TS. Võ Trí Thành:
Tăng trưởng 6,81% đúng nhưng chưa đủ
Nhận định về con số tăng trưởng kinh tế ngoạn mục năm 2017 6,81%, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: Đừng lạc quan tếu, tăng trưởng 6,81% là tốt nhưng với tiềm năng của chúng ta có thể tăng trưởng cao hơn thế.
Động lực nào cho tăng trưởng năm 2017?
Trả lời câu hỏi "Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế 2017 và dự báo tăng trưởng kinh tế 2018" tại Hội thảo "Cơ hội đầu tư - kinh doanh 2018" do Tạp chí Diễn đàn đầu tư (Bizlive) tổ chức hôm nay (5/1), TS. Võ Trí Thành - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Về Thành tích của năm 2017, có hai ý, đó là động lực cho tăng trưởng và động lực của Chính phủ.
Về động lực cho tăng trưởng: Thứ nhất, Việt Nam là nền kinh tế mở, năm 2017 kinh tế thế giới chuyển sang tích cực hơn nên Việt Nam cũng được lợi hơn.
Thứ hai, bản thân kinh tế Việt Nam cũng bước vào giai đoạn phục hồi, tích cực hơn.
Thứ ba, đột biến trong sản xuất, xuất khẩu mà người ta hay đề cập đến Samsung và Formosa.
Thứ tư, nỗ lực cải cách, đặc biệt cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ được cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận, thế giới ghi nhận. Nếu nhìn tăng trưởng 2017 thì 2 cái mang tính xu thế, tích cực của thế giới và giai đoạn phục hồi, quan trọng là cải cách môi trường kinh doanh.
Về động lực của Chính phủ, Chính phủ nào cũng muốn tăng trưởng cao, trong dài hạn có thể bắt kịp các nước đi trước. Đặc biệt với nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, thì càng phải thể hiện mình, nói, làm bằng được và tin là làm được. Đó là động lực của Chính phủ.
"Tuy nhiên, nhìn sâu hơn một chút, chúng ta cũng đừng lạc quan tếu. Tôi nhấn mạnh, đây là giai đoạn phục hồi rõ hơn, chứ chưa tăng trưởng bền vững và có tính lâu dài, chỉ là phục hồi tốt hơn, thể hiện ở tăng trưởng GDP cả ba năm qua là trên 6%. Nhưng với đà phục hồi ấy, con số tăng trưởng với đất nước như thế này mà con số là 6,8 thì không đáng", ông Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, Việt Nam đến năm 2015 đã tạo ra thế trận hay vì có 3 lợi thế: Một là lợi thế của người đi trước so với nhiều nước trên khu vực và thế giới. Hai là thế trận kết hợp giữa mảng sản xuất và xuất khẩu. Ba là vai trò đối tác chiến lược trong các hợp tác quốc tế.
Tuy nhiên, từ 2016 có các tác động phát sinh làm thế trận ấy không còn đẹp, do các vấn đề khách quan, như câu chuyện bất định trong Hiệp định TTP, hay câu chuyện ASEAN+6. Trong 2018, chúng ta cần duy trì các lợi thế và không làm giảm thiểu thế trận hiện tại.
Đồng thuận với nhận định của ông Võ Trí Thành về kỳ vọng lớn trong tăng trưởng GDP những năm tới, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nói: Cá nhân tôi nhận định rằng đây là thời điểm chúng ta phải đủ bản lĩnh để đưa nền kinh tế tăng tốc. Những nền kinh tế như Nhật Bản, Đài Loan có những giai đoạn tăng trưởng đạt từ 8-9%. Và Việt Nam có nhiều yếu tố thuận lợi để chúng ta có thể duy trì tốc độ tương tự từ 8-9% trong 10 năm.
Nghịch lý tăng trưởng cao, năng suất lao động thấp
Đặt vấn đề về "nghịch lý" tăng trưởng cao nhưng năng suất lao động thấp, TS. guyễn Anh Tuấn - Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư hỏi: Tăng trưởng cao như vậy nhưng năng suất lao động vì sao vẫn thấp nhất trong khu vực? Đây có phải là nghịch lý về tăng trưởng?
Trả lời câu hỏi trên, TS. Võ Trí Thành cho biết: Câu chuyện cuối cùng vẫn là năng suất lao động, còn niềm tin về cái gọi là TFI chỉ vừa phải. Năng suất lao động của Việt Nam năm nay tăng chỉ ở mức vừa phải.
Nhưng đằng sau câu chuyện tăng năng suất lao động là sự dịch chuyển nội ngành hay ngoài ngành. Hiện nay tăng trưởng của nông nghiệp là cao nhất. Lĩnh vực tăng trưởng năng suất cực thấp là dịch vụ. Những shop nhỏ tăng năng suất lao động rất thấp, nhưng không phải lĩnh vực nào năng suất của Việt Nam cũng là thấp nhất. Một số ngành năng suất của Việt Nam ở mức trung bình của ASEAN, còn một số ngành có thể còn thấp hơn cả Lào.
Cùng tham gia trả lời câu hỏi trên, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: "Năng suất lao động tổng hợp thì thấp nhưng có những ngành tăng tương đối nhanh".
Cụ thể, ông Nguyễn Mại nói: "Tôi có hỏi Samsung về 3 câu chuyện. Thứ nhất, đối với lao động bình thường chỉ học hết phổ thông, đào tạo 1-2 tháng. Tôi hỏi Tổng giám đốc Samsung Bắc Ninh về nhóm lao động phổ thông này ở Bắc Ninh so với Hàn Quốc thế nào. Họ trả lời sau một vài năm đạt được 80% năng suất lao động của Hàn Quốc. Điều đó lý giải vì sao Samsung lại đầu tư nhiều vào Việt Nam. Bởi vì năng suất bằng 80% nhưng tiền lương lại bằng 30%".
Thứ hai, Samsung có trung tâm công nghệ cao ở Hà Nội. Ở đó có hàng nghìn người Việt Nam là kỹ sư phần mềm. Tôi hỏi một kỹ sư bình thương trong bao lâu có thể đạt được như người Hàn Quốc, họ trả lời là 1,5 – 2 năm. Thứ ba, tôi hỏi ai quản lý các nhà máy Samsung tại Việt Nam thì nói là chủ yếu người Việt Nam từ đốc công đến các bộ phận khác như marketing, nhân sự…
Lấy ví dụ thêm về chất lượng lao động Việt Nam hiện nay, GS.TSKH Nguyễn Mại nói: "Vào TP.HCM nghe phát biểu tổng kết 15 năm, bà giám đốc Intel đánh giá rất cao lao động Việt Nam". Vì thế, theo ông Mại, cần có phân tích năng suất lao động từng ngành và điều này rất quan trọng.