Thực tiễn mở rộng cơ sở thuế giá trị gia tăng tại các nước
Trong những năm gần đây, thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã trở thành một công cụ chính sách chủ yếu của các nước trong quá trình cải cách hệ thống thuế. Thực tiễn, kinh nghiệm các nước trên thế giới đang có xu hướng chuyển từ thuế trực thu sang thuế gián thu, nhằm tăng cường vai trò huy động của nguồn thu từ thuế GTGT.
Tăng thuế suất, mở rộng cơ sở thuế GTGT
Cùng với việc thực hiện giảm thuế suất thuế TNDN để khuyến khích đầu tư, kinh doanh thì xu hướng chung của các nước trong những năm gần đây là tăng thuế suất phổ thông và mở rộng cơ sở thuế GTGT nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách.
Trong giai đoạn 2009-2014, có khoảng hơn 20 quốc gia, đặc biệt là các quốc gia thuộc EU đã thực hiện điều chỉnh chính sách tăng thuế suất phổ thông thuế GTGT.
Hiện nay, mức thuế suất phổ thông thuế GTGT bình quân ở các nước OECD khoảng 19%, ở các nước khu vực EU khoảng 22%. Tại khu vực châu Á, Nhật Bản cũng đã điều chỉnh mức thuế suất thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% nhằm tăng nguồn thu mỗi năm khoảng 8.000 tỷ Yên cho ngân sách quốc gia để góp phần kiểm soát nợ công tăng cao. Cụ thể, việc sửa đổi chính sách thuế GTGT ở một số nước như sau:
- Italia: Tăng thuế suất thuế GTGT từ 17,6% lên 22% từ tháng 1/2014 và dự kiến sẽ tăng lên 25% vào năm 2018;
- Ai-xơ-len: Tăng mức thuế suất ưu đãi (đối với hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, dịch vụ khách sạn) từ 7% lên 11%, áp dụng từ 01/01/2015. Đồng thời, từ 01/01/2016, chuyển dịch vụ vận chuyển hành khách du lịch, đại lý du lịch từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất 11%;
- Niu Di-lân: Tăng thuế suất thuế hàng hóa dịch vụ từ 12,5% năm 2009 lên 15% năm 2011;
- Anh: Sau khi giảm thuế suất thuế GTGT từ 17,5% năm 2008 xuống 15% năm 2009 thì lại tăng lên 17,5% năm 2010 và 20% năm 2011;
- Phần Lan: Tăng thuế suất thuế GTGT từ 22% năm 2009 lên 23% năm 2010, 24% năm 2013;
- Nhật Bản: Tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 và có kế hoạch tăng tiếp lên 10% vào tháng 10/2015, tuy nhiên do GDP giảm do tác động của tăng thuế nên Nhật Bản đã hoãn việc tăng thuế lần 2 đến 01/10/2019;
- Ai-cập: Từ ngày 01/10/2016, nước này bắt đầu áp dụng thuế GTGT với mức thuế suất 13% và thay thế thuế doanh thu có mức thuế suất 10% trước đó. Theo kế hoạch, quốc gia này sẽ tăng mức thuế suất thuế GTGT lên 14% từ 01/10/2017, tuy nhiên do thâm hụt ngân sách lớn, Ai-cập dự kiến đẩy nhanh việc tăng thuế suất thuế lên 14% từ ngày 01/7/2017;
- Cô-lôm-bi-a: Tăng thuế suất thuế GTGT từ 16% lên 19% từ 01/01/2017 như là một trong các biện pháp ngăn chặn khả năng quốc gia này mất hạng mức tín nhiệm BBB do giá dầu thế giới giảm sâu;
- Sri Lanka: Nước này đã tăng mức thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 11% lên 15% từ 01/11/2016 theo khuyến nghị của IMF nhằm thực hiện các cam kết của chính phủ nước này với IMF trong khoản vay trị giá 1,5 tỷ USD để hỗ trợ cán cân thanh toán và vượt qua những khó khăn sau khủng hoảng tài chính toàn cầu;
- Nga cũng đang cân nhắc tăng mức thuế suất thuế GTGT phổ thông từ 18% lên 22% vào năm 2019.
Đáp ứng yêu cầu thực tiễn
Bên cạnh xu hướng tăng mức thuế suất thuế GTGT và mở rộng cơ sở thuế, một số nước cũng đã nghiên cứu và áp dụng các biện pháp nhằm chống thất thu thuế, đặc biệt đối với các hoạt động kinh tế mới, hoạt động cung cấp dịch vụ xuyên biên giới và thương mại điện tử.
Từ năm 2003, EU đã yêu cầu các doanh nghiệp ngoài khu vực EU cung cấp dịch vụ viễn thông, phát thanh truyền hình và điện tử đến người tiêu dùng cuối cùng tại EU phải đăng ký và tính thuế GTGT đối với doanh thu bán hàng tại nước tiêu dùng dịch vụ.
Năm 2015, EU đã mở rộng việc áp dụng quy định này đối với các doanh nghiệp EU cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng EU nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp EU và doanh nghiệp ngoài EU.
Từ năm 2014-2015, các quốc gia khác thuộc khu vực châu Âu như Thụy Sỹ, Ai-xơ-len, Na Uy và một số quốc gia khác như Nam Phi, Kê-ny-a, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng áp dụng các quy định tương tự như EU.
Trong giai đoạn 2016-2017, một loạt các nước như: Ý, Cô-lôm-bi-a, Ấn Độ, Nga, Đài Loan, Anh, Mỹ… cũng đã áp dụng thuế GTGT đối với các nhà cung cấp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ trực tuyến, thương mại điện tử xuyên biên giới cho người tiêu dùng ở các quốc gia này.