Tăng tốc cải cách phục vụ doanh nghiệp
Gần đây công tác cải cách nhằm nâng cao chất lượng môi trường đầu tư-kinh doanh, tiến tới phục vụ doanh nghiệp (DN) theo chỉ đạo của Chính phủ đã thu được những kết quả đáng kể. Thứ hạng của Việt Nam trong bảng đánh giá toàn cầu về thuận lợi hóa kinh doanh đã ghi nhận sự thăng hạng, khiến dòng vốn đầu tư đổ vào nền kinh tế gia tăng.
Song, câu chuyện không chỉ là một chiều và suôn sẻ như vậy. Theo chuyên gia kinh tế Ngô Văn Điểm, đến nay DN vẫn phải chi trả nhiều loại chi phí bất hợp lý. Trong đó, riêng chi phí không chính thức là một vấn nạn, khi có tới 9-11% DN được hỏi xác nhận rằng từng bỏ ra khoảng 10% doanh thu để trả loại chi phí này.
Bên cạnh đó, tình trạng dựa vào quan hệ để tiếp cận nguồn lực, thu về những lợi ích có tính chất đặc quyền đã làm méo mó thị trường, gây bất bình đẳng trong kinh doanh. Chưa kể thời gian để tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh vẫn là gánh nặng, vấn đề đau đầu đối với DN.
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ (CIEM) Phan Đức Hiếu cho rằng, thời gian qua Chính phủ đã luôn nhất quán chỉ đạo cắt giảm chi phí cho DN, thể hiện rõ trong nội dung các Nghị quyết 35 và 19.
Theo đó, các cơ quan quản lý đã vào cuộc, hỗ trợ DN. Tuy nhiên, kết quả thu về chưa đạt như kỳ vọng và đến nay chất lượng môi trường kinh doanh của ta vẫn còn khoảng cách so với các nước ASEAN.
Hiện, công tác rà soát, phát hiện những bất hợp lý trong quy định về điều kiện kinh doanh (ĐKKD), nhằm loại bỏ “giấy phép con” chưa đạt yêu cầu. Các chuyên gia cho rằng, cách làm này khó đạt hiệu quả cao bởi điều đó có nghĩa là cơ quan quản lý phải xem lại chính những gì mình đã nghiên cứu, ban hành.
Ngoài ra, không loại trừ tâm lý tạo thuận lợi cho bên quản lý và đẩy khó khăn cho bên thực hiện của cơ quan, cá nhân người làm công tác rà soát. Do đó, cần thành lập cơ quan độc lập, trực thuộc Chính phủ và có đủ quyền hạn để phản biện, giám sát và đưa ra ý kiến độc lập về chất lượng, sự cần thiết tồn tại hay không cần tồn tại của mỗi quy định.
Như vậy, dù đã có nhiều cố gắng nhưng các quy định từ phía cơ quan quản lý vẫn là rào cản đối với DN, hay nói cách khác, cơ quan nhà nước chưa đáp ứng kịp thời những đòi hỏi chính đáng của DN. Thực tế đặt ra yêu cầu phải tăng tốc độ cải cách, xác lập quan điểm và yêu cầu phục vụ DN một cách thiết thực.
Mới đây Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ bãi bỏ hơn 2 nghìn/4 nghìn điều kiện kinh doanh (ĐKKD) hiện có. Cụ thể, bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần trong 302 ĐKKD về tài chính, toàn bộ 85 ĐKKD về địa điểm, bãi bỏ 1.336 ĐKKD về năng lực sản xuất, toàn bộ 127 ĐKKD về phương thức kinh doanh, toàn bộ 80 ĐKKD về quy hoạch.
Có thể nói, đây là động thái tích cực nhằm hỗ trợ DN, xóa bỏ nỗi đe dọa thường trực mang tên “điều kiện kinh doanh” tồn tại bấy lâu nay. Vấn đề đã được tiếp nhận, tiếp tục rà soát, xử lý theo hướng thông thoáng và bảo đảm quyền lợi của các đơn vị SXKD trên cơ sở cải cách, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong một diễn biến mới nhất, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ theo dõi, nghiên cứu kỹ kết quả rà soát ĐKKD, chủ động sửa đổi hoặc đề nghị sửa đổi; cắt giảm những ĐKKD bất hợp lý, không cần thiết. Các bộ, ngành phải phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI cũng như lấy ý kiến DN để có sự đồng thuận.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng một nghị định về kiểm soát ĐKKD, trình Thủ tướng ban hành trong quý IV/2017.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, đây là thời điểm phải thực hiện cải cách hỗ trợ DN, với tinh thần hành động và không thể chậm trễ hơn nữa.
Đặc biệt, đã có một số ý kiến cho rằng, cần thắt chặt kỷ cương, đánh giá kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đối với cá nhân lãnh đạo các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương trong việc phục vụ DN, trong đó cần phát hiện sớm và mạnh dạn đưa ra khỏi bộ máy những ai cố tình cản trở bước tiến chung, mục tiêu chung.