Tạo lập chuỗi giá trị để phát triển bền vững
(Taichinh) - Năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh thấp là những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp khi Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập vào cuối năm nay. Đây cũng là một nội dung được đề cập trong Báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014 và triển khai kế hoạch phát triển KT-XH năm 2015 tại Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII.
Cụ thể trong báo cáo nêu rõ: “trong 4 tháng đầu năm có 28.235 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 162.500 tỷ đồng, tăng 9,7% về số doanh nghiệp và tăng 13,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, do nhập siêu gần 3 tỷ USD, 19.035 doanh nghiệp (DN) đã phải tạm ngừng hoạt động do khó khăn”. Điều này có thể thấy rõ, khối doanh nghiệp của nước ta sẽ phải đối mặt với những khó khăn khi nền kinh tế đang ngày một hội nhập sâu và rộng. Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp chưa thực sự tạo được giá trị để phát triển bền vững. Trong đó có thể kể đến nguồn nhân lực trình độ còn thấp, việc ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, kinh doanh chưa được chú trọng...
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), năng suất lao động của Việt Nam năm 2013 được xếp vào nhóm thấp nhất của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thấp hơn Singapore 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần, Malaysia 5 lần, Thái Lan 2,5 lần. Việt Nam là 1 trong 3 nước có năng suất lao động thấp nhất ASEAN, chỉ cao hơn Myanmar và Campuchia. Số liệu thống kê của Tổ chức Năng suất châu Á cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn 2 lần so với năng suất bình quân của khu vực ASEAN.
Trong 3 năm 2011 - 2013, tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam chỉ hơn 3%/năm, trong khi GDP vẫn tăng trưởng ở mức trên dưới 5%. Tức là năng suất lao động còn tăng chậm hơn cả tăng GDP quốc gia. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến giá trị của sản phẩm làm ra và các doanh nghiệp khó đủ sức cạnh tranh khi hội nhập, thiếu phát triển bền vững.
Theo nghiên cứu, 5 nguyên nhân cơ bản khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn các nước khác, đó là xuất phát điểm của Việt Nam và các nước là khác nhau. Khả năng tự tích lũy của nền kinh tế còn thấp. Khả năng tích lũy để tái đầu tư thấp dẫn đến các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia đầy đủ các khâu của chuỗi sản xuất/giá trị hàng hóa, do đó giá trị gia tăng chưa cao; trình độ công nghệ thấp, lạc hậu.
Theo đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), các doanh nghiệp đánh giá kỹ năng, kỹ thuật của người lao động không phải là thấp, mà cái yếu là kỹ năng nhận thức và hành vi. Cái mà người lao động đang “thiếu” so với nhu cầu của doanh nghiệp đó là khả năng thích nghi với môi trường làm việc, khả năng giao tiếp, tuân thủ các quy tắc nghề nghiệp, khả năng tương tác làm việc nhóm; khả năng tư duy logic và các kỹ năng mềm khác trong xử lý công việc.
Ngoài ra, việc đổi mới công nghệ cũng là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động và giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, theo đánh giá chung, khoa học công nghệ trong nhiều doanh nghiệp đang ở trình độ còn rất thấp, thuộc thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước. Đặc biệt là ở doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa dành nguồn đầu tư thích đáng cho việc đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ. Điều này đã làm hạn chế năng suất lao động của người Việt Nam, giảm giá trị sản phẩm.
Trong Báo cáo của của Chính phủ trước Kỳ họp thứ Chín, QH Khóa XIII cho thấy, về xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, 4 tháng đã nhập siêu 3 tỷ USD tương đương khoảng 6% tổng kim ngạch xuất khẩu, cao hơn so với chỉ tiêu QH là 5%. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho doanh nghiệp sản xuất khó lòng tăng được giá trị sản phẩm. Để hóa giải vấn đề này, theo ĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ đang quá chậm để có thể chuyển nền kinh tế từ gia công sang sản xuất. Tôi cho rằng lần này phải bàn rất kỹ vấn đề này để giải quyết cho có căn cơ. Chỉ có như thế mới giải quyết được căn bệnh nhập siêu tái phát.
Thực tế, nhìn từ thành công của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, có thể khẳng định, họ đã chủ động ở mọi khâu để tạo giá trị bền vững của doanh nghiệp. Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) cho rằng, thay đổi máy móc hiện đại có thể giúp doanh nghiệp tăng 25% năng suất lao động, đồng thời áp dụng các mô hình quản trị sản xuất hiện đại cũng mang lại lợi ích tăng trưởng năng suất từ 20 - 30%. Ví dụ, mô hình sản xuất LEAN dành cho các nhà máy may đã làm thay đổi căn bản công tác quản lý. Đơn cử một chuyền may áp dụng LEAN có thể tiết kiệm được 20% diện tích sản xuất, tiết kiệm được 30% lượng hàng tồn trên dây chuyền và tăng năng suất lao động lên 30%. Bên cạnh việc bồi dưỡng kỹ năng và tay nghề cho người lao động, trong nhiều năm qua các doanh nghiệp dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp trong tập đoàn chú trọng vào công tác đổi mới tư duy cho người lao động, cụ thể là tạo dựng niềm tin, sự gắn kết và lòng trung thành trong tâm thức của người lao động.