Tạo điểm nhấn trong điều hành, quản lý kinh tế - xã hội
(Taichinh) - Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 trình ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) được cho là vẫn theo mô típ cũ, năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước, và con số thực hiện cao hơn con số báo cáo Quốc hội. Mặc dù các giải pháp điều hành, quản lý trong thời gian tới cũng chỉ nêu ra mục tiêu, song cách thức thực hiện lại không thấy rõ.
Tất nhiên, không thể phủ nhận nền kinh tế nước ta trong năm 2014 đã có chuyển biến tích cực so với các năm 2011, 2012 và 2013. Tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,98%, cao nhất trong 3 năm qua và vượt mục tiêu đề ra.
Sản xuất công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì đà phục hồi với tốc độ tăng trưởng cao. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, là năm thứ ba liên tục có xuất siêu.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng cao. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và giải ngân vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi đạt khá. Niềm tin vào nền kinh tế của các doanh nghiệp được phục hồi.
Tình hình quý I.2015 tiếp tục chuyển biến tích cực. Tăng trưởng GDP lần đầu tiên lên mức 6,03%, sau một thời gian dài tăng trưởng chỉ xấp xỉ 5%, thấp hơn so với các quốc gia lân cận.
Mức tăng trưởng này không phải do đẩy vốn vào nền kinh tế như biện pháp phục hồi sản xuất, kinh doanh từng được Chính phủ thực hiện. Bởi khu vực công nghiệp - xây dựng đã đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng chung, đóng góp 2,82 điểm phần trăm; tiếp đến là khu vực dịch vụ, góp 2,36 điểm phần trăm; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,28 điểm phần trăm...
Tuy nhiên, dù đã tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế trong 3 năm, nhưng nhiều vấn đề cũ vẫn tồn tại, thậm chí đậm nét hơn. Tình trạng nông dân sản xuất không gắn với thị trường, dễ bị thương lái ép giá tồn tại trong nhiều năm, nhưng chưa lúc nào sức ép với việc tiêu thụ nông sản lại lớn như trong thời gian qua.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, hai tháng gần đây, thị trường xuất khẩu của nhiều mặt hàng đang xấu đi, việc không tiêu thụ được sản phẩm không chỉ xảy ra với dưa hấu hay hành tím, mà còn xảy ra ở nhiều mặt hàng khác.
Điều này không lạ bởi sản xuất nông nghiệp ở nước ta không thay đổi dù đã có đề án tái cơ cấu ngành, trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi cơ cấu sản phẩm của mình.
Và ngay cả việc ngành công nghiệp tăng trưởng cao trong năm 2014 và quý I.2015, thì cũng không thể giúp chúng ta yên tâm. Bởi nền công nghiệp nước ta là nền công nghiệp định hướng phi công nghệ, phần lớn doanh nghiệp trong nước sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới 2-3 thế hệ.
Các doanh nghiệp Việt Nam thờ ơ với công nghệ, ít có động lực sáng tạo, còn các công ty có vốn đầu tư nước ngoài cũng không quan tâm tới nghiên cứu phát triển vì vấn đề này được thực hiện tại công ty mẹ.
Bên cạnh hai ngành này, thì nền kinh tế nước ta cũng còn những vấn đề như: nợ công tiếp tục gia tăng với tốc độ cao; tăng trưởng chưa bền vững vì còn lệ thuộc vào khối FDI; tăng trưởng thấp của ngành nông nghiệp – là ngành ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập, cuộc sống của trên 50% lao động nước ta; kinh tế tư nhân còn có quy mô nhỏ, phát triển manh mún...
Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015 trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 38 vẫn theo mô típ cũ, năm sau cao hơn năm trước, quý sau cao hơn quý trước, và con số thực hiện cao hơn con số báo cáo với Quốc hội.
Các giải pháp điều hành, quản lý trong thời gian tới cũng chỉ nêu ra mục tiêu, còn cách thức thực hiện mục tiêu như thế nào lại không thấy rõ.
Trong khi đó, điều ĐBQH và cử tri mong đợi là thấy rõ những điều đằng sau các con số, nhận định về tình hình kinh tế - xã hội. Ví dụ như, trong con số về tăng trưởng của sản xuất công nghiệp, thì hẳn phải tách bạch có bao nhiêu phần trăm là do công nghệ, thiết bị hiện đại tạo ra, bao nhiêu phần trăm là do vốn đầu tư?
Những yếu tố không an toàn của nợ công nước ta đã giải quyết thế nào và hướng giải quyết trong thời gian tới? Tình trạng tăng trưởng nông, lâm, thủy sản giảm phải khắc phục bằng những phương thức cụ thể nào?
Tất nhiên, 11 nhóm giải pháp cho điều hành, quản lý trong thời gian tới được Chính phủ đưa ra là phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội đang đặt ra nhiều vấn đề ở nước ta.
Song với một nền kinh tế đang hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới, nếu không khắc phục nhanh sẽ bị thua ngay trên sân nhà khi mở cửa.
Vì thế, Chính phủ phải chỉ rõ điểm nhấn ở hệ thống các giải pháp điều hành, quản lý để người dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp thấy được định hướng, từ đó tạo sự thống nhất trong quá trình thực hiện.