút vốn FDI vào Việt Nam.
Đến nay, ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam đã trưởng thành nhanh chóng, có những bước phát triển vượt bậc, xác lập và khẳng định được uy tín, vị thế của kiểm toán độc lập. Đồng thời, Ngành cũng đã góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế - tài chính của DN và tổ chức, phục vụ lợi ích DN, các nhà đầu tư, chủ sở hữu vốn, các đối tác.
Theo Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA), đến tháng 10/2016, ở Việt Nam có 142 công ty đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập với trên 3.800 nhân sự có Chứng chỉ Kiểm toán viên Việt Nam, cung cấp dịch vụ cho khoảng 36.000 DN, tổ chức thuộc các loại hình cũng như các thành phần kinh tế khác nhau.
Dù quá trình phát triển chưa dài, song các DN kiểm toán độc lập đã không ngừng đa dạng hóa các dịch vụ theo hướng mở rộng dịch vụ kiểm toán và các dịch vụ đảm bảo, phát triển các dịch vụ tư vấn. Đến nay, các DN này đã cung cấp hơn 30 loại dịch vụ khác nhau, trong đó nòng cốt là dịch vụ kiểm toán báo cáo tài chính…
Thống kê cũng cho thấy, doanh thu ngành Kiểm toán độc lập tăng lên đáng kể qua các năm. Trong thời kỳ kinh tế tăng trưởng ổn định, cứ sau 5 năm doanh thu ngành Kiểm toán độc lập tăng gấp đôi; đến năm 2015 tổng doanh thu đạt 5.130 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm 2000. Ngành Kiểm toán độc lập phát triển đã tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 người làm việc trong các công ty kiểm toán, trong đó tính đến ngày 10/6/2016 đã có 1.647 người là kiểm toán viên có đủ điều kiện đăng ký hành nghề.
Không chỉ phát triển về quy mô, chất lượng đội ngũ kiểm toán viên tại các DN kiểm toán cũng ngày càng được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo cập nhật kiến thức, đào tạo theo chuyên đề chuyên sâu, tập huấn kỹ năng nghề nghiệp, chương trình quốc tế hóa nhân viên...
Ngành Kiểm toán độc lập, đặc biệt là các DN kiểm toán lớn đã quan tâm đến công tác đào tạo và cung cấp nhiều cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có năng lực và kinh nghiệm cho các DN của nền kinh tế, cho các tổ chức quốc tế, các đơn vị sự nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước.
Sự phát triển của lĩnh vực kiểm toán độc lập của Việt Nam phải kể đến sự hiện diện và đồng hành các DN kiểm toán hàng đầu thế giới. Đến nay, toàn bộ các công ty kiểm toán lớn nhất trên thế giới đều được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam. Các công ty này cũng là những hạt nhân chủ chốt tham gia vào quá trình hoàn thiện khung pháp lý về quản lý hoạt động kế toán - kiểm toán tại Việt Nam.
Các công này cũng đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VACPA giới thiệu và đưa vào áp dụng một số Chuẩn mực Kiểm toán quốc tế (ISA), Chuẩn mực Kế toán quốc tế (IAS), Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS), qua đó, góp phần đưa các chuẩn mực kế toán - kiểm toán của Việt Nam tiêm cận gần hơn với quốc tế.
Đồng thời, ngay từ những ngày đầu hoạt động, các công ty này đã tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện và phát triển đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, có năng lực tốt và chuyên môn sâu, có đạo đức nghề nghiệp vững vàng và am hiểu sâu sắc hệ thống khuôn khổ pháp lý, chuẩn mực nghề nghiệp và thực tiễn hoạt động của môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng như thông lệ, chuẩn mực nghề nghiệp quốc tế.
Thông qua hoạt động đào tạo, các công ty kiểm toán nước ngoài đã góp phần tạo dựng ý thức đầu tư và phát triển chuyên môn nghề nghiệp đạt tiêu chuẩn quốc tế cho đội ngũ nhân sự thông qua các chương trình tài trợ, cấp học bổng cho việc học và thi lấy chứng chỉ quốc tế như ACCA, CPA Australia...
Khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế
Hiện nay, kiểm toán độc lập không chỉ là công cụ quản lý nền kinh tế mà đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của Hệ thống quản lý nền kinh tế đất nước. Hoạt động kiểm toán độc lập đã xác định được vị trí trong nền kinh tế thị trường, góp phần ngăn ngừa và phát hiện lãng phí, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thực hiện công khai minh bạch báo cáo tài chính, phục vụ đắc lực cho công tác quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của Nhà nước và hoạt động kinh doanh của DN.
Năm 2015, tổng doanh thu của ngành Kiểm toán độc lập đạt 5.130 tỷ đồng, tăng gấp 17 lần so với năm 2000. Ngành Kiểm toán độc lập phát triển đã tạo công ăn việc làm cho trên 10.000 người làm việc trong các công ty kiểm toán, trong đó tính đến ngày 10/6/2016 đã có 1.647 người là kiểm toán viên có đủ điều kiện đăng ký hành nghề.
Hơn nữa, kiểm toán độc lập giúp ngân hàng, các nhà đầu tư biết kết quả đầu tư, sử dụng vốn của DN làm cơ sở mở rộng đầu tư hoặc thu hồi vốn kịp thời, hoặc ăn chia lợi tức, xử lý rủi ro kinh doanh. Bên cạnh đó, kiểm toán độc lập cũng giúp Nhà nước tinh giảm bộ máy, không phải xét duyệt quyết toán tài chính, thuế hàng năm; có số liệu trung thực, kịp thời làm cơ sở quyết toán thuế và các nghĩa vụ phải nộp hoặc ăn chia với DN...
Đặc biệt, đối với thị trường chứng khoán, việc nâng cao sự minh bạch về các thông tin tài chính của các tổ chức niêm yết nói riêng và công ty có lợi ích công chúng nói chung luôn được đặt lên hàng đầu. Trong đó, chất lượng thông tin tài chính của DN cung cấp trên thị trường chứng khoán phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng dịch vụ kiểm toán của các DN kiểm toán độc lập.
Từ năm 2004, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã ra quyết định chấp thuận cho 04 công ty kiểm toán đầu tiên được kiểm toán cho các tổ chức phát hành, tổ chức niêm yết và tổ chức kinh doanh chứng khoán năm 2005-2006 theo Quyết định số 76/2004/QĐ-BTC ngày 22/9/2004 của Bộ Tài chính.
Kể từ thời điểm năm 2004 đến nay, qua công tác quản lý, giám sát của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, các tổ chức kiểm toán độc lập được chấp thuận đã có những tác động tích cực không nhỏ đến thị trường chứng khoán.
Nhờ đó, các tổ chức niêm yết, công ty đại chúng quy mô lớn, tổ chức kinh doanh chứng khoán đã thực hiện công khai kịp thời báo cáo tài chính năm và báo cáo tài chính bán niên sau kiểm toán và giải trình khi có chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán theo quy định. Chất lượng công tác kế toán DN đã dần dần được nâng cao, hoàn thành báo cáo tài chính đúng hạn và phối hợp với DN kiểm toán để được kiểm toán kịp thời…
Thực tế cũng cho thấy, kiểm toán độc lập là cơ sở kêu gọi và thu hút đầu tư nước ngoài. Nếu không có kiểm toán độc lập hoặc kiểm toán độc lập không được quốc tế thừa nhận thì khó có kết quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như hôm nay. Chính các tổ chức kiểm toán độc lập này, thông qua các dịch vụ kiểm toán, dịch vụ đảm bảo và các dịch vụ liên quan cung cấp cho thị trường đã tạo sự tin cậy cho các DN và công chúng đầu tư; giữa các DN trong nước với các tổ chức kinh tế nước ngoài và lớn hơn nữa là niềm tin của quốc tế đối với Việt Nam.
Kinh nghiệm của hơn 25 năm phát triển cho thấy, ngành Kiểm toán cần tận dụng sự hợp tác với các DN kiểm toán quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết đào tạo…; Khuyến khích các DN này tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán.
Nhờ đó, kiểm toán độc lập của Việt Nam đang tiến ngày càng gần đến khuôn mẫu và chuẩn mực quốc tế thông qua những cải thiện đáng kể trong hoạt động kiểm toán nhằm đảm bảo sự minh bạch và lành mạnh hóa thị trường tài chính, môi trường đầu tư.
Giải pháp tiếp tục phát triển
Dự báo, trong thời gian tới, sức ép cạnh tranh về thị trường kiểm toán sẽ khốc liệt hơn cho các DN kiểm toán Việt Nam khi có các DN kiểm toán nước ngoài vào hoặc cung cấp dịch vụ kiểm toán qua biên giới đã được Luật Kiểm toán độc lập 2011 cho phép. Để thúc đẩy ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập, trong thời gian tới cần chú trọng một số vấn đề sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện về khuôn khổ thể chế. Hiện nay, khuôn khổ pháp luật liên quan đến kiểm toán độc lập tương đối hoàn thiện với Luật Kiểm toán độc lập được Quốc hội thông qua năm 2011, Nghị định 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập được Chính phủ ban hành ngày 13/3/2012…
Tuy nhiên, trước đòi hỏi của sự phát triển ngành Kiểm toán độc lập trong giai đoạn hiện nay và yêu cầu hội nhập sâu rộng vào thị trường khu vực và quốc tế, khuôn khổ pháp lý của hoạt động kiểm toán độc lập cần tiếp tục được rà soát, nâng cấp theo đúng yêu cầu tại Nghị quyết 35NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển DN với tinh thần Nhà nước kiến tạo, Chính quyền phục vụ và hỗ trợ DN, tạo điều kiện cải thiện môi trường kinh doanh, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật.
Hệ thống luật pháp về kiểm toán độc lập phải tiến tới hài hòa với luật pháp các nước trong khu vực và quốc tế, thúc đẩy việc nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ kiểm toán, nhanh chóng đưa ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam hội nhập đầy đủ, tiến đến sự công nhận của khu vực và quốc tế.
Cần loại bỏ các quy định không còn phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý hành nghề kiểm toán độc lập; về thẩm quyền và hình thức ban hành Chuẩn mực kiểm toán theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế; Về tổ chức thi kiểm toán viên (nặng về lý thuyết, kiến thức hàn lâm, thi kiểm toán viên mới chỉ nhằm chủ yếu để cấp chứng chỉ)…
Hai là, nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ kiểm toán. Phải coi việc nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ kiểm toán là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Mỗi DN kiểm toán cần xây dựng và thực thi nghiêm túc Quy chế quản lý, kiểm soát chất lượng, xác định rõ trách nhiệm thực thi, trách nhiệm soát xét, kiểm soát chất lượng qua từng khâu công việc, từng cấp độ nhân viên.
Mỗi kiểm toán viên phải thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc nhận thức một cách đầy đủ và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật hành nghề, kiên trì phòng ngừa và chống sai phạm về đạo đức nghề nghiệp. Kiên quyết chống tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giảm giá phí kiểm toán, dẫn đến chất lượng kiểm toán không đảm bảo.
Các DN kiểm toán nên chú trọng và hướng đến việc đầu tư chuyên nghiệp, chuyên môn hóa, tin học hóa dịch vụ cung cấp, trở thành những đối tác tin cậy. Có thể liên doanh, liên kết, sáp nhập với các ty kiểm toán lớn, hoặc gia nhập các mạng lưới kiểm toán quốc tế, kết hợp và chia sẻ lợi thế của mỗi thành viên, hình thành khối liên kết mạnh mẽ để có thể đứng vững trong cạnh tranh, phát triển và hội nhập.
Ba là, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ đối với các công ty cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập. Hàng năm, Bộ Tài chính tổ chức các đoàn kiểm tra chất lượng dịch vụ, song việc kiểm tra mới chỉ thực hiện trên một số công ty có quy mô nhỏ trên thị trường. Trong năm 2016, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức kiểm tra 15 DN kiểm toán trong cả nước.
Kết quả cho thấy, các DN đã tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến việc đăng ký và duy trì điều kiện hành nghề của kiểm toán viên hành nghề và việc đăng ký, duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán của DN kiểm toán và các quy định khác của pháp luật về kiểm toán độc lập.
Trong thời gian tới, các cơ quan quản lý cần khắc phục khó khăn để triển khai hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ của các công ty kiểm toán độc lập, kết quả kiểm tra cần được công bố rộng rãi để các công ty rút kinh nghiệm. Đồng thời, sai phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra cũng phải được xử lý và công khai rộng rãi, đảm bảo tính răn đe, góp phần nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về lĩnh vực kiểm toán nói chung và kiểm toán độc lập nói riêng.
Bốn là, chú trọng công tác đào tạo. Việc tạo dựng hệ thống kiểm toán viên chuyên nghiệp phải được nâng cao chất lượng đào tạo để trình độ ngang tầm quốc tế. Theo đó, cần phải thường xuyên đào tạo, tập huấn cho kiểm toán viên, nhân viên chuyên nghiệp về kiến thức, pháp luật, trao đổi thông tin, kỹ năng nghề nghiệp và phương pháp làm việc, đặc biệt là việc duy trì, tuân thủ nghiêm đạo đức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán. Quá trình đào tạo này, không chỉ diễn ra trong nhà trường mà phải liên tục sau khi làm nghề. Xem xét việc thay đổi quy trình tổ chức thi và cấp chứng chỉ hành nghề, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Năm là, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cần đổi mới toàn diện phương thức hoạt động lấy hội viên làm trọng tâm, nâng cao năng lực quản lý, đổi mới cơ chế vận hành, sẵn sàng tiếp nhận và hoàn thành các nhiệm vụ quản lý hành nghề kiểm toán. Trong thời gian tới, VACPA cần tiếp tục nỗ lực để cùng Bộ Tài chính, các cơ quan quản lý Nhà nước phát triển ngành Kiểm toán độc lập đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế thị trường trong giai đoạn hội nhập sâu rộng mới của nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công “Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Về lâu dài, Nhà nước cần nghiên cứu và tổ chức lại các hội nghề nghiệp và kế toán, kiểm toán theo hướng hội nghề nghiệp chuyên nghiệp cả hai lĩnh vực tập trung vào một mối theo đúng mô hình phổ biến trên thế giới và chỉ có Hội nghề nghiệp chuyên nghiệp này mới thực hiện các nhiệm vụ quản lý hành nghề do cơ quan nhà nước chuyển giao. Đối với các hội nghề nghiệp mang tính xã hội về kế toán được thành lập theo nguyên tắc tự nguyện, hoạt động như mọi hội xã hội nghề nghiệp khác.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế. Trước xu hướng hội nhập sâu rộng tới đây, cần chú trọng thúc đẩy tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế; Chủ động tham gia vào quá trình xây dựng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế, chuẩn mực kế toán công quốc tế, chuẩn mực kiểm toán quốc tế thông qua các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt chú ý đến tiếp tục cập nhật chuẩn mực kiểm toán quốc tế, đảm bảo tuân thủ chuẩn mực kiểm toán quốc tế…
Kinh nghiệm của hơn 25 năm phát triển cho thấy, ngành Kiểm toán cần tận dụng sự hợp tác với các DN kiểm toán quốc tế nhằm học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường liên kết đào tạo…; Khuyến khích các DN này tích cực tham gia đóng góp ý kiến xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán và các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thuế có liên quan; Tham gia tích cực vào các hoạt động kiểm toán, tư vấn về mặt kế toán - kiểm toán hỗ trợ DN Việt Nam niêm yết cổ phiếu hay phát hành, niêm yết trái phiếu chuyển đổi ở các thị trường nước ngoài, giúp các DN này hội nhập thành công vào thị trường chứng khoán và thị trường vốn của khu vực và quốc tế.
Tài liệu tham khảo:1. Chính phủ, Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 về việc phê duyệt “Chiến lược kế toán – kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”;
2. PGS., TS. Trần Văn Tá (2016), Kiểm toán độc lập 25 năm một chặng đường;
3. TS. Lê Quang Bính, (2016), Thực trạng và định hướng phát triển của kiểm toán độc lập Việt Nam trong mối quan hệ với Kiểm toán Nhà nước;
4. TS. Trần Đình Cường (2016), Vai trò của công ty kiểm toán nước ngoài trong 25 năm hoạt động của kiểm toán độc lập ở Việt Nam;
5. Trần Thiên Hương (2016), Ngành Kiểm toán độc lập Việt Nam đang hội nhập sâu với quốc tế;
6. Ông Bùi Văn Mai (2016), Kiểm toán độc lập ngày càng trở lên quan trọng trong nền kinh tế thị trường Việt Nam.