Tạo bước chuyển trong quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước
Công tác quản lý và điều hành ngân quỹ nhà nước (NQNN) của Kho bạc Nhà nước (KBNN) thời gian qua đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần gắn kết chặt chẽ quản lý ngân sách, quản lý nợ với quản lý ngân quỹ; đồng thời, tạo bước chuyển quan trọng trong quản lý nguồn lực tài chính nhà nước, đảm bảo cho thị trường tiền tệ và tài khóa hoạt động lành mạnh, ổn định.
Thực tiễn cho thấy, quá trình quản lý, điều hành NQNN luôn đòi hỏi hệ thống KBNN phải tăng cường hoàn thiện các mặt hoạt động nghiệp vụ. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý cho công tác quản lý NQNN thì khung quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN cũng được KBNN xây dựng và triển khai, đảm bảo việc quản lý NQNN an toàn, hiệu quả. Tài khoản thanh toán tập trung của KBNN nước cũng được xây dựng và vận hành từ tháng 11/2019 làm cơ sở cho việc điều hành NQNN tập trung, thống nhất, nâng cao khả năng thanh khoản và đáp ứng kịp thời, đầy đủ mọi nhu cầu thanh toán, chi trả của ngân sách nhà nước (NSNN) và các đơn vị giao dịch; đồng thời, tạo thuận lợi cho việc điều hành chính sách tiền tệ, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đặc biệt, KBNN đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý NQNN như: Thực hiện gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại (NHTM) thông qua phương thức đấu thầu điện tử, ký phụ lục hợp đồng điện tử trên chương trình quản lý NQNN; thực hiện nghiệp vụ đấu thầu mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ (TPCP) trên hệ thống giao dịch công cụ nợ của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; tổ chức đấu thầu mua ngoại tệ từ các NHTM... Từ đó, đảm bảo việc quản lý NQNN được công khai, minh bạch và theo nguyên tắc thị trường.
Hiệu quả quản lý NQNN còn được nâng cao thông qua việc sử dụng nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi theo quy định như: Tạm ứng/ cho vay cho ngân sách trung ương (NSTW), ngân sách cấp tỉnh khi nguồn thu gặp khó khăn hoặc để hỗ trợ cân đối NSTW; tổ chức gửi có kỳ hạn NQNN tạm thời nhàn rỗi tại các NHTM; thực hiện nghiệp vụ mua lại có kỳ hạn TPCP.
Đối với ngân sách trung ương, việc NSTW thực hiện vay NQNN trong giai đoạn 2016-2020 đã đáp ứng được nhu cầu cân đối của NSTW trong bối cảnh giảm nợ vay nước ngoài, tăng huy động từ nguồn vay trong nước.
Đối với ngân sách cấp tỉnh, việc tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh giúp địa phương có thêm một kênh huy động vốn ngắn hạn mang lại nhiều lợi ích, giúp địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn khi nguồn thu chưa tập trung kịp; đồng thời, tiết kiệm chi phí cho ngân sách địa phương so với việc huy động từ các nguồn lực khác.
Đối với nghiệp vụ gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM, đến nay, cùng với các khoản thu nghiệp vụ tiền tệ khác đã tạo ra nguồn tài chính để KBNN vừa thực hiện cải cách hiện đại hóa ngành, vừa đóng góp nguồn thu cho NSNN…
Gắn kết chặt chẽ công tác quản lý NQNN với chính sách tài khóa như huy động vốn thông qua phát hành TPCP. Trong giai đoạn 2015 - 2020, tồn NQNN tại KBNN cao do một số nguồn chưa thực hiện chi trong năm ngân sách như nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương, chuyển nguồn chưa chi của ngân sách các cấp hàng năm, nguồn tăng thu tiết kiệm chi của các địa phương chưa được phân bổ… Trước tình hình đó KBNN đã báo cáo Bộ Tài chính giảm nhiệm vụ phát hành TPCP và sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để cho NSTW vay khi thị trường gặp khó khăn. Theo đó, số sử dụng NQNN để cho NSTW vay đã tăng dần từ 157.162 tỷ đồng vào năm 2015 lên 288.865 tỷ đồng vào tháng 12/2021; ngoài ra, NQNN tạm thời nhàn rỗi còn được sử dụng để xử lý thiếu hụt tạm thời NSTW khi có phát sinh chênh lệch thu - chi, giúp NSTW giảm được khối lượng phát hành TPCP và giảm được chi trả lãi vay hàng ngàn tỷ đồng.
Nhìn chung, việc quản lý NQNN an toàn, hiệu quả, đã giúp KBNN tham gia tích cực hơn vào thị trường tài chính, tiền tệ; đồng thời, tăng cường vai trò và vị thế của KBNN trong hệ thống tài chính nhà nước. Kết quả đạt được tuy tích cực song trong thực tiễn cải cách công tác quản lý NQNN thời gian qua còn bộc lộ một số hạn chế như: Chất lượng dự báo luồng tiền chưa cao; quy định về việc sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi, vay bù đắp NQNN và cơ chế xử lý rủi ro hiện nay còn chưa rõ ràng, chưa tiệm cận thông lệ quốc tế...
Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, hạn chế tối đa những tồn tại, vướng mắc, thời gian tới, hệ thống KBNN nói chung, công tác quản lý NQNN nói riêng phải tiếp tục bám sát các chỉ đạo, Chính phủ và Bộ Tài chính tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, đẩy mạnh cải cách, tiếp tục hoàn thiện về cơ chế chính sách theo hướng công khai, minh bạch và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin. Đồng thời, tập trung rà soát, luật hóa một số quy định hiện nay đang được quy định ở các nghị định; sửa đổi, bổ sung để làm rõ và pháp lý hóa cao hơn một số nội dung quy định về quản lý NQNN tại Luật NSNN năm 2015.
Hai là, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung ngày 05/4/2016 của Chính phủ về Quy định chế độ quản lý NQNN và các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, để thống nhất với các quy định sửa đổi tại Luật NSNN năm 2015.
Ba là, hoàn thiện các quy định về dự báo luồng tiền, phương án điều hành NQNN, sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi, xử lý NQNN tạm thời thiếu hụt và quản lý rủi ro.
Bốn là, hoàn thiện cơ chế mở và sử dụng tài khoản của KBNN tại ngân hàng theo hướng mở rộng hệ thống NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán; bổ sung quy định KBNN cấp tỉnh, KBNN cấp huyện được mở thêm tài khoản thanh toán tại NHTM; xây dựng cơ sở pháp lý cho việc hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN trong thời gian tới.
Năm là, hoàn thiện cơ chế dự báo luồng tiền, cơ chế cho vay, tạm ứng NQNN; cơ chế gửi tiền có kỳ hạn tại NHTM; cơ chế mua lại có kỳ hạn TPCP; cơ chế quản lý rủi ro đối với hoạt động quản lý NQNN; đồng thời, hoàn thiện các cơ chế chính sách có liên quan khác như cơ chế quản lý nợ, chính sách về phát triển thị trường tài chính…