Nguồn lực Dự trữ quốc gia phát triển nguồn nhân lực vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn
(Taichinh) - Một trong những chính sách mang đậm chất nhân văn đối với học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trong cả nước nói chung và địa bàn khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ nói riêng là chính sách hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho học sinh dân tộc thiểu số địa bàn khu vực có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 36/2013/QĐ-TTg, ngày18/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời gian qua, sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, chênh lệch về học vấn giữa miền núi so với miền xuôi đã được thu hẹp nhưng còn nhiều khoảng cách, chưa đồng đều, nhất là cho học sinh các dân tộc thiểu số khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ - là những vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Để khu vực Tây Bắc, Tây nguyên và Tây Nam Bộ thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng của vùng, công tác giáo dục, đào tạo để phát triển nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số là một trong những vấn đề luôn luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, thông qua việc thực hiện nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Những chính sách này không những góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng đặc biệt khó khăn mà còn góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, gắn liền với bảo tồn, phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân theo hướng phát triển bền vững trên từng địa bàn.
Trong 2 năm học 2013-2014, 2014-2015, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất cấp trên 125.000 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho học sinh 49 tỉnh, thành phố, trong đó số lượng gạo hỗ trợ cho học sinh các tỉnh khu vực Tây Bắc trong hai năm học khoảng 31.100 tấn, cấp cho khoảng 128.200 học sinh (năm học 2013-2014 có trên 104.300 học sinh, đến năm học 2014-2015 có trên 128.200 học sinh, tăng trên 23.800 em tới trường), gồm các tỉnh: tỉnh Sơn La là 11.000 tấn, cấp cho trên 44.100 học sinh đang theo học tại 311 trường thuộc 12 huyện, thành phố; tỉnh Điện Biên là 12.700 tấn, cấp cho trên 54.400 học sinh theo học tại 192 trường thuộc 9 huyện, thị xã, thành phố và tỉnh Lai Châu 7.300 tấn, cấp cho trên 29.700 học sinh theo học tại 187 trường thuộc 8 huyện, thành phố; mức hỗ trợ 15kg gạo/tháng/học sinh; thời gian hỗ trợ trong 9 tháng của năm học. Việc cấp phát gạo cho học sinh tại các địa phương đã bảo đảm theo đúng kế hoạch tiếp nhận của Ủy ban nhân dân các tỉnh và chất lượng gạo đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn dự trữ quốc gia.
Để kiểm tra việc xuất cấp, sử dụng gạo DTQG cho các em học sinh, đồng chí Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN cùng đại diện Văn phòng Chính phủ (Vụ Kinh tế Tổng hợp) đã trực tiếp đi nắm tình hình xuất cấp gạo, giao nhận, tổ chức, quản lý sử dụng gạo DTQG tại một số trường khu vực Tây Bắc, gồm các tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu. Tại những nơi đoàn đến kiểm tra, gạo DTQG được cấp kịp thời, bảo đảm chất lượng và đủ về số lượng. Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng chứng kiến và vui mừng trước hình ảnh các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn đã tự tin, hăng hái đến lớp, say mê học tập, nô đùa. Trong niềm vui hân hoan của các em, có thể cảm nhận được những khát vọng, đam mê cháy bỏng hy vọng về một tương lai được vun đắp, sẻ chia, dường như đang đựợc gây dựng lên từ những hạt gạo nghĩa tình của Đảng, Nhà nước dành cho các em.
Có thể nói rằng, mỗi chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với từng lĩnh vực, từng đối tượng, từng thời điểm, mỗi địa bàn cụ thể có ý nghĩa khác nhau, nhưng đối với các em học sinh khu vực vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ, những mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này lại càng ghi nhận và khắc sâu hơn tính ưu việt từ các chính sách an sinh của Đảng và Chính phủ mà trong đó có chính sách hỗ trợ gạo từ nguồn DTQG. Đây thực sự là một trong những chủ trương lớn, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với sự phát triển nguồn nhân lực đối với đồng bào dân tộc thiểu số, thông qua đó không những chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, tạo được niềm tin, sự đồng thuận trong nhân dân các dân tộc về sự lãnh đạo của Đảng mà còn góp phần xây dựng cuộc sống ấm no và hạnh phúc đối với vùng đặc biệt khó khăn thuộc phía Tây của Tổ quốc.