Tăng sức lan tỏa của nguồn vốn FDI
Trong hơn 30 năm đổi mới, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã khẳng định được vai trò to lớn trong nền kinh tế, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam mới chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp, hạn chế trong gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đạt mức kỷ lục
Theo Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Nhất Hoàng, năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua. “Vốn giải ngân cũng đạt mức cao nhất kể từ trước tới nay”, ông Hoàng nói.
Quả thực, nhìn vào số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài vừa công bố, tính đến ngày 20/12/2017, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong đó, có 2.591 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký là 21,27 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, còn có 1.188 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt xấp xỉ 8,41 tỷ USD, tăng 49,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo GS. TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khu vực FDI có tác động lan tỏa rất lớn tới nền kinh tế Việt Nam, từ tác động tổng thể, gián tiếp tới trực tiếp, tạo ra công nghệ, năng suất lao động, việc làm, xuất khẩu, thu ngân sách, GDP.
Cụ thể, doanh nghiệp FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 18% thu ngân sách và 20% GDP... Tuy nhiên, tác động lan tỏa của doanh nghiệp FDI chưa được như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam còn hạn chế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, mới chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp.
Cần nỗ lực từ hai phía
Phân tích rõ hơn về vấn đề này, GS. TS. Nguyễn Mại cho rằng, con số vốn thực hiện vẫn chưa thể hiện hoàn toàn đầy đủ, toàn diện ý nghĩa của đầu tư nước ngoài. Chất lượng vốn mới là quan trọng nhất và một trong những yếu tố thể hiện chất lượng vốn chính là tác động lan tỏa đến nền kinh tế.
Đơn cử, xuất khẩu dệt may 2016 đạt 30 tỷ USD, chiếm 4% kim ngạch dệt may thế giới. Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất điện thoại di động smartphone, máy tính bảng… Tuy nhiên, trong mỗi một chuỗi cung ứng, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp, chỉ chiếm 21%, trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%; doanh nghiệp Malaysia là 46%.
Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia TS. Lương Văn Khôi, nếu Việt Nam có được một chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ tốt, cần phải thiết kế theo một chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành hay mỗi sản phẩm, có chính sách thu hút để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn thì mức độ đóng góp của doanh nghiệp sẽ mạnh hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, như thế tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ giảm…
Đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam khi coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng như cải thiện môi trường đầu tư để thu hút FDI thời gian qua, chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần lựa chọn cho được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nằm trong các chuỗi mà doanh nghiệp có thể tham gia.
Đồng thời, phải làm tốt 3 yếu tố, đó là sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các cụm công nghiệp hỗ trợ, các khu phức hợp về công nghệ hỗ trợ.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, lựa chọn cách thức hội nhập và thực hiện các cam kết hội nhập cũng có tác động rất lớn đến việc thu hút FDI hiệu quả. Bài toán đặt ra cho Việt Nam là hài hòa hóa các tuyến hội nhập cùng cải cách bên trong để tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển, giảm thiểu sự méo mó trong phân bổ nguồn lực lẫn phí tổn thực tế.
Theo các chuyên gia, muốn công nghiệp hỗ trợ phát triển, tạo được sự lan tỏa từ khu vực FDI cần phải đưa vào điểm “đặc biệt lưu ý” trong tổng kết nhìn lại 30 năm thu hút FDI.
Đồng thời, muốn có được sự chuyển biến tích cực, lan tỏa sâu rộng từ khu vực FDI sang khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước, cùng với những nỗ lực từ chính các doanh nghiệp trong nước tự tin chủ động tiếp cận với doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp cần đầu tư đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực, tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng phù hợp với trình độ phát triển…