Tạo lợi thế cho tôm xuất khẩu nhờ chuyển đổi xanh

Xuân Thảo

Theo nhận định của các chuyên gia, để đạt được mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024, việc tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, dần chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh là điều mà các doanh nghiệp hướng tới.

Năm 2025, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024.
Năm 2025, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024.

Sẵn sàng bứt phá

Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hai tháng đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản đã ghi nhận những tín hiệu tích cực với tổng kim ngạch đạt 1,423 tỷ USD, tăng trưởng 18,2% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, tháng 2/2025 đạt 655,197 triệu USD, tăng 42,6%. Trong đó, đáng chú ý, tôm tiếp tục là điểm sáng lớn nhất, đóng góp 542,387 triệu USD trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng 30,8%. Riêng tháng 2/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 231,406 triệu USD, tăng 33,9%.

Sự phục hồi này cho thấy ngành tôm đang lấy lại đà tăng trưởng sau giai đoạn giá thấp kéo dài trong năm 2023-2024. Dù nhập khẩu từ Trung Quốc và Mỹ giảm trong năm 2024, nhưng các thị trường khác như EU và một số khu vực mới nổi đã bù đắp khoảng trống, giúp sản xuất tôm toàn cầu duy trì ổn định trong khi giá cả cải thiện.

Nhận định về triển vọng trong năm 2025 cho ngành tôm, VASEP cho rằng, xuất khẩu tôm vẫn khá lạc quan. Giá nhập khẩu trung bình tăng từ tháng 10/2024 và dự kiến duy trì ở mức cao trong suốt năm 2025 nhờ tồn kho ổn định, mang lại niềm tin cho cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu. Hiện top 3 thị trường nhập khẩu tôm của Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản.

Trong đó, thị trường Trung Quốc vươn lên là thị trường nhập khẩu tôm nhiều nhất với kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với 2023. Tuy nhiên, hiện tại tôm Việt Nam chỉ mới chiếm 1,5% thị trường nhập khẩu tôm của Trung Quốc nên dư địa tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này còn nhiều.

Năm 2025, ngành tôm đặt mục tiêu xuất khẩu khoảng 4,3 – 4,5 tỷ USD, tăng trưởng 10 – 15% so với năm 2024. Để đạt được mục tiêu này, cùng với nâng cao năng suất và chất lượng tôm nuôi, ngành nông nghiệp cũng đang chú trọng tìm kiếm những giải pháp mới, khả thi.

Trong bối cảnh ngành nông nghiệp nước ta đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã chủ động đầu tư nghiên cứu và ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm chuyển đổi phương thức sản xuất sang một hướng xanh hơn, không chỉ giảm thiểu phát thải khí nhà kính mà còn bảo vệ môi trường.

Hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu

Theo ông Trần Công Khôi, Trưởng Phòng Giống và Thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản và Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hiện chi phí sản xuất tôm của nước ta vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, việc tăng năng suất, giảm chi phí sản xuất, dần chuyển đổi mô hình sản xuất sang sản xuất xanh là điều mà các doanh nghiệp hướng tới.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam nhận định, năm 2024, tôm Việt đã có sự bứt phá mạnh mẽ khi là 1 trong 6 mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD của ngành nông nghiệp. Sự tăng trưởng về năng suất và kim ngạch xuất khẩu là nhờ mô hình nuôi tôm công nghệ cao đang được ứng dụng rộng rãi.

Tuy nhiên, sự nở rộ của mô hình này lại tạo áp lực lên môi trường sinh sống của con tôm, khiến chất lượng vùng nuôi dần đi xuống. Trong khi đó, yêu cầu của thị trường thế giới ngày một khắt khe hơn, đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu phải thân thiện với môi trường hơn, tiệm cận được các tiêu chí xanh.

“Hiện cả nước có hơn 750.000 ha nuôi tôm, trong đó có trên 200.000 ha nuôi tôm theo hướng hữu cơ, sinh thái, nuôi kết hợp như tôm rừng, tôm lúa... đã tỏ rõ ưu thế tại nhiều thị trường lớn và khó tính. Có thể khẳng định, chuyển dịch sản xuất theo hướng xanh, tuần hoàn là yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp thủy sản, nhằm đáp ứng tốt hơn những đòi hỏi từ quy định, luật lệ, tiêu chuẩn về môi trường nước nhập khẩu”, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam khẳng định.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến, ngành tôm đang bước vào giai đoạn cách mạng xanh, chuyển đổi từ truyền thống sang sản xuất bền vững, ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Ngành tôm Việt Nam không chỉ cần duy trì vị thế mà còn phải khẳng định thương hiệu "tôm sạch, tôm xanh" trên bản đồ thủy sản toàn cầu.