Chính sách chọn người thắng làm chậm đà tăng trưởng

Theo Tri Nhân/thoibaonganhang.vn

Ổn định vĩ mô, tập trung dọn dẹp các cơ chế gây bất lợi cho doanh nghiệp, “thưởng cho người thắng cuộc” là cách phát triển chắc chắn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rất phập phù.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

PGS.,TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trả lời phỏng vấn của Thời báo Ngân hàng.

Cải cách đã bước vào nhịp mới

Phóng viên: Vượt lên cả mọi dự báo, những số liệu mà Tổng cục Thống kê công bố cho thấy nền kinh tế đã có sự tăng trưởng bất ngờ: 7,08% vượt mục tiêu mức tăng trưởng 0,38 điểm phần trăm. Vậy mức tăng trưởng cao đó có được từ đâu, theo ông?

PGS., TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng
PGS., TS. Trần Đình Thiên – thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

PGS., TS. Trần Đình Thiên: Giữa phong ba bão táp của một thế giới đầy bất ổn và tốc độ kinh tế suy giảm và cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc căng thẳng như thế mà nền kinh tế Việt Nam vẫn tốt hơn trước rất nhiều và đang có thế tăng trưởng tốt. Đó là nhờ có 3 đà tốt.

Trước hết là do cách thức phát triển đã thay đổi từ 2 năm nay. Theo đó, Chính phủ kiên định điều hành với mục tiêu cần tăng trưởng nhưng trên nền ổn định vĩ mô, không còn chạy theo mục tiêu đạt tăng trưởng cao bằng mọi giá.

Thứ hai, cải cách đã bước vào nhịp mới. Năm 2018 cũng đã có được cuộc cách mạng chưa từng có với yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Nếu đi vào thực thi thật tốt sẽ cởi trói cho doanh nghiệp, loại bỏ nhiều giấy phép con.

Thứ ba, vĩ mô ổn định, cải cách mạnh mẽ làm cho niềm tin doanh nghiệp với Chính phủ tăng lên, doanh nghiệp yên tâm hơn. Nên cổ động cho cách điều hành và phát triển trên nền tảng ổn định vĩ mô và cải cách mạnh mẽ. Đây là cách phát triển chắc chắn hơn trong bối cảnh kinh tế thế giới đang rất phập phù.

Tuy nhiên bên cạnh những điểm sáng, vẫn còn những điểm yếu, vẫn còn nhiều thách thức ảnh hưởng tới tăng trưởng.

Dù đã có cải cách mạnh chưa từng có như ông nói, nhưng doanh nghiệp cho biết vẫn còn rất nhiều trở ngại và rào cản?

Thay đổi một hệ thống lợi ích không dễ. Nhiều người nói Chính phủ tỏ rõ sự quyết tâm song việc cắt bỏ thủ tục và điều kiện kinh doanh nhiều nơi vẫn chậm. Mặc dù vậy, làm được như thế là tốt lắm rồi. Bởi những trói buộc rào cản đã trở thành lợi ích, gỡ ra là đau đớn xót xa nên khó gỡ.

Chính phủ làm được như vậy, một số bộ đã làm được như thế đã là nỗ lực tuyệt vời, dù chưa được như mong đợi. Việc gì đã làm được thì cần cổ động, được khen ngợi để có động lực làm tiếp, nhưng khen ngợi không phải để cho tự mãn mà dừng lại không cải cách tiếp.

Tổ tư vấn Kinh tế Thủ tướng Chỉnh phủ vừa đưa ra 3 kịch bản cho tăng trưởng năm 2019-2020 là 6,7, 6,91 và 7,06%. Vậy theo ông năm 2019 tăng trưởng sẽ đạt được mức nào?

Năm 2017 - 2018 đánh dấu một giai đoạn tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam và xu hướng này sẽ còn tiếp tục trong ít nhất 2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc vào độ mạnh của cải cách. Không để cải cách giảm tốc mà mất đà tăng trưởng. Kết luận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương diễn ra cuối năm vừa qua, Thủ tướng đặt vấn đề: “Cần trăn trở là tại sao cùng chủ trương, cùng cơ chế chính sách mà nơi này làm rất tốt, nơi khác lại trì trệ”. Thủ tướng cũng nhấn mạnh tới yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô.

Nếu Chính phủ quyết liệt cải cách, hoàn thiện thể chế và ổn định vĩ mô, thay đổi chính sách phát triển doanh nghiệp đúng nghĩa thì năm 2019 rất có thể tăng trưởng GDP sẽ đạt mức kỷ lục tăng trưởng 7,06% và sang năm nữa cũng gần 7%.

Ta phải thay đổi bằng cách chọn ai

Năm 2018 có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 3,5% so với năm 2017; nhưng số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động lên tới 90.651 doanh nghiệp, cao hơn năm 2017 những 49,7% và có 16.314 doanh nghiệp giải thể, tăng 34,7% so với năm trước. Ông nhìn nhận những con số này thế nào?

Không thể nói số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể phá sản nhiều như thế là bình thường. Nó cho thấy doanh nghiệp rất yếu và chính sách có vấn đề. Số liệu thống kê cho thấy, 91,2% số doanh nghiệp giải thể trong năm 2018 là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (14.880 doanh nghiệp). doanh nghiệp yếu, là trọng tâm chính cần bàn luận những năm tới.

Nhìn lại, mình có nhiều cái sai trong phát triển doanh nghiệp vì không có chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam theo đúng nghĩa, mà phát triển doanh nghiệp hiện nay đang theo cách “làm được đến đâu hay đến đó”.

Muốn cho nền kinh tế hùng cường cần có những tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh làm trụ cột. Nhưng hiện doanh nghiệp tư nhân mới đóng góp 8% trong GDP, FDI chỉ đóng góp có 20% GDP và doanh nghiệpNN đóng góp 27%-28% GDP, còn 32% GDP lại trông vào hơn 5 triệu hộ gia đình kinh doanh manh mún nhỏ lẻ.

Quy mô cũng là đẳng cấp, trình độ cũng là đẳng cấp. Một nền kinh tế mà 32% GDP đang dựa vào hộ gia đình là khu vực yếu và kém nhất và 27-28% dựa và doanh nghiệpNN là khu vực kém hiệu quả thì nền kinh tế khỏe sao được.

Điều này cho thấy, cấu trúc nền kinh tế đang có những vấn đề, khó có thể cạnh tranh về hội nhập. Một nền kinh tế thị trường bình thường thì kinh tế tư nhân phải tới 60-70% GDP, như ở Mỹ thì 80% GDP là từ kinh tế tư nhân.

Chính sách chọn người thắng làm chậm đà tăng trưởng - Ảnh 1

Và chiến lược phát triển doanh nghiệp đúng nghĩa mà ông nói đến như thế nào?

Cách phát triển doanh nghiệp hiện nay là cách “chọn người thắng”, tức ưu tiên ưu đãi cho khu vực FDI và doanh nghiệpNN trong khi 2 lực lượng này đều mang lại hiệu quả không tương xứng với những gì được ưu ái ưu đãi. Chính sách “chọn người thắng” này làm méo mó thị trường, ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp trong nước và đang làm chậm đà tăng trưởng.

Muốn doanh nghiệp khỏe lên để đất nước hùng cường thì chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam đúng nghĩa coi kinh tế tư nhân phát triển là trụ cột. Muốn vậy phải tập trung nguồn lực, phải “dọn dẹp” các cơ chế gây bất lợi cho doanh nghiệp trong nước và cần định hình lại để có chiến lược phát triển doanh nghiệp đúng nghĩa bằng cách “thưởng cho người thắng”, tức là ưu tiên hỗ trợ cho những doanh nghiệp tư nhân làm ăn tốt, phát triển tốt để lực lượng này trở nên hùng mạnh.

Câu chuyện thời sự cả thế giới quan tâm là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Việt Nam được gì, khó gì?

Đây không chỉ là cuộc chiến về thương mại mà nó còn nhiều hơn thế, và Mỹ sẽ không dừng lại cho đến khi nào họ đạt được những điều họ muốn. Khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới xung đột với nhau thì sự ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu là cực kỳ lớn và mức độ ảnh hưởng phụ thuộc mức độ căng thẳng và cuộc chiến này kéo dài đến đâu.

Việt Nam đang đứng giữa cuộc chiến này, đứng giữa hai nước là hai thị trường xuất nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam nên sẽ có những khó khăn trước mắt, nhưng chắc chắn sẽ có cơ hội. Trước hết là cơ hội “kiếm ăn”, hiện số lượng các đơn hàng đang tăng lên. Sau đó là cơ hội đón dòng đầu tư mới. Và cơ hội lớn hơn cả là chọn ai, đón ai khi dòng đầu tư dịch chuyển và là cơ hội lớn đế bứt khỏi sự phụ thuộc kinh tế. Điều quan trọng ở đây là đừng mải mê nhặt nhạnh những cơ hội nhỏ nhặt mà hãy coi đây là cơ hội mang tính tính lịch sử, phải tận dụng cơ hội này bằng thực lực và sự bài bản như thế Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ cuộc chiến này.

Vậy chúng ta cần làm gì để cơ hội không tuột khỏi tay, để được hưởng lợi nhất?

Các dòng vốn đang rời khỏi Trung Quốc, cả doanh nghiệp Trung Quốc cũng rút khỏi Trung Quốc và có xu hướng chuyển sang Việt Nam. Người kém thường hay chạy trước, người giỏi với đẳng cấp cao thì họ từ từ chờ thể chế tốt, nhân lực tốt họ mới vào. Vậy ta phải chọn ai và làm sao chọn được. Đây là cơ hội để ta lựa chọn và có quyền để lựa chọn.

Trong bối cảnh thế giới đầy sóng gió như thế Việt Nam vẫn đạt được tăng trưởng cao, vĩ mô ổn định, niềm tin nhà đầu tư tăng lên là ta đang có thế có quyền để lựa chọn, không còn như trước kia chỉ cần có dự án và việc làm cho lao động giá rẻ như dệt may… Nhưng để chọn được thì cần có năng lực, năng lực của Nhà nước, năng lực của doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông nhân dịp đầu năm mới!