Tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng: Xu hướng chung của các nước trên thế giới

PV.

Xu hướng tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang ngày càng được mở rộng ra các quốc gia trên thế giới, điều này không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước mà còn đảm bảo công bằng trong xã hội. Thực tiễn áp dụng thuế suất GTGT và cơ cấu biểu thuế đang được thực thi tại một số quốc gia sẽ gợi mở cho Việt Nam khi sửa đổi, bổ sung các quy định về sắc thuế này...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tăng mức thuế suất thuế GTGT
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), qua thống kê mức thuế suất của 112 nước, có 88 nước có mức thuế suất từ 12% đến 25% (trong đó 56 nước có mức thuế suất từ 17% đến 25%), còn lại 24 nước phổ biến ở mức hơn 10%.

Các nước láng giềng của Việt Nam như: Lào, Indonesia, Cam-pu-chia cũng có mức thuế suất phổ biến là 10%; Trung Quốc có mức thuế suất 17%; Philippin có mức thuế suất 12%.

Ở một số quốc gia như: Canada, bên cạnh việc chính quyền trung ương thu thuế GTGT, chính quyền địa phương của một số bang cũng thu thêm loại thuế này; Tại Hàn Quốc, từ năm 2012 cũng đã điều chỉnh tăng thuế suất thuế GTGT từ 10% lên 10,5%.

Thực tiễn hiện nay, mức thuế suất thuế GTGT có sự khác biệt khá lớn giữa các quốc gia. Mức thuế suất thuế GTGT đặc biệt cao ở các nước phát triển thuộc khu vực EU và Đông Âu. Tại khu vực EU và OECD, nhìn chung mức thuế suất ngày càng tăng nhanh từ năm 2008. Mức thuế suất trung bình của khu vực EU là trên 21%, OECD là 19% vào năm 2016.

Một số quốc gia có mức thuế suất thuế GTGT/thuế tiêu dùng thấp hơn 10%, như: Nhật Bản là 8% (hiện tại Hạ viện Nhật Bản đã thông qua kế hoạch nâng mức thuế suất lên 10% từ tháng 10/2019), Singapore, Thái Lan là 7% (Thái Lan đang xem xét điều chỉnh tăng mức thuế suất thuế GTGT từ 7% lên 10%)...

Mức thuế suất và số lượng mức thuế suất thuế GTGT của một số quốc gia năm 2017 (%)

Quốc gia

Thuế suất phổ thông (%)

Thuế suất khác (trừ mức thuế suất 0%)

Các nước phát triển

Úc

10

 

Áo

20

13/10

Bỉ

21

12/6

Canada (tuỳ bang)

5-15

 

Chi-Lê

19

 

Cộng hòa Séc

21

15/10

Đan Mạch

25

 

Pháp

20

10/5,5/2,1

Đức

19

7

Mê-hi-cô

16

 

Ba Lan

23

8/5

Bồ Đào Nha

23

13/6

Thụy Điển

25

12/6

Anh

20

5

Một số nước châu Á

Trung Quốc

17

13/11/6/3

Hàn Quốc

10

 

Nhật Bản

8 (tăng lên 10 từ 2019)

 

Thái Lan

7 (dự kiến lên 10)

 

Singapore

7

 

Philippin

12

 

Indonesia

10

 

Malaysia

6

 

Băng-la-đét

15

9/6/5/4,5/2,25/1,5

Nguồn: http://www.vatlive.com/vat-rates/international-vat-and-gst-rates/

Cơ cấu biểu thuế suất thuế GTGT

Theo điều tra của WB, có khoảng 54% số nước áp dụng thuế GTGT có biểu thuế suất gồm 1 mức (không tính mức thuế suất 0% cho xuất khẩu); 23% số nước áp dụng biểu thuế suất thuế GTGT với hai mức thuế suất và số còn lại là nhiều hơn hai mức. Phần lớn các nước châu Á, đặc biệt là các nước ASEAN, chỉ áp dụng một mức thuế suất ngoài mức thuế suất 0%.

Việc áp dụng một mức thuế suất sẽ góp phần hạ thấp chi phí tuân thủ thuế, đơn giản hóa các yêu cầu về quản lý, trong khi đó, áp dụng nhiều mức thuế suất có thể làm gia tăng chi phí thu nộp thuế (đối với cả người nộp thuế và cơ quan thuế). Đối với các nước áp dụng nhiều hơn một mức thuế suất, Danh mục các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng mức thuế suất ưu đãi cũng rất khác nhau giữa các nước.

Nhìn chung, mức thuế suất ưu đãi thường được áp dụng đối với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Thực phẩm; sản phẩm y tế; sản phẩm nông nghiệp... đây là những sản phẩm mà những người có thu nhập thấp trong xã hội sử dụng nhiều (xét trong mối tương quan với thu nhập của họ). Cụ thể ở một số quốc gia như sau:

Tại Trung Quốc: Mức thuế suất thuế GTGT phổ thông là 17%. Trung Quốc áp dụng nhiều mức thuế suất ưu đãi đối với các trường hợp cụ thể: 13% đối với ngũ cốc, dầu thực vật, máy sưởi, điều hòa, gas, sách báo, tạp chí; 11% đối với dịch vụ giao thông, bưu điện, viễn thông, bán/cho thuê bất động sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, xây dựng; 6% đối với các dịch vụ hiện đại...

Tại Băng-la-đét: Mức thuế suất phổ thông là 15% và có nhiều mức thuế suất ưu đãi đối với các hàng hóa, dịch vụ khác như: Mức 9% đối với dịch vụ quảng cáo, cho thuê cửa hàng; 6% đối với cho thuê mặt bằng thương mại, máy móc; 5% đối với dịch vụ cung cấp điện trong nước...

Tại Áo: Mức thuế suất phổ thông là 20%; có 2 mức thuế suất ưu đãi là 10% và 13%. Mức 13% đối với hàng không nội địa; Mức 10% đối với thực phẩm, nước sạch, dược phẩm, vận tải nội địa (trừ hàng không), báo chí, sách in, truyền hình cáp và truyền hình thu phí,  dịch vụ xã hội, xử lý nước thải, phòng ở khách sạn...

Tại Bỉ: Mức thuế suất phổ thông là 21%; có 2 mức thuế suất ưu đãi là 12% và 6%. Trong đó, 12% đối với một số thực phẩm, hàng hóa phục vụ nông nghiệp, nhà ở xã hội, xây dựng mới các tòa nhà, nhà hàng (trừ đồ uống)...; Mức 6% áp dụng đối với một số loại thực phẩm, đồ uống có gas, nước, một số dược phẩm, một số thiết bị y tế cho người tàn tật, vận tải hành khách nội địa...

Tại Nga: Mức thuế suất phổ thông là 18%; mức thuế suất ưu đãi (10%) được áp dụng đối với một số hàng hóa cơ bản như thực phẩm; chăn nuôi; một số sản phẩm dành cho trẻ em; dược phẩm; nước, sách...

Tại Vương quốc Anh: Mức thuế suất phổ thông là 20%; mức thuế suất ưu đãi (5%) được áp dụng đối với ghế ngồi cho trẻ em trong ô tô, nhà ở xã hội, cung cấp gas thiên nhiên, cung cấp điện, hàng hóa nội địa tiết kiệm năng lượng, dầu đốt và LPG, sửa chữa, nâng cấp bất động sản...

Tại Đức: Mức thuế suất phổ thông là 19%; mức thuế suất ưu đãi (7%) đối với thực phẩm, cung cấp nước, thiết bị y tế cho người tàn tật, vận tải hành khách nội địa...

Tai Ác-hen-ti-na: Mức thuế suất phổ thông là 21%; có 02 mức thuế suất ưu đãi là 10,5% và 2,5%. Trong đó, mức 10,5% áp dụng đối với dịch vụ y tế; xây dựng, rau quả và thịt, phương tiện công cộng và taxi; Mức 2,5% đối với nhập khẩu hoặc cung cấp một số báo, tạp chí in/điện tử, dịch vụ quảng cáo trên các báo, tạp chí in/điện tử.