Sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi:

Tạo cơ sở pháp lý cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phát huy vai trò đối với hệ thống ngân hàng

TS. Đỗ Đức Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội

Luật Bảo hiểm tiền gửi (BHTG) số 06/2012/QH13 ngày 18/6/2012 có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Sau hơn 10 năm thi hành, một số quy định của Luật không còn phù hợp với thực tiễn, cần kịp thời sửa đổi, bổ sung. Để góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, cần làm rõ thêm cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý và định hướng sửa đổi Luật BHTG.

Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Cơ sở lý luận sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi

Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được BHTG trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản. Người được BHTG là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia BHTG. Tổ chức tham gia BHTG là tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật Các TCTD được nhận tiền gửi của cá nhân.

Sự phát triển của tổ chức BHTG góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Kiên trì mục tiêu thống nhất của hệ thống BHTG là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Tăng cường vai trò của tổ chức BHTG trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG yếu kém gắn với xử lý nợ xấu.

Trong bối cảnh Chính phủ đang triển khai đồng bộ các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, BHTG Việt Nam đóng góp vai trò hướng tới việc bảo vệ người tiêu dùng tài chính nói chung và người gửi tiền nói riêng.

Liên Hợp quốc xác định, tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt được 7/17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Nhóm G20 xác định tài chính toàn diện là một trong những trụ cột chính trong định hướng phát triển của mình. Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột cho tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực. Đến nay, có hơn 80 quốc gia trên thế giới đã và đang triển khai chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Theo Bộ nguyên tắc cơ bản phát triển hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiệu quả của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi quốc tế, tổ chức bảo hiểm tiền gửi bảo vệ quyền lợi người gửi tiền qua 04 nghiệp vụ chính: (1) Thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng, (2) giám sát và kiểm tra tại chỗ, (3) tham gia kiểm soát đặc biệt, và (4) chi trả.

Như vậy, tổ chức BHTG góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, bằng cách củng cố niềm tin của người gửi tiền vào tổ chức tài chính và góp phần đảm bảo an toàn hệ thống tài chính - ngân hàng, qua đó khuyến khích người dân tiết kiệm nhiều hơn.

Về nghiệp vụ thông tin tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức công chúng: Nâng cao nhận thức công chúng là một trong 04 nghiệp vụ chính của tổ chức BHTG nhằm bảo vệ người gửi tiền, góp phần nâng cao niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống tài chính, đồng thời nâng cao hiểu biết về quyền lợi bảo hiểm của người gửi tiền, khuyến khích họ sử dụng dịch vụ tài chính chính thống, hợp pháp, qua đó góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện.

Về nghiệp vụ giám sát từ xa, kiểm tra tại chỗ: BHTG Việt Nam bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền qua việc triển khai các nghiệp vụ chuyên môn bảo hiểm tiền gửi như: giám sát thường xuyên và kiểm tra định kỳ nhằm phát hiện và kiến nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xử lý kịp thời những vi phạm quy định về BHTG và an toàn trong hoạt động ngân hàng...

Về nghiệp vụ tham gia kiểm soát đặc biệt: Tăng cường sự tham gia của BHTG Việt Nam trong xử lý TCTD yếu kém qua nghiên cứu, đề xuất các biện pháp xử lý... Gần đây nhất, Luật Các TCTD năm 2024 quy định rõ hơn về nhiệm vụ, vai trò của BHTG Việt Nam tham gia hiệu quả hơn vào quá trình cơ cấu lại các TCTD, làm cơ sở để BHTG Việt Nam góp phần duy trì sự ổn định của các TCTD, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Về nghiệp vụ chi trả: Trong trường hợp phát sinh nghĩa vụ chi trả bảo hiểm tiền gửi của BHTG Việt Nam đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, BHTG Việt Nam sẽ thực hiện nghiệp vụ chi trả BHTG cho người gửi tiền được bảo hiểm.

Cơ sở chính trị, pháp lý và định hướng sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi

Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20/10/2021 của Đảng đoàn Quốc hội định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026)

Đề án đề ra nhiệm vụ: "Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, bảo đảm để các quy định về hoạt động của NHNN đồng bộ với quy định của các luật có liên quan, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu, nhằm nâng cao năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, năng lực quản trị, điều hành của các TCTD. Có chính sách thúc đẩy phát triển hệ thống các TCTD, nhất là các TCTD trong nước đóng vai trò chủ lực, hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025; đẩy mạnh cơ cấu lại dịch vụ ngân hàng trên cơ sở tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Nhiệm vụ lập pháp cần triển khai là nghiên cứu, rà soát Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Bảo hiểm tiền gửi”.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024

Trên cơ sở quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, qua nghiên cứu, thảo luận các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG bước đầu dự kiến gồm 05 chính sách cụ thể như sau: (i) Chính sách 1: Hoàn thiện quy định về phí BHTG; (ii) Chính sách 2: Nâng cao năng lực tài chính, hoạt động của tổ chức BHTG; (iii) Chính sách 3: Bổ sung quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG; (iv) Chính sách 4: Hoàn thiện quy định pháp luật để BHTG Việt Nam tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu TCTD yếu kém tại Việt Nam; (v) Chính sách 5: Hoàn thiện quy định về trả tiền bảo hiểm.

Tuy nhiên, Luật Các TCTD năm 2024 được ban hành đã tác động lớn đến một số nội dung trong 05 chính sách đề xuất dự kiến trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nêu trên do một số nội dung liên quan đến BHTG, nhiệm vụ của tổ chức BHTG cần được rà soát, đề xuất đưa vào Luật BHTG để có cơ sở triển khai.

Trên cơ sở quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, BHTG Việt Nam nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung đối với từng chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, đánh giá thực trạng, khó khăn, vướng mắc khi triển khai, đề xuất sửa đổi, bổ sung từng điều khoản cụ thể tại Luật BHTG, đánh giá tác động của nội dung đề xuất, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế... Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở cho BHTG Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG theo yêu cầu của NHNN.

Qua rà soát, ngoài những nội dung đề xuất để giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật BHTG, một số nội dung lớn chịu sự tác động của Luật Các TCTD năm 2024 cần được nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật BHTG như sau:

* Về phí bảo hiểm tiền gửi

Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTG Việt Nam xây dựng phương án tăng phí BHTG để bù đắp phần vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt. Nội dung này cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG do có tác động trực tiếp tới hoạt động của tổ chức tham gia BHTG.

* Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm

Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTG Việt Nam phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt. Do vậy, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm cụ thể, rõ ràng, thống nhất với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, để có sơ sở triển khai trong thực tế.

* Về hạn mức trả tiền bảo hiểm

Luật Các TCTD năm 2024 quy định BHTG Việt Nam tham gia đề xuất NHNN trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả BHTG cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại quỹ tín dụng nhân dân.

Hiện nay, số tiền tối đa tổ chức BHTG trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật BHTG (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia BHTG khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125 triệu đồng (theo Quyết định số 32/2021/QĐ-TTg ngày 20/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Như vậy, với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 thì hạn mức trả tiền bảo hiểm có thể thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm (125 triệu đồng), có thể thực hiện theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng trường hợp cụ thể, tối đa có thể chi trả toàn bộ. Trường hợp chi trả toàn bộ, khả năng tài chính của BHTG Việt Nam có thể sẽ không đáp ứng được.

Do đó, cần nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về hạn mức trả tiền bảo hiểm để phù hợp, triển khai Luật Các TCTD năm 2024 hiệu quả, kịp thời bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, phù hợp với năng lực tài chính của BHTG Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế.

* Về một số nhiệm vụ của BHTG Việt Nam

Một số nhiệm vụ của BHTG Việt Nam khi tham gia vào quá trình can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt TCTD được quy định tại Luật Các TCTD năm 2024 như: tham gia đánh giá tính khả thi phương án phục hồi, phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp của quỹ tính dụng nhân dân; cho vay đặc biệt đối với ngân hàng thương mại, ngân hàng hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô theo quy định của pháp luật về BHTG; mua trái phiếu dài hạn của TCTD nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại theo quyết định của NHNN; tham gia xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, phối hợp với TCTD để chi trả BHTG cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt; sử dụng tiền trả nợ vay đặc biệt của TCTD, nguồn thu từ bán giấy tờ có giá do BHTG Việt Nam nắm giữ, từ thanh lý tài sản của TCTD vay đặc biệt, phí BHTG để ưu tiền hoàn trả nợ vay đặc biệt cho NHNN.

Do vậy, để BHTG Việt Nam có cơ sở thực thi nhiệm vụ, để đồng bộ với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, những quy định về nhiệm vụ của BHTG Việt Nam nêu trên cần được đưa vào nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. Trong đó, đối với nhiệm vụ cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn cần quy định cụ thể để BHTG Việt Nam có cơ sở triển khai trong thực tế như quy định về trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục, thẩm quyền, nguồn tiền, xử lý tổn thất của việc cho vay đặc biệt, mua trái phiếu dài hạn. Những nội dung này cần thiết đưa vào nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và các văn bản hướng dẫn Luật.

Đối với việc vay đặc biệt NHNN trong trường hợp số tiền trong quỹ dự phòng nghiệp vụ của BHTG Việt Nam không đủ để chi trả cho người gửi tiền theo phương án phá sản đã được phê duyệt, để có cơ sở triển khai, cần có quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của tổ chức BHTG liên quan đến vay đặc biệt NHNN để đảm bảo đồng bộ với Luật Các TCTD năm 2024, đồng thời quy định rõ trường hợp, điều kiện, trình tự, thủ tục vay đặc biệt NHNN; nguồn tiền trả nợ vay đặc biệt NHNN.

Trong thời gian tới, BHTG Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, cập nhật những văn bản hướng dẫn Luật, để kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản nội bộ; tiếp tục phối hợp với Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng thuộc NHNN để nghiên cứu, rà soát, chỉnh sửa các chính sách đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG, đảm bảo đồng bộ với quy định tại Luật Các TCTD năm 2024, đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy định của Luật BHTG, từ đó tạo khung pháp lý đầy đủ để BHTG Việt Nam thực hiện tốt nhất mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Quyết định khẳng định quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đó là: “Tăng cường nghiên cứu, áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào hoạt động bảo hiểm tiền gửi và các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao là những thành tố then chốt cho sự phát triển nhanh và bền vững của tổ chức bảo hiểm tiền gửi”.

Mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam. Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.

Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế. Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý.

Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG. Trên cơ sở đó, Chính phủ đề ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó có định hướng sửa đổi Luật BHTG, cụ thể là:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật BHTG. Hoàn thiện quy định về chế độ tài chính của tổ chức BHTG. Hoàn thiện khung pháp lý và quy trình thực hiện cấp, thu hồi và quản lý chứng nhận tham gia BHTG. Hoàn thiện quy trình cấp chứng nhận BHTG đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả công tác cấp chứng nhận BHTG, đảm bảo quyền lợi của tổ chức tham gia BHTG. Đề xuất sửa đổi, bổ sung nội dung về niêm yết Chứng nhận tham gia BHTG cho phù hợp với thực tế. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nội dung quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức BHTG trong việc hỗ trợ chức năng kiểm tra, giám sát của NHNN đối với quỹ tín dụng nhân dân.

Thứ hai, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG về trách nhiệm của tổ chức tham gia BHTG trong việc tính và nộp phí BHTG. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nhằm: (i) Đảm bảo ngăn chặn tình trạng trục lợi bảo hiểm tiền gửi, nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa tổ chức BHTG và các cơ quan liên quan; (ii) Tạo hành lang pháp lý để tổ chức BHTG tham gia thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG nhằm tối đa hóa giá trị thu hồi. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật BHTG nội dung quy định tổ chức tham gia BHTG có trách nhiệm phối hợp với tổ chức BHTG tuyên truyền chính sách BHTG. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế bảo vệ pháp lý cho tổ chức và cá nhân làm việc cho tổ chức BHTG trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thứ ba, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp luật để tăng vốn điều lệ cho tổ chức BHTG lên 10.000 tỷ đồng vào năm 2025 và lên 15.000 tỷ đồng vào năm 2030 từ nguồn tự tích lũy và các nguồn vốn hợp pháp khác nhằm đảm bảo năng lực tài chính của tổ chức BHTG, khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG, đảm bảo nguồn lực triển khai hiệu quả hoạt động BHTG.

Tăng cường năng lực tài chính thông qua việc cho phép tổ chức BHTG đa dạng hóa hình thức và danh mục đầu tư gồm: (i) Mua và bán trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; (ii) Gửi tiền tại ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt; (iii) Mua và bán trái phiếu, kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi do các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt phát hành; (iv) Mua, bán trái phiếu chính quyền địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý nợ công, các văn bản hướng dẫn và được xếp hạng tín nhiệm cao. Bổ sung hình thức vay từ NHNN Việt Nam trong trường hợp nguồn vốn của tổ chức BHTG không đủ để trả tiền bảo hiểm.

NHNN Việt Nam có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan đề xuất Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG. BHTG Việt Nam có trách nhiệm rà soát, đề xuất NHNN Việt Nam báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật BHTG.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng đoàn Quốc hội (2021), Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (2021-2026).
  2. TS. Phạm Bảo Khánh - Thành viên Hội đồng quản trị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2024), Vai trò của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trong thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, https://div.gov.vn/vai-tro-cua-bao-hiem-tien-gui-viet-nam-trong-thuc-day-tai-chinh-toan-dien-tai-viet-nam, cập nhật ngày 09/8/2024.
  3. Phòng Pháp chế - Trụ sở chính Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (2024), Báo cáo tham luận “Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng, thực hiện Kế hoạch triển khai quy định tại Luật Các TCTD năm 2024; nghiên cứu, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi” tại Hội nghị sơ kết công tác 06 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2024 của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Hà Nội, ngày 08 tháng 7 năm 2024.
  4. Thủ tướng Chính phủ (2022), Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
  5. Văn phòng Quốc hội (2019), Văn bản hợp nhất Luật Bảo hiểm tiền gửi số 06/2012/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 32/2013/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, số 31/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Văn phòng Quốc hội.