Tạo động lực làm việc của giảng viên các trường đại học


Vai trò của đội ngũ giảng viên rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định chất lượng giáo dục đại học, mặc dù mỗi trường có những mục tiêu, yêu cầu giáo dục khác nhau, đào tạo những ngành, nghề với những đặc thù không giống nhau.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, việc tạo điều kiện để giảng viên các trường đại học có động lực làm việc đang là vấn đề còn nhiều bất cập như: Giờ giảng dạy, giờ nghiên cứu khoa học... Để phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Vấn đề tạo động lực trong lao động là một trong những nội dung quan trọng của công tác quản lý nhân sự, thúc đẩy các thành viên của tổ chức, người lao động hăng say làm việc, nâng cao hiệu suất lao động.

Động lực là những nhân tố bên trong kích thích con người tích cực làm việc tạo ra năng suất, hiệu quả cao. Biểu hiện của động lực là sự sẵn sàng, nỗ lực, say mê làm việc nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức cũng như bản thân người lao động. Tạo động lực trong lao động là hệ thống các chính sách, các biện pháp quản lý tác động đến người lao động nhằm làm cho họ có được động lực để làm việc.

Tạo động lực lao động có vai trò quan trọng trong quản trị nhân lực: Tạo sự gắn kết giữa lao động với tổ chức; tăng mức độ hài lòng, niềm tin, sự gắn bó và tận tụy của người lao động; tăng năng suất lao động, hiệu quả sử dụng lao động; là nền tảng để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ…

Quá trình tạo động lực chịu tác động bởi nhiều nhân tố bên trong như: Mục tiêu của tổ chức; phong cách nhà lãnh đạo; nhu cầu, động cơ của người lao động; các công cụ tạo động lực (hệ thống chế độ chính sách, thu nhập, môi trường làm việc, nội dung công việc...).

Các yếu tố chính mà hoạt động tạo động lực cần có: (i) Chủ thể của tạo động lực - là những nhà lãnh đạo, nhà quản trị; (ii) Khách thể của tạo động lực - là những lao động của nhiều cấp khác nhau; (iii) Công cụ của tạo động lực là những chính sách, chế độ mà nhà lãnh đạo sử dụng để kích thích, động viên người lao động làm việc một cách hăng say nhằm đạt được mục tiêu của tổ chức.

Thực trạng giảng viên các trường đại học

Những năm gần đây, nhờ những thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, ngành Giáo dục, đào tạo đã được quan tâm nhiều hơn. Hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, phương tiện kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ giáo dục, đào tạo được đầu tư có chất lượng. Hệ thống văn bản pháp luật, các quy định, quy chế, cơ chế, chính sách xã hội ưu đãi cơ bản toàn diện và hoàn chỉnh; các mâu thuẫn từ quá trình đào tạo vốn là lực cản nay được nhận thức và giải quyết đúng đắn.

Các nhu cầu về lợi ích, bao gồm cả lợi ích kinh tế - chính trị, vật chất - tinh thần của đội ngũ giảng viên được đáp ứng tương đối tốt. Việc tạo dựng môi trường làm việc thuận lợi, thực sự trong sạch, lành mạnh được quan tâm trên thực tiễn… qua đó, đã tạo được sự đồng thuận, khơi dậy lòng tự tin, tự hào, tự trọng của đội ngũ giảng viên để họ khát khao cống hiến.

Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, tính đến cuối tháng 12/2017, trong hơn 200 trường đại học được công bố về giảng viên cơ hữu thiếu chuẩn, hầu hết các trường đều tồn tại giảng viên không đủ chuẩn trình độ (theo quy định là từ thạc sỹ trở lên, trừ một số ngành đặc thù).

Thống kê cho thấy, các năm học từ năm 2016 đến năm 2018, số lượng giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học là 72.792 người, tăng 3.201 người so với năm 2015-2016. Trong đó, số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 người (chiếm 22,7%). Tỷ lệ này còn chưa đạt mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 14/2015/NQ-CP của Chính phủ về đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 (mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ ít nhất đạt 35%).

Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, tỷ lệ giảng viên có chức danh GS, PGS và trình độ tiến sỹ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ của các trường cao đẳng sư phạm (chiếm khoảng 3,4%).

Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều người không có đề tài nghiên cứu, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế... Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và đã ở độ tuổi cao...

Cùng với hoạt động giảng dạy, hoạt động nghiên cứu khoa học được coi là một trong 2 nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ giảng viên. Tuy nhiên, số lượng giảng viên nghiên cứu khoa học đến nay chưa nhiều.

Thực tiễn cho thấy, hiện nay ngoài các trường có phong trào nghiên cứu khoa học sôi nổi, giảng viên tích cực tham gia vẫn còn tồn tại tâm lý e ngại thiếu tự tin trong triển khai các hoạt động khoa học công nghệ, còn nhiều giảng viên còn thiếu nhiệt huyết, tâm huyết trong nghiên cứu khoa học, nhiều người còn tâm lý thực hiện hoạt động theo nghĩa vụ phải hoàn thành, chưa thực sự nhận thức được vai trò và lợi ích của hoạt động nghiên cứu khoa học.

Bên cạnh đó, ở các trường đại học giảng viên có độ tuổi còn trẻ, bắt đầu tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, học tập nâng cao trình độ ở các bậc học thạc sỹ, tiến sỹ, do đó, đa số trong số họ còn thiếu kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Mặt khác, nhiều cán bộ, giáo viên còn có hạn chế trong các kỹ năng nghiên cứu khoa học như lựa chọn các phương pháp nghiên cứu, cách thức triển khai nghiên cứu, phương pháp phân tích số liệu thống kê, tổng hợp báo cáo, bài viết…

Nhiều giảng viên đều có tâm lý tham gia cho nghĩa vụ, chưa thấy được thực sự những lợi ích có được từ nghiên cứu khoa học, như việc nghiên cứu khoa học còn phục vụ cho hoạt động giảng dạy, nâng cao chất lượng giảng dạy, đảm bảo tính toàn diện trong công việc của giảng viên.

Động lực để phát huy vai trò đội ngũ giảng viên trong giáo dục, đào tạo là hệ thống các yếu tố thúc đẩy người giảng viên tích cực tự học, tự nghiên cứu, nâng cao trình độ mọi mặt, nhất là trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học theo nhiệm vụ được phân công. Thế nhưng, động lực làm việc của giảng viên còn có những vấn đề cần giải quyết, đó là:

Thứ nhất, thu nhập của đội ngũ giảng viên thấp, nhưng áp lực của yêu cầu về giảng dạy và nghiên cứu khoa học ngày một cao. Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc như sau: “Tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường là 1.760 giờ sau khi trừ số ngày nghỉ theo quy định”.

Căn cứ quy định cụ thể về việc thực hiện chế độ tuần làm việc 40 giờ để quy ra tổng quỹ thời gian làm việc của giảng viên trong một năm học là 1.760 giờ (giờ hành chính). Trong một năm học, mỗi giảng viên đều phải thực hiện nhiệm vụ: giảng dạy (270 giờ chuẩn, trong đó, giờ chuẩn trực tiếp trên lớp chiếm tối thiểu 50% định mức quy định), nghiên cứu khoa học (ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong năm học), học tập bồi dưỡng và các nhiệm vụ khác trong nhà trường với tổng quỹ thời gian làm việc trong một năm học là 1.760 giờ.

Quy định này khiến giảng viên không còn thời gian để làm nghiên cứu khác. Ngoài ra, việc nâng hạng, nâng bậc lương còn dẫn đến hiện tượng cào bằng. Các cơ sở giáo dục không thể thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc nếu vẫn tiếp tục bị “áp” cơ chế tiền lương, thang bảng lương hiện hành.

Thứ hai, một số giảng viên ở các trường còn khó khăn về đời sống vật chất không tâm huyết với nghề, phải bỏ nghề, tìm việc làm khác vì gánh nặng tài chính, kinh tế của gia đình không phải là hiếm. Ở một số nơi, các trường học vẫn thiếu trang thiết bị dạy học như: Máy chiếu, máy tính, tranh ảnh minh họa, thiết bị thí nghiệm... để cho đội ngũ giáo viên thực thi nhiệm vụ. Công tác bồi dưỡng giáo viên còn chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động giáo dục lồng ghép, thanh tra, kiểm tra, dạy chuyên đề, tập huấn, các cuộc thi, kiêm nhiệm các công việc khác trong trường khiến giáo viên cảm thấy quá tải, mệt mỏi… Những biểu hiện nêu trên đã tác động tiêu cực đến tâm lý, tình cảm, hạn chế sức cống hiến, sự sáng tạo của đội ngũ giảng viên làm cho chất lượng, hiệu quả trong giáo dục, đào tạo chưa tương xứng với vai trò của họ.

Một số giải pháp

Để tạo động lực làm việc cho giảng viên các trường đại học, cần thực hiện các giải pháp sau:

Một là, bên cạnh vấn đề tạo điều kiện phát huy năng lực giảng dạy của giáo viên, Nhà nước cần có chính sách để khích lệ, tạo động lực lao động cho đội ngũ các nhà giáo. Trong giáo dục – đào tạo, để có được động lực cho cán bộ, giáo viên làm việc, vai trò và trách nhiệm của các nhà quản lý giáo dục là rất lớn.

Mục tiêu của các nhà quản lý là phải làm sao tạo ra được động lực để người lao động có thể làm việc đạt hiệu quả cao nhất trong công việc của mình. Cán bộ giáo viên phải được giao quyền và được có trách nhiệm. Cần có những đánh giá thường xuyên và công bằng về mức độ hoàn thành nhiệm vụ của từng người lao động, tạo động lực để họ làm việc và cống hiến.

Hai là, Nhà nước cần quan tâm xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển, qua đó làm cơ sở để phát huy được đội ngũ giảng viên. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng và mạnh về chất lượng. Việc tuyển chọn nguồn đào tạo giảng viên phải được tiến hành toàn diện, kỹ lưỡng cả về xu hướng nghề nghiệp sư phạm, khả năng phát triển tài năng sư phạm, phong cách và hành vi sư phạm.

Ba là, cơ chế, chính sách liên quan đến giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ giảng viên phải đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của từng trường và yêu cầu của nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bốn là, đảm bảo điều kiện vật chất, tinh thần thuận lợi cho giảng viên. Đây thực sự là động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên tập trung trí lực vào các hoạt động chuyên môn của mình. Cần quan tâm đầu tư, hiện đại hóa hệ thống giảng đường, thư viện, phòng phương pháp (phòng luyện giảng) của nhà trường, phòng phương pháp của các khoa giáo viên để có điều kiện tập luyện, trau dồi kỹ năng, tay nghề sư phạm.

Mặt khác, thường xuyên nâng cao chất lượng hoạt động quản lý giáo dục, đào tạo của nhà trường, kể cả quản lý nội dung, chương trình đào tạo và quản lý toàn diện đội ngũ giảng viên. Quan tâm, chú trọng xây dựng văn hóa trường học tích cực; tạo điều kiện cho giáo viên phát huy khả năng sáng tạo; tạo ra sự gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau của các giáo viên nhằm phát triển chuyên môn; có sự ghi nhận, đánh giá công bằng, công khai, dân chủ với thành tích của giáo viên.

Tạo môi trường làm việc tích cực còn thể hiện qua tạo điều kiện cho giáo viên được tham gia xây dựng chiến lược phát triển nhà trường, được trao đổi, bàn bạc công khai các hoạt động của trường học; hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, sắp xếp thời gian giảng dạy hợp lý, tạo môi trường cảnh quan sư phạm thân thiện...

Năm là, đảm bảo các chính sách cho các giảng viên, bao gồm: Các chính sách bảo đảm quyền lợi cho người lao động: (chính sách lương, thưởng, chính sách về bảo hiểm xã hội, chính sách về các khoản phụ cấp)...

Sáu là, tạo điều kiện để các giảng viên thăng tiến trong công việc (đây là sự phát triển trong nấc thang nghề nghiệp, thể hiện nhu cầu được công nhận, được khẳng định). Các trường đại học cần tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách cho đội ngũ giảng viên, khoa học, nâng cao trình độ chuyên môn trong nghiên cứu.

Đồng thời, đề cao tinh thần trách nhiệm của giảng viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học; phải gắn kết giữa công tác giảng dạy với nghiên cứu khoa học để từ đó đề ra kế hoạch nghiên cứu kết hợp với công tác hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho sinh viên, học viên sau đại học; tham gia đóng góp ý kiến để hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ càng ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn nữa.

Tài liệu tham khảo:

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2011;
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29/NQ-TƯ, 2014;
  3. Luật Giáo dục, NXB Chính trị Quốc gia , năm 2006;
  4. Luật Giáo dục đại học, NXB Chính trị Quốc gia, năm 2013.