Tăng trưởng tín dụng 4 tháng đầu năm đạt 2,57%
Tính đến 20/4/2023, tín dụng toàn nền kinh tế trong nước đạt trên 12,23 triệu tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2022, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (6,46%).
Theo Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú, tín dụng tăng trưởng thấp, ngoài nguyên nhân từ phía cầu tín dụng thấp và thận trọng trong cấp tín dụng của các ngân hàng, còn có nguyên nhân do thị trường bất động sản tiếp tục khó khăn, dẫn tới tín dụng bất động sản tăng chậm, kéo theo tăng trưởng tín dụng chung giảm. Bên cạnh đó, thị trường vốn (chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp) đang giảm sút cũng là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng tín dụng.
Hiện, nền kinh tế đang đối diện nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động hoặc phải giảm bớt quy mô kinh doanh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của người lao động. Nguyên nhân chủ yếu là do tác động của kinh tế, tình hình địa chính trị thế giới ảnh hưởng đến vấn đề dòng vốn, dòng hàng hóa, lưu chuyển hàng hóa trên thế giới...
Trong khi đó, thanh khoản của hệ thống ngân hàng luôn được đảm bảo tốt. Số dư tiền gửi của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN thường xuyên trong tình trạng dư thừa so với số phải dự trữ bắt buộc. Lãi suất thị trường liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện để các TCTD có thêm dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế.
Kết quả tín dụng những tháng đầu năm ở mức thấp trong khi thanh khoản dồi dào đặt ra cho NHNN và ngành Ngân hàng bài toán cần trả lời trước các cơ quan Nhà nước về đáp ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn cho mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mà vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống.
Ngay những tháng đầu năm, NHNN đã điều hành rất linh hoạt, sử dụng đến mức tối đa những công cụ, dư địa của chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế và hệ thống ngân hàng, giảm lãi suất.
Gần đây nhất, NHNN ban hành chính sách hoãn giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ có ý nghĩa tác động trực tiếp để giảm bớt các khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Liên quan đến thị trường trái phiếu, góc độ của NHNN đang từng bước phối hợp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, trong đó có việc ban hành Thông tư 03/2023/TT-NHNN.
Bà Phạm Thị Trung Hà - Phó Tổng Giám đốc MBBank, cho biết, đối với các chính sách của NHNN hiện nay như thanh khoản, các chính sách hỗ trợ không vướng mắc gì, ngành Ngân hàng không thiếu vốn, sẵn sàng cho vay với mức lãi suất hấp dẫn hơn so với cuối năm 2022. Tuy nhiên, tín dụng lại tăng trưởng còn thấp. Nguyên nhân chính là nhu cầu của kinh tế Việt Nam, hấp thụ vốn của nền kinh tế có khó khăn nên tăng trưởng tín dụng quý I và tháng 4/2023 không cao.
Theo đó, đại diện MBBank kiến nghị Chính phủ cần có các giải pháp đồng bộ để kích cầu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán được hàng và người dân tích cực tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần xem xét, tăng cường năng lực, phương án kinh doanh hiệu quả để đáp ứng được các điều kiện tín dụng. Đối với các TCTD cũng vẫn phải chuẩn bị các kịch bản liên quan đến đánh giá chất lượng tín dụng, tuân thủ quy định về trích lập dự phòng để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.
Theo ông Phạm Quang Thắng - Phó Tổng Giám đốc Techcombank, tăng trưởng tín dụng của Techcombank quý I/2023 đạt gần 8%, tuy nhiên, dự báo quý II sẽ chậm lại.
“Bản thân các doanh nghiệp tương đối thận trọng vay vốn. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu không có đơn hàng mới, không có dự án bất động sản mới, không mở rộng đầu tư mới… dẫn đến tăng trưởng tín dụng chậm lại”, ông Phạm Quang Thắng chia sẻ.
Với việc ban hành các Thông tư gần đây, đại diện các ngân hàng thương mại và các chuyên gia kinh tế đánh giá đây là phản ứng rất nhanh của NHNN, đáp ứng mong muốn của thị trường về ổn định dòng tiền doanh nghiệp, khôi phục sản xuất kinh doanh để phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thể hiện trách nhiệm cao nhất với nền kinh tế.
Trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 khoảng 6,5% và lạm phát khoảng 4,5% được Quốc hội, Chính phủ đặt ra, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14%-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế, hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục kiểm soát rủi ro tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.