Tạo lập chính sách phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thành Trung

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chính sách bảo vệ môi trường. Đặc biệt là với phương châm không đánh đổi môi trường bằng sự tăng trưởng và phát triển kinh tế trước mắt, Việt Nam tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị trong việc tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, từ hoạch định chính sách đến tổ chức, giám sát thực hiện, trong đó doanh nghiệp, người dân phải đóng vai trò trung tâm; Nhà nước đóng vai trò kiến tạo pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường... Trong đó có các chính sách kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên...

Phát triển kinh tế bền vững thông qua việc thúc đẩy các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế ít phát thải các-bon, đầu tư vào vốn tự nhiên đang là xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế của các nước trên thế giới hiện nay, nhất là các nước đang phát triển. Các mô hình này tập trung vào việc đầu tư sản xuất, tiêu dùng, xuất nhập khẩu, phân phối và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ hướng tới tối ưu hóa sử dụng nguyên liệu, vật liệu, năng lượng và chất thải, thân thiện với môi trường; đầu tư vào vốn tự nhiên.

Ở nước ta, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển nền kinh tế tuần hoàn, hướng tới phát triển bền vững cũng đã được ban hành nhưng còn thiếu cơ sở pháp lý tạo nền tảng cho thúc đẩy các mô hình kinh tế này.

Vốn tự nhiên là các nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên rừng, nguồn lợi thủy sản, khoáng sản, nhiên liệu hóa thạch, các nguồn năng lượng tự nhiên và các dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên. Cũng giống như các dạng vốn khác (vốn vật chất, vốn tài chính và vốn con người), vốn tự nhiên cũng có thể bị suy giảm và suy thoái do quá trình sản xuất và tiêu dùng.

Tuy nhiên, với mô hình tăng trưởng trước đây, Việt Nam mới chỉ tập trung tích lũy nhanh vốn vật chất, tài chính và con người mà thiếu đi sự quan tâm tới sự suy giảm, cạn kiệt của vốn tự nhiên, tạo ra những rủi ro và thách thức lớn cho thế hệ tương lai.

Để giải quyết các vấn đề này, đồng thời tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường.

Theo đó, Luật đã bổ sung các chính sách về phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; đặc biệt là thúc đẩy kinh tế tuần hoàn;  Chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường.

Với việc tạo lập chính sách phát triển kinh tế bền vững, bảo vệ môi trường mang tính đột phá, Luật Bảo vệ môi trường 2020 sẽ tạo bước tiến lớn trong công tác bảo vệ môi trường tại nước ta trong thời gian tới.