Tạo lập sự minh bạch trên thị trường xây dựng
Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được kỳ vọng sẽ giải được bài toán chống đội vốn, điều chỉnh tăng vốn và tình trạng lợi dụng kẽ hở để trục lợi, tham nhũng.
Tình trạng đội vốn và thất thoát vốn trong các dự án đầu tư xây dựng là vấn đề nhức nhối trong những năm gần đây. Dự án đầu tư công bị đội vốn khiến ngân sách Nhà nước vốn đã eo hẹp nay càng phải chịu áp lực lớn hơn.
Cùng đó, những bất cập trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng đang bị lợi dụng để trục lợi. Để khắc phục tình trạng này, ngày 18/12/2017 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 2038/QĐ-TTg Phê duyệt Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng.
Đề án này được kỳ vọng sẽ giải được bài toán chống đội vốn, điều chỉnh tăng vốn của các dự án đầu tư xây dựng cũng như tránh được tình trạng lợi dụng kẽ hở để trục lợi, tham nhũng.
*Phổ biến tình trạng đội vốn
Ông Phạm Văn Khánh - Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện hầu hết các dự án đầu tư công thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP) hay xây dựng - kinh doanh- chuyển giao (BOT) trong thời gian vừa qua đều vượt tổng mức đầu tư. Thậm chí như 5 dự án đường sắt đô thị (metro) tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đội vốn đầu tư lên tới trên 132.000 tỷ đồng.
Tại Kỳ họp Thứ 5 – Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) đã từng bày tỏ lo lắng trước thực trạng nhiều dự án đội vốn.
Kinh phí lúc đầu chỉ là “con chuột nhắt”, sau là “con voi” - hình ảnh được ông Nguyễn Anh Trí ví von khi dẫn chứng về dự án nạo vét sông Sào Khê (Ninh Bình) được Kiểm toán Nhà nước điểm tên là một trong những dự án nhiều lần điều chỉnh tổng mức đầu tư với giá trị lớn (mức tăng 36 lần, từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng).
Báo cáo do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện gửi tới Chính phủ và các bộ, ngành khác cũng cho thấy, tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư xảy ra đối với nhiều công trình, dự án khá phổ biến. Điển hình là các dự án đường sắt đô thị. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng tổng mức đầu tư của dự án là do kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng dẫn tới phát sinh thêm chi phí.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguyên nhân chủ quan và phổ biến khiến nhiều dự án xây dựng cơ sở hạ tầng tại Việt Nam đội vốn hoặc phải điều chỉnh tăng vốn là do giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công chậm. Điều này đồng nghĩa với việc trượt giá nguyên vật liệu, giá nhân công.
Đứng ở góc độ ngành xây dựng, Cục trưởng Phạm Văn Khánh cho rằng, nguyên nhân quan trọng của tình trạng này do hạn chế trong quản lý chi phí định mức và đơn giá xây dựng, khâu xác định chi phí chưa phù hợp với thực tiễn, tính chưa đúng - chưa đủ, do thị trường biến động không đúng với dự tính hoặc xác định tổng mức đầu tư chưa đúng.
Hơn nữa, việc quản lý định mức và đơn giá xây dựng hiện nay còn mang tính bao cấp, công nghệ lạc hậu… dẫn đến tăng chi phí của dự án. Hệ thống định mức được xây dựng, hình thành từ thời bao cấp, càng thêm xa rời thực tế với nền kinh tế thị trường…
Thực tế này đòi hỏi phải có những đổi mới phù hợp và Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những bất cập tồn tại kéo dài nhiều năm qua và tạo lập một thị trường xây dựng minh bạch.
Những bất cập cần tháo gỡ
Đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) từng khuyến nghị về định mức và năng suất ở Việt Nam có rất nhiều tập định mức cũng như nhiều loại định mức. Người lập dự toán lựa chọn mã định mức trong các tập định mức này để áp dụng trong phần dự toán để tính tổng chi phí.
Tuy nhiên, định mức hao phí nhân công mang tính lý thuyết và không thực tế. Còn định mức hao phí máy thi công được xác định từ lâu, nhưng không được cập nhật. Do vậy, con số tính toán cuối cùng không phản ánh đúng thực tế thị trường.
Đồng quan điểm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) Lã Hồng Hạnh nhận xét, hệ thống định mức hiện nay chủ yếu được xây dựng từ lâu, trên cơ sở công nghệ, thiết bị thi công lạc hậu, năng suất lao động thấp nên chưa theo kịp tiến độ khoa học kỹ thuật và các công nghệ mới, dẫn đến giá trị dự toán chi phí xây dựng không phản ánh được chính xác chi phí thực tế thi công công trình.
Cùng tham gia Đề án lần này, đối với hệ thống định mức chuyên ngành gồm các định mức duy tu, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy nội địa, đường hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải đã rà soát để điều chỉnh, bổ sung và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2018.
Đối với hệ thống định mức xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, bà Hạnh khẳng định, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã rà soát theo điều kiện thiết bị và công nghệ thi công hiện nay, đối chiếu với hệ thống định mức đã công bố.
Trên cơ sở đó, Bộ dự kiến điều chỉnh trên 730 định mức; trong đó ưu tiên thực hiện sớm 550 định mức ảnh hưởng lớn đến giá thành công trình, như định mức đào/đắp đất nền đường, thi công kết cấu mặt đường, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, thi công các kết cấu công trình cầu…
Hiện có nhiều công trình kết cấu hạ tầng phức tạp mà nhiều hạng mục công việc thuộc về bí quyết, công nghệ riêng của nhà thầu thi công như căng kéo cáp dây văng, thi công trụ tháp bằng khuôn trượt, khuôn leo, thiết bị đường sắt đô thị… thì việc xây dựng định mức gần như không thể thực hiện được.
Do đó, bà Lã Hồng Hạnh đề nghị xây dựng cơ chế để xác định giá xây dựng thông qua giá bỏ thầu hoặc qua suất đầu tư của các công trình tương tự đã thực hiện trước đó nhằm phản ánh đúng chi phí thi công thực tế, tránh trường hợp áp giá quá cao hoặc quá thấp, gây khó khăn cho việc lựa chọn nhà thầu hoặc tạo ra tham nhũng, lãng phí.
Ở góc độ nhà thầu, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) là Tổng thầu xây lắp Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 và Tổng thầu lắp đặt các thiết bị của Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1, Thái Bình 2.
Cả 3 công trình này đều áp dụng phương pháp tính của Nhà nước về bộ định mức, giá, đơn giá. Tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Lilama đang phải áp dụng song song 2 bộ định mức của Bộ Xây dựng và Bộ Công Thương.
Hiện các bộ định mức do Bộ Xây dựng ban hành chủ yếu là định mức xây dựng các công trình dân dụng, nhà ở, thấp hơn so với mức của các công trình công nghiệp có tính chất phức tạp như nhà máy nhiệt điện.
Còn Bộ Công Thương tuy có một số định mức áp dụng cho các nhà máy nhiệt điện nhưng không đầy đủ do ban hành từ lâu. Do đó, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 không hấp dẫn nhà thầu tham gia và đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Tạo lập sự minh bạch
Mới đây, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lấy ý kiến đóng góp về Luật Phòng chống tham nhũng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho rằng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng và chi phí dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị có vai trò quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng và phát triển đô thị.
Đặc biệt khi hoạt động đầu tư xây dựng và phát triển đô thị - khu vực chiếm tới 70% tổng mức đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm một số vốn rất lớn.
Do đó, quản lý chi phí đầu tư xây dựng chính là nhân tố cơ bản liên quan đến hiệu quả đầu tư của dự án đầu tư xây dựng và phát triển đô thị; góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng, đặc biệt đối với dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách, dự án thực hiện theo hình thức PPP.
Thực tế cho thấy, sự biến động giá những năm qua tác động rất lớn đến việc triển khai các công trình xây dựng, nhất là những công trình sử dụng vốn nhà nước.
Thậm chí, nhiều định mức lại được xây dựng quá lâu, không được cập nhật nên lạc hậu. Việc vận dụng của các chủ thể, qua thanh, kiểm tra cho thấy rất lộn xộn, chủ yếu là làm tăng chi phí dự toán, dẫn tới tiêu cực, thất thoát vốn.
Chính bởi vậy, việc hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng và dịch vụ đô thị phù hợp với kinh tế thị trường đã công bố là để khắc phục những bất cập này. Theo kế hoạch, năm 2018, các cơ quan sẽ phải rà soát lại định mức đã công bố, phương pháp xây dựng định mức và giá mới.
Mục tiêu của Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng là phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, nhưng cũng góp phần chống thất thoát lãng phí; khắc phục những tồn tại của hệ thống định mức, cơ chế quản lý.
Từ đó, tạo ra một thị trường, không gian minh bạch đảm bảo tính đúng tính đủ, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất và góp phần chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng hiệu quả.
Từ khâu lập dự toán, ý tưởng, thiết kế, tổ chức thi công cho đến quản lý vận hành đều thực hiện trên máy tính, sau đó đưa ra thực tế. Do vậy, dự án khi đi ra thực tế triển khai sẽ rất nhanh, hiệu quả, không bị ứ đọng vốn và đẩy nhanh được tiến độ, giảm chi phí đi rất nhiều - Cục trưởng Phạm Văn Khánh chia sẻ.
Việc Bộ Xây dựng hoàn thiện 2 Đề án gồm “Hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật ngành xây dựng” và Đề án “Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng” được kỳ vọng sẽ quản lý chặt chẽ hơn chi phí xây dựng, chống thất thoát, tiến tới công khai minh bạch giá, phí xây dựng và cũng để không còn chuyện hồ sơ, quyết toán “cất hộc tủ”.