Ứng dụng công nghệ trong công tác giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi
Giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là một trong những nghiệp vụ quan trọng của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) theo các quy định pháp luật về BHTG và quy định về an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhằm phát hiện các rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
Trải qua gần 25 năm, cùng với sự phát triển của BHTGVN, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý, giám sát các tổ chức tham gia BHTG đã liên tục phát triển và ghi nhận nhiều bước tiến quan trọng.
Hoạt động giám sát tại Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam
Về pháp lý, hoạt động giám sát của BHTGVN được quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi 06/2012/QH13; Quyết định 1394/QĐ-TTg ngày 13/08/2013 thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của BHTGVN; Quyết định 1395/QĐ-TTg phê duyệt Điều lệ về tổ chức và hoạt động của BHTGVN; Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28/06/2013; Thông tư số 24/2014/TT-NHNN ngày 06/9/2014 hướng dẫn một số nội dung về hoạt động BHTG; Thông tư số 34/2016/TT-NHNN ngày 08/12/2016 quy định việc cung cấp thông tin giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và BHTGVN…
Nội dung cơ bản về mục tiêu của hoạt động giám sát và phương pháp giám sát là: thu thập, tổng hợp, xử lý thông tin giám sát để phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm, quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng. Nội dung này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
Chuyển đổi số trong hoạt động giám sát tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi - cơ hội và thách thức
Hiện nay, chuyển đổi số được xem là một trong những yếu tố tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho các ngân hàng, nhưng đồng thời cũng đặt ra cho cơ quan quản lý trong việc giám sát hiệu quả hoạt động và ngăn ngừa rủi ro có thể phát sinh. Đối với hoạt động giám sát, NHNN đã nghiên cứu triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin quản lý, giám sát các tổ chức tín dụng và triển khai xây dựng công cụ giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ.
Trong tiến trình chuyển đổi số chung của ngành Ngân hàng, BHTGVN đã và đang từng bước triển khai chuyển đổi số một cách đồng bộ trên tất cả các mặt hoạt động. Nội dung này được đề cập trong Chiến lược Phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, BHTGVN đã ban hành các văn bản triển khai chuyển đổi số trong toàn hệ thống Bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, BHTGVN đẩy mạnh đổi mới và ứng dụng công nghệ hiện đại thông qua tăng cường tích hợp công nghệ thông tin trong các quy trình quản trị và quản lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi từ trụ sở chính đến các chi nhánh, nhằm bắt kịp với sự phát triển công nghệ hiện đại và hệ thống ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế quản trị công nghệ thông tin, tăng cường bảo mật và an toàn hệ thống.
Thực tiễn cho thấy, CNTT đã thực sự phát huy vai trò và trở thành nhu cầu tất yếu đối với hoạt động động giám sát. Những bước tiến trong triển khai ứng dụng CNTT vào công tác giám sát tại BHTGVN có thể đề cập tới như:
Một là, xây dựng và hình thành hạ tầng công nghệ đảm bảo việc thu thập thông tin từ các tổ chức tham gia BHTG, từ NHNN… đảm bảo an toàn bảo mật và làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng CNTT. Hạ tầng kỹ thuật CNTT được phát triển, từng bước nâng cấp, đảm bảo khả năng triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu cốt lõi cho hoạt động giám sát, giúp đẩy nhanh hoạt động nhập liệu, trích xuất thông tin dữ liệu, giảm thiểu công sức và sai sót của cán bộ nghiệp vụ.
Hệ thống máy chủ và lưu trữ cơ bản đáp ứng được các yêu cầu cho các ứng dụng hiện có trong hoạt động giám sát của BHTGVN. Hệ thống mạng diện rộng được hình thành bằng cách kết nối mạng trong nội bộ các chi nhánh BHTG, với các tổ chức tham gia BHTG và với hệ thống thu thập thông tin từ NHNN.
Hai là, BHTGVN đã triển khai các ứng dụng phục vụ hoạt động nội bộ và công tác giám sát như: Cổng thu thập thông tin tiền gửi từ các tổ chức tham gia BHTG (hệ thống ICM), Cổng thu thập thông tin từ NHNN (hệ thống SG4), Phần mềm quản lý, giám sát các tổ chức tham gia BHTG (CDIS-RM), hệ thống báo cáo phục vụ công tác giám sát (BI). Các phần mềm giám sát liên tục được nâng cấp, chỉnh sửa và đổi mới để phù hợp với quy định hiện hành.
Từ khi được đưa vào sử dụng, các phần mềm giám sát đã hỗ trợ đắc lực cho hoạt động giám sát của BHTGVN, góp phần đảm bảo hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG tuân thủ quy định của pháp luật ngân hàng và quy định khác có liên quan, gián tiếp bảo vệ tốt quyền lợi của người gửi tiền.
Tuy nhiên, quá trình ứng dụng CNTT vào hoạt động giám sát thời gian qua chưa tận dụng được tối đa hiệu quả của ứng dụng công nghệ từ dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI)... trong công tác giám sát, nhằm giảm thiểu các quy trình về hồ sơ, dữ liệu thông tin đầu vào, các mô hình giám sát tiên tiến...
Ngoài ra, nguồn nhân lực thực hiện giám sát, nhất là nguồn nhân lực có kỹ năng trong việc ứng dụng CNTT, chưa có nhiều kiến thức chuyên sâu về chuyển đổi số, các kiến thức liên quan đến công nghệ, ứng dụng công nghệ vào công tác nghiệp vụ.
Định hướng và một số đề xuất
Căn cứ diễn biến kinh tế vĩ mô, những hạn chế và nhiệm vụ đặt ra cho hoạt động giám sát theo Chiến lược phát triển BHTG, trong thời gian tới, những định hướng về hoạt động giám sát của BHTGVN tập trung vào một số nội cụ thể như sau:
Về thông tin báo cáo tiếp nhận, cơ chế phối hợp và hệ thống báo cáo đầu ra, để đảm bảo tiếp nhận thông tin, dữ liệu đầy đủ, cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa BHTGVN, NHNN và các cơ quan liên quan cũng như xây dựng hệ thống thông tin đảm bảo nguồn thông tin được tiếp nhận đầy đủ, kịp thời và được mở rộng nhằm nâng cao hiệu quả giám sát, trong đó công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ và triển khai. Ngoài ra, trên cơ sở thông tin báo cáo tiếp nhận được, xây dựng các báo cáo đầu ra đúng mục đích và mục tiêu, đảm bảo nhiệm vụ báo cáo đến NHNN và lãnh đạo BHTGVN. Trong các giai đoạn tiếp theo, cần nghiên cứu tự động hóa báo cáo đầu ra nhằm bắt kịp với sự phát triển công nghệ hiện đại.
Về nâng cao hiệu quả giám sát, cảnh báo sớm, tiếp tục hoàn thiện các phương pháp giám sát rủi ro và bộ chỉ tiêu giám sát, chú trọng phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG, để phù hợp với sự phát triển của thị trường, hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG và yêu cầu của NHNN trong từng thời kỳ.
Về nguồn nhân lực thực hiện giám sát, cần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp, đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, có khả năng làm việc nhạy bén, sáng tạo và hiệu quả trên tinh thần hợp tác, bình đẳng, thận trọng, trung thực và gắn bó với tổ chức. Ngoài ra, thường xuyên trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, giám sát rủi ro để thảo luận, nghiên cứu các phương pháp, mô hình kinh tế lượng, kiểm tra sức chịu đựng... có thể ứng dụng để nâng cao chất lượng giám sát của BHTGVN. Cán bộ giám sát cần được trang bị thêm các kiến thức về chuyển đổi số, dữ liệu lớn để có cái nhìn tổng quan nhất, có thể ứng dụng vào chuyển đổi số của hoạt động giám sát trong thời gian tới.
Ứng dụng CNTT trong hoạt động giám sát mang lại nhiều lợi ích, bao gồm tăng hiệu quả, giảm sai sót và cung cấp thông tin chi tiết, nhanh, kịp thời. Để đảm bảo việc ứng dụng CNTT tối đa vào hoạt động giám sát, BHTGVN cần chú trọng một số nội dung:
Thứ nhất, tiếp tục tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ: Trong việc đầu tư vào hạ tầng công nghệ, BHTGVN cần đảm bảo có một cơ sở hạ tầng dữ liệu đầy đủ, kịp thời để hỗ trợ các ứng dụng trong hoạt động giám sát, bao gồm cả việc chuẩn hóa và bảo mật dữ liệu. Bên cạnh đó, việc lựa chọn các công cụ và phần mềm phù hợp để nâng cao hiệu quả giám sát, cảnh báo sớm là rất quan trọng để tối ưu hóa quá trình tự động hóa và phân tích dữ liệu trong lập báo cáo giám sát các tổ chức tham gia BHTG.
Thứ hai, phát triển kỹ năng và năng lực nội bộ: Phát triển kỹ năng và năng lực cán bộ làm công tác giám sát trong việc ứng dụng CNTT là yếu tố then chốt. BHTGVN cần tiếp tục tăng cường đào tạo về kỹ năng và kiến thức về phân tích dữ liệu... để cán bộ làm công tác giám sát sử dụng và quản lý hiệu quả các công cụ giám sát trên cơ sở khối lượng thông tin, dữ liệu thu thập được.
Thứ ba, đảm bảo tuân thủ và đánh giá rủi ro: Đảm bảo tuân thủ và đánh giá rủi ro là bước không thể thiếu. Các mô hình, công cụ giám sát khi được triển khai áp dụng cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về bảo mật dữ liệu và quản lý rủi ro. Bên cạnh đó, việc xác định và quản lý rủi ro của các ứng dụng và mô hình, bao gồm rủi ro về sai sót mô hình và các vấn đề đạo đức trong xử lý dữ liệu, cũng là một phần quan trọng.
Thứ tư, thường xuyên rà soát, cập nhật, nâng cấp ứng dụng các phần mềm giám sát: Hoạt động của các tổ chức tham gia BHTG luôn biến động, đồng thời các quy định trong hoạt động và an toàn hoạt động ngân hàng của các cơ quan có thẩm quyền luôn được cập nhật thường xuyên. Do đó, một trong những nhiệm vụ của việc ứng dụng CNTT trong hoạt động giám sát, đó là, cần phải liên tục rà soát, cập nhật, nâng cấp phần mềm giám sát đang sử dụng, đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và yêu cầu của hoạt động giám sát.