Tăng tốc xây dựng Chính phủ điện tử và đô thị thông minh
Trên cả nước hiện có nhiều địa phương nỗ lực triển khai xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), đô thị thông minh (ĐTTM) và đã đạt được những thành quả bước đầu. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai hầu hết các địa phương đều đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là thiếu sự đồng bộ, liên thông giữa phát triển CPĐT và ĐTTM.
Nhiều tỉnh thành nhập cuộc
Tại Diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 năm 2019 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì mới đây tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Ngô Văn Quý cho rằng, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang tích cực triển khai việc xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chung cho xây dựng CPĐT và ĐTTM, tuy nhiên vẫn còn thiếu và có những cái cần phải ban hành sớm để các địa phương thực hiện.
Cùng quan điểm trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Phan Ngọc Thọ và Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (TPHCM) Trần Vĩnh Tuyến đều kiến nghị Chính phủ cần sớm có khung kiến trúc về CPĐT và ĐTTM để định hướng chung cho các địa phương, nhằm đảm bảo tính đồng bộ trong triển khai.
Theo Nghị quyết 52 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Bộ Chính trị ban hành ngày 27-9-2019, đến năm 2025 có ít nhất 3 ĐTTM tại 3 vùng kinh tế trọng điểm ở phía Bắc, phía Nam và miền Trung; đến năm 2030 hình thành một chuỗi ĐTTM tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới ĐTTM trong khu vực và thế giới.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng đề xuất Chính phủ sớm có một hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý nguồn dữ liệu. “Ngày nay, dữ liệu đã trở thành nguồn tài nguyên quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả đất đai. Cần có hành lang pháp lý để quản lý dữ liệu, ai sử dụng, khai thác và quản lý ra sao cho đồng bộ”, đồng chí Trần Vĩnh Tuyến phân tích.
Đại diện lãnh đạo 3 địa phương trên cũng nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng CPĐT và ĐTTM, như: chưa có danh mục các ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm mang tính xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để địa phương thực hiện; các cơ quan nhà nước khó thu hút, giữ chân nguồn nhân lực công nghệ thông tin; thiếu hành lang pháp lý bảo vệ sở hữu trí tuệ của các ứng dụng trí tuệ nhân tạo do tổ chức, doanh nghiệp, trường đại học nghiên cứu, áp dụng…
Tại diễn đàn nói trên, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, CPĐT và gần đây là ĐTTM đã được triển khai theo hướng “trăm hoa đua nở”, nhưng những vấn đề mà các địa phương đặt ra đều liên quan đến vai trò chỉ đạo, điều hành của các cơ quan chức năng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay, chúng ta có Ủy ban quốc gia về CPĐT và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ TT-TT đảm nhiệm “vai số 1” về điều hành, chỉ đạo trong lĩnh vực này. Trong Ủy ban quốc gia về CPĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là Phó Chủ tịch Thường trực trực tiếp giải quyết những vấn đề hàng ngày, chỉ những vấn đề lớn mới trình lên Thủ tướng.
Không thể tách rời
Mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo Bộ TT-TT “nối 2 chương trình” CPĐT và ĐTTM với nhau. Phát triển CPĐT và ĐTTM phải được xem là một mục tiêu kép. Trong đó, mục tiêu số một là xây dựng được một CPĐT, ĐTTM hiệu quả; mục tiêu thứ hai là thông qua quá trình đó tạo ra được các doanh nghiệp công nghệ thông tin mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo, giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Bộ TT-TT đẩy nhanh việc triển khai thí điểm xây dựng CPĐT, chính quyền điện tử tại một số bộ, địa phương và đến năm 2020 phải kết thúc việc thí điểm này.
Đến nay trên cả nước đã có khoảng 30 địa phương phê duyệt và triển khai các đề án, dự án về phát triển ĐTTM. Nhưng theo đánh giá của Bộ TT-TT, việc phát triển ĐTTM còn nhiều bất cập và lúng túng nên các bộ ngành vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện việc xây dựng và ban hành quy định hướng dẫn về tiêu chuẩn, quy chuẩn, các cơ chế, chính sách về ĐTTM.
“Cần phải gắn kết, không được tách rời việc xây dựng ĐTTM với phát triển CPĐT, coi phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng ĐTTM, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền. Người dân phải được cung cấp các ứng dụng để giao tiếp với chính quyền; mọi ý kiến phản ánh của người dân phải được giải đáp nhanh và thỏa đáng”, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh.
TP. Đà Nẵng: 945 tỷ đồng phát triển thành phố thông minh
Ngày 23-10, UBND TP Đà Nẵng, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) phối hợp tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh thành phố thông minh 2019. Phát biểu tại đây, Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng yếu tố tiên quyết trong xây dựng và phát triển các thành phố thông minh là thông minh hóa các hạ tầng hiện có; đồng thời tập trung phát triển hạ tầng thông tin là yếu tố xương sống.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, cho biết, năm 2019 và 2020, UBND Đà Nẵng dự kiến bố trí 345 tỷ đồng từ ngân sách, kết hợp với khoảng 600 tỷ đồng từ hợp tác với các doanh nghiệp, để thực hiện các dự án về thành phố thông minh.