Tăng trưởng kinh tế cao và bài học cho năm 2019
Kinh tế năm 2018 đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu QH giao, trong đó, phải kể đến việc hoàn thành mục tiêu “kép” khá ấn tượng, đó là tăng trưởng kinh tế cao gắn với ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, để tiếp tục mục tiêu phát triển ổn định của năm 2019, theo các chuyên gia, cần phải làm tốt hơn việc cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục… tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng để có được kết quả cao hơn, bền vững hơn trong năm tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường chính như Mỹ, EU, ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… vẫn tăng mạnh. Mức tăng trưởng xuất khẩu 13,8% với kim ngạch xuất khẩu lên tới 244,72 tỷ USD nhờ sự bứt phá của tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và đặc biệt là sự tham gia của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, với tăng trưởng gần 16% của khối trong nước so với 12,9% của khối FDI và so với mức mức tăng trưởng chung của xuất khẩu 2018, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực khơi thông thị trường và tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đã đi vào thực tế.
Vụ trưởng Vụ Thương mại dịch vụ, Tổng cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết, trong năm 2018 có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó có 9 mặt hàng đạt trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD.
Chuyên gia thương mại PGS., TS. Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên tốc độ xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đã cao hơn khối FDI. Điều đó cho thấy chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã bắt đầu đi vào thực tiễn và phát huy tác dụng, cũng như việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.
Năm 2016 có hơn 110 nghìn doanh nghiệp thành lập mới; năm 2017 có gần 127 nghìn doanh nghiệp; năm 2018 có hơn 131 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, nếu tính chung cả vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm thì năm 2018 ước tính các doanh nghiệp bổ sung cho nền kinh tế gần 3,9 triệu tỷ đồng.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành cho rằng, với số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 lên tới 90.651 doanh nghiệp là khá cao so sới số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm khoảng 45 đến 50% giải thể hoặc ngừng hoạt động nhưng riêng năm 2018 là trên 70%.
Điều đó cho thấy việc các doanh nghiệp gia nhập thị trường là thuận lợi hơn, nhưng khi ra thành lập doanh nghiệp thì những vấn đề thể chế, những vấn đề khác, từ tiếp cận nguồn lực, từ cạnh tranh, từ chi phí giao dịch… Do đó, cần phải xem xét kỹ các tác động từ cả bên trong và bên ngoài để có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn trong năm 2019.
Đồng quan điểm này, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong suốt 3 năm qua, đặc biệt trong năm 2018, với sự vào cuộc khá chủ động và tương đối toàn diện của các bộ, ngành, địa phương cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, tạo sức ép từ Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh, nhờ đó, môi trường kinh doanh của Việt Nam có bước chuyển biến rõ rệt, tiếp tục được các tổ chức quốc tế ghi nhận có những đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh mới chỉ đạt khoảng 50% về thực chất. Các bộ cần phải hướng dẫn một cách rõ ràng, cụ thể hơn, còn về phía địa phương thì phải chỉ đạo thực hiện triệt để hơn để bảo đảm các cải cách đó mang lại một lợi ích thiết thực và tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo nhiều chuyên gia, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Năm 2019, Việt Nam đã làm tốt công tác điều hành vĩ mô, ổn định lãi suất, ổn định tỷ giá, giá cả cơ bản, tăng trưởng xuất khẩu cao, bảo đảm đạt các chỉ tiêu về năng suất và chất lượng tăng trưởng, đặc biệt là đạt mục tiêu lạm phát dưới 4%.
Chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, năm 2019 có ba vấn đề cần phải làm tốt hơn. Thứ nhất, tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm, đặc biệt là cổ phần hóa, thoái vốn DNNN rõ ràng còn chậm so với yêu cầu, cơ cấu lại ngân sách nhà nước cũng ở tiến độ tương đối chậm và hiệu quả đầu tư, đầu tư công của ta chưa được cải tiến nhiều, trong đó câu chuyện về giải ngân vốn đầu tư công còn rất chậm. Thứ hai, Chính phủ rất quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhưng cấp thừa hành làm chưa tốt. Thứ ba, là năm 2018 cũng là một năm thành công về hội nhập kinh tế quốc tế. Các doanh nghiệp trong nước cần tận dụng được nhiều cơ hội về hội nhập trong năm 2019.
Ngay trong ngày đầu năm mới 2019, Chính phủ cũng đã ban hành các Nghị quyết số 01 và 02 về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH, dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019, trong đó nhấn mạnh vào việc tập trung phát triển kinh tế; chú trọng củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh. Tập trung rà soát, khắc phục ngay các tồn tại, bất cập về thể chế, cơ chế, chính sách, tạo mọi thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật để triển khai hiệu quả các FTA đã ký kết...