Tăng tốc thực hiện Kho bạc “ba không" hướng tới Kho bạc số
Trong quá trình chuyển đổi số, việc thực hiện "ba không" tại Kho bạc Nhà nước (KBNN) là yếu tố rất quan trọng để hiện đại hoá các nghiệp vụ của KBNN cũng như tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.
Dần loại bỏ dùng tiền mặt trong khu vực công
KBNN Yên Thuỷ là KBNN tuyến huyện đầu tiên của tỉnh Hoà Bình thực hiện thí điểm không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại trụ sở KBNN. Từ 1/6/2021, đơn vị này đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) - Chi nhánh huyện Yên Thuỷ thực hiện không thu tiền mặt đối với các khoản nộp ngân sách nhà nước của các đơn vị, tổ chức kinh tế.
Thay vào đó, việc thu ngân sách nhà nước bằng tiền mặt thực hiện tại ngân hàng theo đúng thỏa thuận phối hợp thu. Bên cạnh đó, KBNN Yên Thuỷ cũng đẩy mạnh kiểm soát chặt các khoản chi bằng tiền mặt, các đơn vị giao dịch có nhu cầu thanh toán bằng tiền mặt có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên trong một lần giao dịch thì thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng.
Như vậy, từ tháng 6 đến nay, KBNN Yên Thuỷ đã dừng toàn bộ giao dịch bằng tiền mặt của các tổ chức, cá nhân trực tiếp tại trụ sở KBNN. Các hoạt động thu ngân sách nhà nước, thu phạt vi phạm hành chính được thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, qua tài khoản của người nộp thuế, nộp phạt tại các ngân hàng thương mại hoặc nộp tiền mặt trực tiếp tại điểm giao dịch của ngân hàng thương mại. Tất cả trường hợp rút tiền mặt hay có nhu cầu nộp tiền mặt vào tài khoản mở tại KBNN, các đơn vị đến các điểm giao dịch của Agribank để thực hiện.
Theo ông Lê Hoài Thanh - Giám đốc KBNN Hoà Bình, thông qua công tác tuyên truyền, người dân đã hiểu và dần từ bỏ thói quen dùng tiền mặt, các tổ chức, cá nhân cũng sẵn sàng áp dụng các phương thức chuyển tiền hiện đại không dùng tiền mặt, góp phần giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt trong khu vực công và tiết kiệm chi phí xã hội. Việc này đã tạo tâm lý an toàn, thoải mái cho người dùng khi tiếp cận với các phương thức thanh toán điện tử, thương mại điện tử.
"Ngay sau khi KBNN Yên Thuỷ thực hiện thí điểm thành công, từ tháng 9/2021, tất cả đơn vị trực thuộc KBNN Hoà Bình cũng đã thực hiện không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại KBNN các huyện, góp phần hướng tới KBNN "ba không" (không khách hàng, không chừng từ, không tiền mặt) trong tương lai", ông Lê Hoài Thanh chia sẻ.
Còn tại Thái Nguyên, ngay từ đầu năm 2021, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và UBND các huyện, thành phố trong tỉnh đẩy mạnh dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. KBNN Thái Nguyên đã phối hợp với các đơn vị sử dụng ngân sách, hệ thống ngân hàng triển khai thực hiện thu, chi ngân quỹ nhà nước qua ngân hàng, không giao dịch tiền mặt trực tiếp tại KBNN theo đúng quy định.
Theo bà Nguyễn Thị Bảo Hường - Giám đốc KBNN Thái Nguyên, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa KBNN với cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, hiện nay, công tác thu ngân sách được thực hiện qua tài khoản chuyên thu tại các chi nhánh ngân hàng thương mại, kiểm soát thanh toán các khoản chi ngân sách thực hiện qua dịch vụ công trực tuyến được giải quyết thông suốt, nhanh chóng, kịp thời, không để ách tắc.
Chạy đua hướng tới đích
Những năm gần đây, hệ thống KBNN đã triển khai các đề án hiện đại hóa thu, hiện đại hóa chương trình thanh toán như: phối hợp thu giữa KBNN - Thuế - Hải quan và ngân hàng thương mại, áp dụng các chương trình thanh toán song phương điện tử, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán liên Kho bạc,… tích cực đẩy mạnh thực hiện ủy nhiệm thu qua các ngân hàng thương mại, đồng thời tuyên truyền thực hiện nộp, rút tiền mặt tại các ngân hàng thương mại thay vì rút tại KBNN. Đây là mục tiêu hướng đến và là xu thế tất yếu của xã hội phát triển. Các cơ quan quản lý nhà nước chỉ nên tập trung thực hiện nhiệm vụ liên quan đến các thủ tục hành chính như hướng dẫn, xử lý các vấn đề nghiệp vụ, cơ chế chính sách...., còn hoạt động mang tính chất dịch vụ nên để các tổ chức cung ứng dịch vụ như các ngân hàng thương mại đảm nhiệm.
Hiện KBNN tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt là thực hiện mục tiêu hoàn thành 100% thủ tục trên dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 để sớm hình thành Kho bạc "ba không”. Cùng với KBNN, các KBNN địa phương cũng đang gấp rút triển khai các công việc để rút ngắn khoảng cách tới đích đến.
Để củng cố thêm các tiện ích của KB điện tử, Kho bạc "ba không", hiện KBNN đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các ngân hàng thương mại hướng dẫn triển khai, tiếp nhận các khoản thu phí, lệ phí giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính công cấp tỉnh và các bộ, ngành từ cổng thông tin của các tỉnh, thành phố (thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia), qua ngân hàng thương mại và chuyển đến KBNN để nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước hoặc vào tài khoản phí, lệ phí chờ nộp ngân sách nhà nước của cơ quan thu mở tại KBNN.
Về lâu dài, việc thanh toán không dùng tiền mặt được đưa vào như một phương thức thanh toán chính yếu trong xã hội sẽ đem lại nhiều lợi ích để thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, tạo sự minh bạch trong các khoản chi tiêu và giao dịch, giúp dòng chảy tiền tệ được lưu thông rõ ràng hơn. Còn trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp như hiện nay, hình thức thanh toán này cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp trong các giao dịch, hạn chế nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng.