Tạo bứt phá trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu

PV.

Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng được triển khai một cách bài bản và có lộ trình từ 3 năm nay, đạt những kết quả đáng khích lệ. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém nhằm nhanh chóng tạo được thế vững chắc cho hệ thống ngân hàng. Với những điểm sáng nền kinh tế vĩ mô đã tạo đà cho chặng nước rút đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngân hàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tái cơ cấu ngân hàng đạt nhiều kết quả khả quan

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ: Tiếp tục thực hiện kiên định tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, đạt được sức cạnh tranh. Cùng với tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được thực hiện quyết liệt để hoạt động hiệu quả hơn, đưa khu vực này cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Trong tái cơ cấu ngân hàng, đến năm 2016 sẽ không còn ngân hàng yếu kém, đưa nợ xấu còn 3%.

Thực hiện chủ trương này, hệ thống ngân hàng trong thời gian qua đã triển khai mạnh mẽ và quyết liệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” và đạt được những kết quả bứt phá.

Sau ba năm nhìn lại tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu (từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015), hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức rất cao những năm trước vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Theo nhận định của PGS.TS Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, mục tiêu chính Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” (Đề án 254) đặt ra là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Đề án 254 cũng xác định rõ kết quả cơ cấu lại đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là tiền đề để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Nhằm triển khai một số nội dung của Đề án 254, NHNN đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Với tất cả nỗ lực và giải pháp của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, một khối lượng lớn nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện.

Bên cạnh đó, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, lần tái cấu trúc thứ nhất chủ yếu xử lý nợ xấu trong ngân hàng quốc doanh. Lúc bấy giờ, biện pháp chủ yếu là xóa nợ. Lần thứ 2 phức tạp hơn vì cấu trúc ngân hàng nhiều thành phần hơn. Chính phủ có đề án tương đối quy mô với thời hạn tương đối kéo dài là 5 năm. Cho đến giờ phút này, về nguyên tắc, hai lần tái cấu trúc không được phép thay đổi các luật lệ hiện hành.

Xu hướng tái cấu trúc ngân hàng trong thời gian tới

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển quan trọng, song đánh giá một cách khách quan hệ thống ngân hàng Việt Nam còn nhiều tồn tại, hạn chế về khả năng cạnh tranh, năng lực tài chính, quản trị, công nghệ và nhân lực cần phải khắc phục nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế trong giai mới ở trình độ cao hơn. Việc tái cấu trúc hệ thống NHTM trong thời gian tới nên tập trung thêm vào các vấn đề sau:

Một là, phát triển một hệ thống ngân hàng đa dạng về sở hữu, quy mô và loại hình nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của nền kinh tế về dịch vụ ngân hàng từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Về quy mô, hệ thống ngân hàng có các ngân hàng lớn đủ sức cạnh tranh trong khu vực; có các ngân hàng lớn làm trụ cột trong hệ thống ngân hàng; có những ngân hàng vừa và nhỏ, TCTD phi ngân hàng hoạt động có hiệu quả trong một phân khúc thị trường thích hợp và đáp ứng nhu cầu dịch vụ ngân hàng mỗi tầng lớp trong xã hội.

Hai là, đảm bảo nâng cao tính an toàn, lành mạnh của hệ thống ngân hàng.

Ba là, việc sáp nhập, hợp nhất ngân hàng theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan.

Bốn là, tái cơ cấu ngân hàng được triển khai dưới nhiều hình thức, biện pháp và theo lộ trình thích hợp. Căn cứ vào đặc điểm của từng ngân hàng cụ thể sẽ có hình thức và biện pháp hợp lý.

M&A ngân hàng là xu hướng tất yếu khách quan hiện nay để nâng cao khả năng cạnh tranh. M&A ngân hàng đem lại giá trị gia tăng lớn hơn so với khi các ngân hàng đứng riêng rẽ nhờ đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô lớn hơn, tăng uy tín, thương hiệu, giảm chi phí, khai thác tối đa lợi thế kinh doanh của các bên tham gia, phát triển cơ sở khách hàng, mạng lưới phân phối,… Do đó, xu hướng M&A ngân hàng có thể xảy giữa các ngân hàng lớn với nhau, giữa ngân hàng lớn và ngân hàng nhỏ, giữa các ngân hàng nhỏ với nhau.

Bên cạnh đó, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp hiện nay tương đối đồng bộ, hoàn chỉnh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng khoán. Lĩnh vực ngân hàng còn có Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Luật Các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, NHNN sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho các ngân hàng có nguyện vọng sáp nhập, hợp nhất.