Đổi mới tư duy quản lý, cải cách hành chính trong bảo vệ môi trường
Thay đổi tư duy quản lý, cải cách thủ tục hành chính là những nội dung quan trọng nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng đến phát triển bền vững. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ năm 2022 đã quy định cụ thể nội dung này, tuy nhiên, để đưa Luật vào cuộc sống, cần nhiều giải pháp và sự quyết tâm của cả xã hội.
Đổi mới tư duy quản lý nhà nước
Có thể khẳng định, việc thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội, nhưng điều trước tiên và quan trọng hơn cả là cần phải có sự thay đổi về tư duy trong quản lý nhà nước về môi trường. Đó chính là sự đổi mới của cơ chế, chính sách pháp luật đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Khác với một số lĩnh vực khác, các cơ chế chính sách bảo vệ môi trường phải dự trên quy luật tự nhiên. Do đó, bảo vệ môi trường không chỉ là sự phòng ngừa, kiểm soát, xử lý chất thải mà các hoạt động sản xuất, phát triển phải hài hòa với tự nhiên, khuyến khích bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với các dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường. Không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, có nguy cơ gây lũ lụt, suy thoái, cạn kiệt dòng chảy, tác động đến các di sản tự nhiên, khu bảo tồn; Áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, chương trình đến thực hiện dự án đầu tư.
Đặc biệt, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có riêng một chương quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường nhằm thực hiện mục tiêu bảo đảm để người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước trên thế giới và hài hòa với quy định của quốc tế, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để tạo động lực phát triển bền vững và nâng cao chất lượng tăng trưởng và sự thịnh vượng quốc gia, Luật đã bổ sung một chương về các công cụ kinh tế và nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Đó là các quy định về: Phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường; Ưu tiên thực hiện mua sắm xanh đối với dự án, nhiệm vụ sử dụng ngân sách nhà nước; Thúc đẩy việc khai thác, sử dụng và phát triển vốn tự nhiên; Tín dụng xanh, trái phiếu xanh để huy động đa dạng các nguồn lực xã hội cho bảo vệ môi trường.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã phân cấp mạnh mẽ cho địa phương thông qua chế định giao UBND cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành.
Cùng với đó, quy định rõ các bộ có liên quan có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện nhằm bảo đảm hiệu quả. Điều này nhằm bảo đảm quản lý thống nhất tại địa phương, thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép sau này và phù hợp với xu hướng phân cấp cho địa phương.
Không dừng lại ở các quy định trên, Luật Bảo bệ môi trường đã quy định cụ thể về kiểm toán môi trường, nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý môi trường của cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ.
Đây là quy định mới, lần đầu tiên đưa vào Luật. Điều này nhằm điều chỉnh hoạt động kiểm toán trong nội bộ tổ chức, cơ sở sản xuất – kinh doanh, dịch vụ... do đơn vị tự thực hiện hoặc thông qua dịch vụ kiểm toán. Đồng thời, tăng cường năng lực quản lý môi trường của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhận biết lỗ hổng trong quản lý môi trường và có giải pháp điều chỉnh hoạt động quản lý môi trường được hiệu quả hơn...
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
Cải cách thủ tục hành chính luôn là vấn đề được xã hội quan tâm. Tại Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã đưa ra quy định về cải cách thủ tục hành chính. Theo đó, sẽ cắt giảm tới hơn 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện các hủ tục hành chính từ 20 – 85 ngày.
Các quy định này góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định như: Thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; Tích hợp các thủ tục hành chính vào một giấy phép môi trường; Đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã bãi bỏ thủ tục cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, xả nước thải vào công trình thủy lợi mà lồng ghép nội dung này trong giấy phép môi trường nhằm thống nhất trách nhiệm, thẩm quyền và nguyên tắc quản lý tổng hợp tài nguyên nước; đồng thời giảm đáng kể thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Luật đã bổ sung trách nhiệm, thẩm quyền tham gia, phản biện và đồng thuận của cơ quan quản lý công trình thủy lợi ngay từ giai đoạn tác động môi trường cho đến khi cấp giấy phép môi trường đối với cơ sở xả nước thải vào công trình thủy lợi nhằm tăng cường phối hợp của các cơ quan. Đây là sự cải cách mạnh mẽ sp với trước đây, giúp các doanh nghiệp tiết kiệm và giảm thiểu đáng kể được các quy trình, thủ tục.
Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 còn đưa ra những quy định đánh giá một cách thận trọng, cân nhắc dựa trên nhiều tiêu chí về môi trường. Các quy định này khi đi vào thực thi sẽ giúp giảm khoảng 50% thời gian giải quyết các thủ tục, hồ sơ, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và người dân.