Tăng trưởng 2018 sẽ "ngược chiều" thông lệ
Việc tăng trưởng GDP quý I, II thường thấp hơn tăng trưởng GDP quý III, IV trong cùng một năm đã trở thành thông lệ tăng trưởng của Việt Nam, tuy nhiên, năm 2018 có thể diễn biến sẽ ngược lại.
Đó là nhận định của TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi bình luận về tăng trưởng cả năm 2018.
Quý I/2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm trở lại đây đạt 7,38%.
Phân tích những nguyên nhân khiến tăng trưởng đạt được kết quả khả quan nêu trên, TS. Võ Trí Thành cho biết: Tăng trưởng đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây nguyên nhân đầu tiên là do tăng trưởng quý I/2017 khá thấp. "So với một cái nền thấp thì tăng trưởng quý I/2018 cứ bình thường thì cũng đã cao hơn nếu so sánh với một nền cao hơn rồi".
Nguyên nhân thứ 2, theo ông Thành là "đã có những chuyển biến tích cực thực sự từ nền kinh tế". Cái tích cực thể hiện ở: nông nghiệp tăng trưởng cao ở mức 3,76%; khai khoáng khác với mọi năm là kéo tăng trưởng xuống thì năm nay cũng đạt mức dương 0,4%. Cùng với đó là dịch vụ và du lịch trên đà phát triển tích cực. Một số lĩnh vực cơ bản nhất là công nghiệp chế biến chế tác tăng rất mạnh và đà tăng này được dẫn dắt bởi Formosa và Samsung.
Với những phân tích trên, theo ông Thành, năm nay có một điểm đáng chú ý, khác với thông lệ của tăng trưởng các năm trước đó là tăng trưởng quý I, quý II có thể sẽ rất cao nhưng tăng trưởng quý III, quý IV sẽ chùng xuống hay giảm.
Cụ thể, theo thông lệ tăng trưởng ở Việt Nam, quý I, quý II thường tăng trưởng sẽ thấp hơn quý III, quý IV vì sản xuất kinh doanh thường nhộn nhịp và dồn về cuối năm. "Nếu theo thông lệ như vậy, quý I/2018 đã đạt tăng trưởng 7,38% thì quý III, quý IV con số tăng trưởng sẽ rất cao và cả năm có thể đạt 7,5%", ông Thành nói.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn rất cẩn trọng và đặt mục tiêu nỗ lực tăng trưởng đạt 6,7%, còn Chủ tịch Quốc hội thì đặt mục tiêu phấn đấu nhỉnh hơn một chút là 6,8%.
"Không phải vô cớ mà Chính phủ và Quốc hội lại tỏ ra thận trọng với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2018 như vậy". Phân tích nguyên nhân, ông Thành cho rằng, lý do thứ nhất là do "cái lý" tăng trưởng quý I cao. Động lực tăng trưởng quý I năm nay cũng giống với quý III, quý IV/2017 là do Formosa đi vào hoạt động và những đột biến trong sản xuất của Samsung.
Vì vậy, nếu không có nhiều thay đổi, tăng trưởng quý II vẫn sẽ cao, nhưng quý III, IV sẽ lại thấp đi vì phải so với cái nền tăng trưởng quý III, quý IV/2017 cao sẵn và không còn yếu tố mới dẫn dắt.
"Nếu không có những chuyển động mạnh mẽ, cải cách thu hút đầu tư, FDI và tư nhân thì tăng trưởng quý III, IV sẽ thấp. Đó chính là lý do vì sao Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng nỗ lực là 6,7-6,8%", ông Thành nhấn mạnh.
8 kết quả nổi bật và 2 mục tiêu tăng trưởng
Trước những tín hiệu tích cực của nền kinh tế trong quý I/2018, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, Chủ nhiệm Văn phóng Chính phủ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực với 8 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I/2018 là 7,38%, cao nhất trong 10 năm qua. Thứ hai, tăng trưởng đạt mức cao song lạm phát trong tầm kiểm soát. Thứ ba, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,9% (cùng kỳ tăng 6,4%), cho thấy tổng cầu, sức mua của người dân tiếp tục được cải thiện đáng kể. Nikkei vừa công bố Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3/2018 của Việt Nam đạt 51,6 điểm, mặc dù giảm so với tháng 2, nhưng là một trong 2 quốc gia của khu vực Đông Nam Á có điểm số cao nhất.
Thứ tư, xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 18,9%, cao hơn mức tăng 12,1% cùng kỳ; xuất siêu 1,3 tỷ USD. Thứ năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,4% so với cùng kỳ, trong đó vốn đầu tư tư nhân chiếm tỷ trọng 41,9% và tăng tới 16,9%. Thứ sáu, khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng mạnh 30,9%.
Thứ bảy, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017 vừa công bố cho thấy những thông tin khởi sắc, điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ khi bắt đầu thực hiện đến nay, gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số, phản ánh rõ ràng môi trường kinh doanh cấp địa phương của Việt Nam đã có những cải thiện rất ấn tượng theo thời gian. Thứ tám, thị trường chứng khoán phát triển mạnh, chỉ số VNIndex đã vượt đỉnh (1.170 điểm) 11 năm qua, cho thấy niềm tin thị trường rất tốt.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, quý I kết quả rất khả quan nhưng chúng ta không chủ quan, lơ là, cần phấn đấu làm sao tăng trưởng cao hơn phương án đề ra để tạo ra dư địa cho tăng trưởng của năm 2019 và các năm tiếp theo.
Trước tình hình kinh tế quý I và dự báo các quý tiếp theo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ 2 kịch bản tăng trưởng cho năm 2018.
Với kịch bản 1, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%, là mục tiêu tương đối khả thi.
Kịch bản 2, tốc độ tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,8%, là kịch bản phấn đấu để các ngành, các cấp nỗ lực, tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi cả ở trong nước và quốc tế.