Hội nhập kinh tế thế giới: Còn nhiều thách thức
(Taichinh) - Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới của nước ta. Dự kiến cuối năm nay, Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời và 12 quốc gia thuộc Thái Bình Dương sẽ chính thức đặt bút ký kết Hiệp định Hợp tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Những sự kiện này sẽ là tiếng cồng chính thức khai màn cho các cuộc so găng giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp ngoại trên khắp các mặt trận kinh tế.
Đây sẽ là một năm đầy thách thức đối với các đấu sĩ Việt Nam trong cuộc so găng trước hết trên sân nhà, trên rất nhiều mặt trận. Trận đấu đầu tiên, sẽ là cuộc thử sức khi Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, và hàng hóa từ các nước ASEAN sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu bằng 0% chắc chắn sẽ tràn vào thị trường Việt Nam với sức mạnh khó ngăn cản. Vì mấy lý do sau:
Thứ nhất, hàng hóa các nước ASEAN có mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú, giá hạ, rất dễ được người tiêu dùng Việt háo hức đón chào vì tâm lý sính ngoại vẫn còn khá nặng nề.
Thứ hai, doanh nghiệp từ các nước ASEAN được hưởng chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn doanh nghiệp Việt, được hưởng mức lãi suất vay ngân hàng cũng thấp hơn doanh nghiệp Việt, vì vậy họ có điều kiện dành nhiều nguồn lực tài chính cho các chiến dịch marketing, truyền thông, khuyến mãi rầm rộ để lôi kéo người tiêu dùng Việt.
Thứ ba, một số nước ASEAN có trình độ quản lý kinh tế khá hơn ta như Malaysia, Thái Lan, Singapore… đã có những bước đi âm thầm từ nhiều năm trước chiếm lĩnh hệ thống phân phối bán lẻ trên thị trường Việt Nam; điển hình nhất là thương vụ một doanh nhân Thái Lan đã mua lại toàn bộ 21 Trung tâm thương mại lớn của hệ thống Metro tại những vị trí đắc địa và có sức mua lớn nhất của nước ta.
Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đối diện khá nhiều bất lợi. Trong đó có việc doanh nghiệp nước ta vừa trải qua thời kỳ khó khăn của giai đoạn 2010 - 2013 đầy gian nan. Những doanh nghiệp trụ lại được qua sóng gió mới chỉ coi là qua được giai đoạn khó khăn, chưa thể coi là đã hồi phục. Khả năng liên kết, hợp tác của doanh nghiệp Việt còn rất yếu, lại chưa được hậu thuẫn bởi chính sách thuế hoặc lãi suất ngân hàng thấp với điều kiện vay thông thoáng. Doanh nghiệp Việt vẫn rất lơ mơ về hội nhập, thiếu thông tin về đối thủ, về luật pháp quốc tế và ngay cả những chính sách của Chính phủ Việt Nam, nhiều doanh nghiệp cũng chưa cập nhật đầy đủ. Trong khi đó, một cơ chế kết nối doanh nghiệp Việt Nam để tạo sức mạnh tổng hợp cho cuộc chiến so găng trên sân nhà vẫn chưa được hình thành .
Chính vì thế, lo ngại đang gia tăng trong khi giải pháp hữu hiệu muốn triển khai cũng cần phải có thời gian, nhưng thời gian thì lại không còn nhiều!
Nhưng đó mới chỉ là trong tầm cỡ khu vực. Còn một cuộc chiến khác, nảy lửa hơn, quyết liệt hơn, với những quốc gia sừng sỏ hơn, cuộc chiến mang tên TPP. Mặc dù mục tiêu chính của Hiệp định này là tăng cường hợp tác thương mại giữa các thành viên tham gia TPP, nhưng thực chất đây là một cuộc chơi sẽ buộc Chính phủ các nước thay đổi cách thức cầm còi, buộc các trọng tài phải tuân thủ luật chơi chung do TPP sắp đặt. Thậm chí TPP sẽ có hẳn một tòa án để xét xử các hành vi vi phạm Hiệp định của các quốc gia đã ký kết TPP, và một khi đã có tòa án, chắc chắn sẽ có chế tài, có trừng phạt…
Vậy là, cả hai trận đấu căng thẳng và quyết liệt đều dự kiến sẽ khai màn vào cuối năm nay. Và doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị được những gì cho cuộc so găng này, trước hết là ngay trên sân nhà, là một câu hỏi nghiêm túc rất đáng được nhìn nhận từ nhiều góc độ. Nếu xét trên các biểu hiện hồi phục từ từ của kinh tế vĩ mô, hay sự hồi phục sức khỏe của doanh nghiệp thông qua hấp thu tín dụng, hay sự luẩn quẩn của thị trường nội địa khi những cơn khủng hoảng dưa hấu, hành tím, muối, cà chua, dưa chuột… vẫn còn chưa tìm thấy đầu ra…, thì quả thực, rất đáng lo ngại cho trận so găng này!