Tăng trưởng tín dụng có thể sớm hồi phục

Theo Hà Thành/thoibaonganhang.vn

NHNN sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

NHNN sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nguồn: internet
NHNN sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Nguồn: internet

Dịch bệnh gây khó cho tín dụng

Theo số liệu cập nhất mới nhất của NHNN, đến ngày 16/6/2020, tín dụng tăng 2,13% so với đầu năm, mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đáng nói, không chỉ tăng trưởng thấp, một số ngân hàng trong đó có ngân hàng lớn tín dụng còn đang tăng trưởng âm. Nguyên nhân của tình trạng này được nhận định là do những tác động tiêu cực đại dịch Covid-19. Một loạt các lĩnh vực ngành nghề “ngấm đòn” nặng và đang phải vật lộn trước khó khăn từ đại dịch như: vận tải, dệt may, giáo dục, nông - lâm nghiệp, thủy sản nhất là du lịch, dịch vụ lưu trú… Trong 5 tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 26 nghìn doanh nghiệp, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, kéo theo cầu tín dụng sụt giảm mạnh.

Thứ hai, nhiều lao động mất việc làm hoặc tạm nghỉ ở nhà, thu nhập giảm, khiến người dân phải thắt chặt chi tiêu, giảm nhu cầu vay tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như EU, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật... vẫn chưa kiểm soát được dịch bệnh thậm chí xu hướng dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hơn nên việc xuất khẩu sang các thị trường này rất khó khăn. Do đó, dự báo nhu cầu về vốn của doanh nghiệp sẽ còn chững lại. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tín dụng sẽ còn tăng trưởng ở mức thấp trong thời gian tới.

Ngoài ra theo TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, tín dụng tăng trưởng thấp một phần cũng bởi khả năng đáp ứng điều kiện để vay vốn cũng như khả năng trả nợ thấp, các ngân hàng lo nợ xấu nên rất thận trọng không dám mạnh tay cho vay.

Tăng trưởng tín dụng có thể sớm hồi phục - Ảnh 1
NHNN sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Nỗi lo sợ trên đang dần trở thành thực tế khi tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng đang có xu hướng tăng, buộc họ phải tăng trích lập dự phòng để bao nợ xấu. Lãnh đạo Sacombank cho biết, 5 tháng đầu năm nay, ngân hàng này trích lập dự phòng rủi ro trên 1.500 - 1.700 tỷ đồng. Quỹ dự phòng rủi ro của Sacombank đến thời điểm này đã lên đến 4.000 - 5000 tỷ đồng. Ngay cả một ngân hàng luôn có mức tăng trưởng tín dụng tốt nhất hệ thống cả về con số lẫn quy mô là Vietcombank cũng đang sụt giảm dư nợ tín dụng. Đến hết tháng 5/2020, tín dụng Vietcombank cũng chỉ tăng 3% so với đầu năm nay. Chủ tịch HĐQT Vietcombank Nghiêm Xuân Thành lý giải tín dụng tăng trưởng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cầu vốn khách hàng không cao, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm. Trong khi đó ngân hàng cũng khó hạ chuẩn cho vay, ngược lại còn kiểm soát chặt chất lượng tín dụng để hạn chế nợ xấu.

Không tiết lộ kết quả cụ thể tình hình tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này, nhưng Tổng giám đốc MB Lưu Trung Thái cũng thừa nhận, kế hoạch tăng trưởng tín dụng 12% là mục tiêu thách thức đối với ngân hàng do dịch bệnh diễn ra phức tạp, nếu không được kiểm soát tốt còn có thể bùng phát trở lại.

Tín hiệu tích cực

Bên cạnh các ngân hàng gặp khó trong tăng trưởng tín dụng, trên thị trường cũng có nhiều ngân hàng vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Đơn cử HDBank, Tổng giám đốc ngân hàng này cho biết đến hết quý I/2020, dư nợ hợp nhất tăng 5,92% đây cũng là mức tăng khả quan. Tại TPBank cũng khả quan khi mà đến hết quý I/2020, dư nợ tín dụng tăng 19% so với cùng kỳ đạt trên 111 nghìn tỷ đồng. Hay như Sacombank gần 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng của ngân hàng tăng xấp xỉ 6%. Do hạn mức tín dụng của Sacombank được cấp đầu năm nay chỉ có 9% nên ngân hàng này đã trình xin NHNN nới room tín dụng lên 14%.

OCB cũng là một trong những ngân hàng đã sử dụng hết room tín dụng được cho phép và đã nộp đơn xin NHNN xem xét nới room. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cũng cho biết, NHNN đã chấp thuận cho cổ đông nước ngoài góp vốn vào ngân hàng này, tạo điều kiện để OCB nâng vốn điều lệ lên 25%. “NHNN có tăng room lên 40% thì ngân hàng vẫn đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn. Nên ngân hàng cũng hy vọng NHNN xét duyệt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng ở mức cao”, ông Tùng bày tỏ.

Việc các ngân hàng xin nới room hoặc giữ mục tiêu tăng trưởng cao, theo một thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, vẫn hoàn toàn khả thi. “Sắp tới đây có thể làn sóng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng Hiệp định thương mại Việt Nam – châu Âu, mặt khác chạy khỏi Trung Quốc, cũng thể hiện độ tin cậy của họ đối với môi trường đầu tư của Việt Nam. Việc tạo ra đà phục hồi vị thế lòng tin NĐTNN cho phép dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam trong những năm tới khởi sắc hơn trong những năm vừa qua”, vị này nhận định.

Có quan điểm tương đồng, Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng cho rằng, khi vốn FDI đổ mạnh vào Việt Nam một số ngành như công nghiệp, công nghiệp phụ trợ… sẽ có cơ hội phát triển mạnh theo. Theo đó, có thể tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động, hồi phục sức mua trong xã hội, cầu đầu tư tín dụng, tiêu dùng cũng sẽ tăng theo. “Với những tín hiệu tích cực trên, tôi hy vọng, kinh tế hồi phục nhanh dẫn đến nhu cầu vay vốn tăng theo. Có thể bước sang quý IV/2020, tăng trưởng tín dụng sẽ bật lên”, ông Tùng bày tỏ kỳ vọng. Tuy nhiên, lãnh đạo OCB cho rằng, tín dụng tăng không đều ở tất cả lĩnh vực mà ở một số ngành như sản xuất công nghiệp, phụ trợ... Còn lại tín dụng xuất nhập khẩu vẫn có thể gặp khó.

Đồng tình khả năng tín dụng những tháng cuối năm tăng tốt hơn do được hỗ trợ nhiều yếu tố: DN bắt đầu có dấu hiệu hồi phục, quy luật mùa vụ nhu cầu vốn thường tăng mạnh cuối năm, bên cạnh đó NHNN hỗ trợ giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng tích cực giảm lãi suất cho vay... Nhưng TS. Nguyễn Trí Hiếu tỏ ra thận trọng khi đánh giá: Tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp. Thế giới như vậy làm sao Việt Nam miễn nhiễm được khủng hoảng. Do vậy, tình trạng phục hồi của Việt Nam như thế nào tùy thuộc rất nhiều vào kinh tế thế giới trong thời gian sắp tới... 

Về phía NHNN cho biết sẽ điều hành tín dụng linh hoạt, phù hợp, bám sát tình hình thực tế và phục vụ mục tiêu cuối cùng là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh tăng trưởng tín dụng phải đi cùng với việc kiểm soát được rủi ro.