Tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp Nhật Bản yên tâm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản yên tâm đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc gặp và làm việc với lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản trong lĩnh vực chuyển đổi số sáng ngày 24/11 (theo giờ địa phương), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời cảm ơn tới các doanh nghiệp Nhật Bản có đóng góp, hỗ trợ Việt Nam trong phòng, chống dịch, sát cánh cùng Việt Nam vượt qua các khó khăn trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế và chuyển đổi số, nổi bật là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có độ mở cao, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 nước, gồm các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN…
Hiện nay, Việt Nam đã có chương trình chuyển đổi số quốc gia tới năm 2025 và định hướng tới năm 2030. Trong đó, 03 trụ cột lớn là kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; đồng thời, Việt Nam xác định người dân là trung tâm, là chủ thể. Việt Nam đang sở hữu cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ đông đảo, nhanh nhạy và giàu tiềm năng để thực hiện chuyển đổi số. Doanh nghiệp và người dân Việt Nam tích cực hưởng ứng và tham gia quá trình chuyển đổi số. Ngành công nghệ thông tin, viễn thông đang phát triển mạnh.
Trả lời câu hỏi của các doanh nghiệp Nhật Bản, Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh việc các nhà đầu tư tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển hướng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam bày tỏ mong muốn, các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục góp phần thúc đẩy thương mại điện tử, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực quản trị, hiện đại hóa nhanh lĩnh vực tài chính, ngân hàng... để các lĩnh vực này đi đầu trong chuyển đổi số. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp nhận và xử lý các ý kiến phản ánh và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản yên tâm đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Thời gian tới, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế chuyển đổi số trên cơ sở xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; đồng thời, cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và bình đẳng cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Nhật Bản. Cùng với đó, Việt Nam đã có chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trước hết là nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động của người dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số...
“Chuyển đổi số không chỉ có sự dẫn dắt của Chính phủ mà còn có sự tham gia của người dân và doanh nghiệp, lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, người dân và doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Việt Nam đang triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Theo đó, mục tiêu tới năm 2025, có 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được nhận các hỗ trợ từ Chương trình... Các doanh nghiệp Nhật Bản có thể tích cực tham gia vào quá trình này.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết thêm, đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số tại Việt Nam. Trong 20 năm, tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến mới đạt 12%, nhưng chỉ 1 quý trong dịch COVID-19, tỷ lệ này đã tăng gấp đôi, lên 24%. Việt Nam có 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, cao hơn trung bình của OECD (hơn 60%)...
Đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện, thông báo kế hoạch mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong thời gian tới, các doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định những trao đổi, thông tin của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam giúp doanh nghiệp Nhật Bản có thêm niềm tin và yên tâm hơn nữa trong quá trình đầu tư vào Việt Nam.
Tại buổi tiếp, ông Tsutomu Sugimori - Chủ tịch Tập đoàn ENEOS cho biết, doanh nghiệp quan tâm định hướng phát triển năng lượng tại Việt Nam và mong muốn tham gia quá trình giảm thải khí carbon. Trong thời gian tới, Tập đoàn ENEOS sẽ tiếp tục các hoạt động đầu tư trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời nêu một số kiến nghị cụ thể liên quan tới các dự án tại Việt Nam. Trong khi đó, ông Motoya Okada - Chủ tịch Tập đoàn AEON khẳng định, AEON bắt đầu kinh doanh tại Việt Nam từ năm 2014 và tính đến nay đã đầu tư 1,18 tỷ USD. Dự kiến, AEON sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam; đồng thời, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc… sang Nhật Bản.