Bảo hiểm Xã hội Việt Nam

Tạo chuyển biến trong thực hiện Đề án 06

Nguyễn Linh

Nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030), Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã lập kế hoạch triển khai Đề án này trong toàn Ngành; nhờ đó, trở thành số ít đơn vị tham gia kết nối, đồng bộ, xác thực dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tích cực thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động nghiệp vụ

Để lan tỏa các chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) nhanh chóng vào thực tiễn cuộc sống, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, xây dựng, liên thông, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong toàn Ngành.

BHXH Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) của trên 98 triệu dân và hộ gia đình; kết nối trực tuyến với 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; xử lý và tiếp nhận gần 300 triệu lượt hồ sơ hàng năm (trong đó, trung bình mỗi năm có khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT). Việc kết nối, đồng bộ, xác thực với CSDL quốc gia về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng.

Cơ sở khám chữa bệnh xử lý và tiếp nhận trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.
Cơ sở khám chữa bệnh xử lý và tiếp nhận trung bình mỗi năm khoảng 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Trong quá trình triển khai Đề án 06 mặc dù thời gian đầu còn gặp không ít khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao của ngành BHXH Việt Nam và Bộ Công an đến nay đã đạt được một số kết quả nổi bật theo kế hoạch của Đề án 06. 

Sau một thời gian triển khai, đến nay đã hoàn thành kết nối kỹ thuật để chia sẻ, đồng bộ, xác thực dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư với trên 71 triệu nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư trên tổng số 85,4 triệu người tham gia.

BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Công an để tiến tới đồng bộ tiệm cận 100% dữ liệu; hoàn thành việc sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) và ứng dụng định danh điện tử quốc gia (VNEID) để người dân đi khám chữa bệnh BHYT.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay có 12.024 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chip (đạt tỷ lệ gần 94%), với gần 9 triệu lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. 

BHXH Việt Nam và Bộ Công an đã tích hợp thông tin người tham gia BHYT trên ứng dụng VNEID để người dân cũng có thể sử dụng để đi khám chữa bênh, góp phần tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người dân.

Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06 gồm: Tích hợp, cung cấp dịch vụ gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình có giảm trừ mức đóng từ tháng 7/2022.

Nếu chỉ 50% số người tham gia BHYT theo hộ gia đình thực hiện gia hạn trực tuyến thì tiết kiệm được chi phí tuân thủ thủ tục hành chính cho người dân, xã hội hàng năm rất lớn, vào khoảng hơn 850 tỷ đồng.

Hoàn thành tái cấu trúc quy trình, ban hành dịch vụ công trực tuyến chi trả trợ cấp thất nghiệp trên môi trường điện từ (trước đây người dân phải đến Trung tâm dịch vụ việc làm để nộp tờ khai kèm sổ BHXH; hiện nay thì chỉ cần lập tờ khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia của Văn phòng Chính phủ, sau đó tự động chuyển BHXH Việt Nam xác thực và cấp bản điện tử xác nhận quá trình tham gia BHTN để Trung tâm Dịch vụ việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ra quyết định và BHXH Việt Nam chi trả tự động, cấp thẻ BHYT...

Từ 21/11/2022, BHXH Việt Nam đã cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan thí điểm triển khai tại 2 địa phương (Hà Nội và Hà Nam).

Tính đến nay, thông qua 2 nhóm dịch vụ công liên thông, BHXH TP. Hà Nội và BHXH tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận và giải quyết cho gần 3.000 lượt hồ sơ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết hưởng trợ cấp mai táng phí.

Về chia sẻ dữ liệu khám sức khỏe phục vụ việc cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, BHXH Việt Nam đã nâng cấp Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT đáp ứng yêu cầu tình hình thực tiễn

Cụ thể, bổ sung chức năng cho phép cơ sở y tế đăng ký tài khoản, đăng ký chữ ký số để phục vụ việc gửi dữ liệu khám sức khỏe lên Cổng tiếp nhận dữ liệu Hệ thống thông tin giám định BHYT. 

Mở rộng triển khai tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc

Bên cạnh thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trên, thời gian qua, BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp với Bộ Công an triển khai công nghệ xác thực sinh trắc dựa trên thông tin sinh trắc được tích hợp trên CCCD gắn chip để hạn chế và ngăn chặn trục lợi khi đóng, hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.

Đồng thời, BHXH Việt Nam đã triển khai thí điểm công nghệ xác thực sinh trắc tại

một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Bình, Bệnh viện Đa khoa Đồng Hới) và TP. Hà Nội (tại Bệnh viện An Việt); triển khai xác thực sinh trắc trong tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại Bộ phận một cửa của Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương và BHXH quận Đống Đa (Hà Nội).

BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06.
BHXH Việt Nam đã chủ trì và phối hợp hoàn thành cung cấp các dịch vụ công trực tuyến thiết yếu được giao tại Đề án 06.

Trong quá trình thử nghiệm công nghệ này đã mang lại hiệu quả rất tích cực, được cán bộ trong ngành BHXH Việt Nam đánh giá cao về tính khả thi trong ngăn chặn tình trạng trục lợi chính sách BHXH, BHYT và gia tăng thêm tiện ích cho người dân để phòng, ngừa và phát hiện trục lợi.

Cũng theo BHXH Việt Nam, mới đây, qua kiểm tra thông tin sinh trắc (dùng thiết bị đối chiếu vân tay lưu trong chip của CCCD và vân tay của người đến làm thủ tục) tại Bộ phận "Một cửa" của Văn phòng BHXH tỉnh Bình Dương đã phát hiện trường hợp sử dụng CCCD giả đến làm thủ tục hưởng BHXH một lần mà nếu dùng mắt thường thì không thể nhận biết được.

Hiện nay, cơ quan BHXH đã thành lập tổ công tác để tiến hành kiểm tra tại địa phương và đang phối hợp với cơ quan Công an để điều tra, xử lý đối tượng này.

Trong quá trình triển khai thí điểm đơn vị này đã ghi nhận một số vướng mắc và đề xuất một số nội dung phục vụ mở rộng triển khai tích hợp công nghệ xác thực sinh trắc.

Tại cơ sở khám chữa bệnh BHYT, các cơ sở khám chữa bệnh cần trang bị đầu đọc sinh trắc và mở rộng các ứng dụng liên quan (BHXH Việt Nam và Bộ Công An đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật để triển khai).

Tại các bộ phận một cửa của cơ quan BHXH địa phương, BHXH Việt Nam đã thực hiện rà soát nhu cầu sử dụng và đang đưa vào kế hoạch trang bị đầu đọc CCCD gắn chip tích hợp sinh trắc trong năm 2023.

Dự kiến, sau ngày 31/12/2022, BHXH Việt Nam thực hiện tổng kết quá trình thí điểm và báo cáo, đề xuất phương án cụ thể…

Tin tưởng rằng, với nỗ lực vượt khó tham gia của cán bộ, công chức, viên chức cùng với sự đồng thành của Bộ Công an và các bộ, ngành địa phương, BHXH Việt Nam sẽ tạo chuyển biến tích cực hơn nữa và đạt được mục tiêu đề ra trong triển khai Đề án 06./.